Góc nhìn

Rủi ro trên thị trường BĐS chưa kiểm soát được ở mức độ cần thiết

Đã từ lâu, nhiều người biết nguyên lý “nơi nào có khả năng sinh lời cao, nơi đó tiềm ẩn nhiều rủi ro cao tương ứng và ngược lai”. Tuy nhiên chỉ dẫn có tính quy tắc này bị “bỏ quên” trong thời gian qua, làm cho thị trường BĐS mất định hướng, bong bóng xuất hiện và ngày càng phình to, vòng luẩn quẩn của lưu thông trong mối quan hệ “người thiệt – kẻ trục lợi” diễn ra kéo dài và góp phần làm cho dòng lưu thông BĐS, tiền tệ ứ đọng, ách tắc và phải mất thời gian, tốn kém chi phí mới xử lý được.

Đó là ý kiến của luât sư Đào Ngọc Chuyền – Trọng tài viên trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam phân tích về những rủi ro của thị trường BĐS Việt Nam tại Hội thảo Các giải pháp quản lý rủi ro, giải quyết xung đột trong thị trường BĐS tổ chức ngày 19/11 tại Hà Nội.

 
Theo ông Chuyền, giống như các hang hóa khác khi tham gia thị trường thì bản thân giao dịch sẽ có khả năng phát sinh rủi ro, cần kiểm soát. Điều muốn nhấn mạnh ở đây là, rủi ro thị trường BĐS ở nước ta chưa kiểm soát được ở mức độ cần thiết, do thiếu dự báo, quy hoạch, kế hoạch và sự điều chỉnh của nhà nước, cùng sự khuyến cáo thị trường chưa đủ mạnh.
 
Nói về những rủi ro trong đầu cơ BĐS, ông Chuyền cho biết: “Chuyện đầu cơ trong thị trường BĐS là không mới, vì nó đã xuất hiện ở nhiều thị trường khác nhau. Nhưng vì sao nó vẫn đến và có cơ hội phát sinh và tồn tại ở Việt Nam. Có lẽ đây thật sự do cả yếu tố thị trường và quản lý. Do thị trường vì có cầu có cung thì có đầu tư kinh doanh, vượt lên sự kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận là đầu cơ”.
 
Ông Chuyền phân tích: “Có giai đoạn đầu cơ ngang nhiên tồn tại, nhiều người, nhiều nhà, nhiều tổ chức gom hàng BĐS mà không có chức năng kinh doanh chờ cơ hội tăng giá để trao tay hưởng lợi; Thiếu tiền, thế chấp vay thêm tiền; Thiếu đất, lập dự án xin bằng được đất; Lúc này hàng hóa BĐS tập trung về một số người; một số tổ chức, thậm chí liên tổ chức (có cả doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề khác chuyển hướng kinh doanh BĐS, có cả ngân hàng thương mại tham gia).
 
Người có tiền làm chủ dự án hoặc liên kết làm chủ tài sản trong tương lai, người không có hoặc ít tiền thì tham gia theo hiệu ứng đám đông, có bằng được tiền (vay nợ, thậm chí vay nợ lãi suất cao, thế chấp, chuyển đổi sang tiền từ hàng hóa khác…) để đưa vào BĐS với mục đích cuối cùng là có nhiều suất nhà/đất, không cần biết đến tiêu thụ hàng BĐS thế nào, thực hiện chu trình vòng quay vốn ra sao
 
Khi thị trường điều chỉnh lớn, hậu quả tất yếu là mất khả năng thanh toán, vỡ nợ, chầy ì, trốn tránh, nợ xấu, lừa đảo. Tất nhiên các xung đột lợi ích rất phức tạp, đan xen, liên đới và để giải quyết phải mất một thời gian dài. Hẳn không dẽ quên bài học đầu cơ đất và giải quyết hậu quả hàng chục năm đối với di chứng vụ án hình sự Minh Phụng - EPCO”.
 
Tại hội thảo một số đại biểu cũng đưa ra những rủi ro do thông tin sai lệch. Ví dụ, có thông tin ở vùng quê nào đấy săp có dự án, sắp mở đường, sắp có khu công nghiệp là giá đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất ở, đất vườn của dân nghèo tăng giá với tốc độ chóng mặt. Xuất hiện thành phần mua đi bán lại, thậm chí trong ngày, làm cho người có tiền đổi hướng đầu tư giữ đất. Đến một ngày dự án bị thu hồi giấy phép, đường không qua, khu công nghiệp xem xét quy hoạch lại là cho người giữ đất dở khóc dở cười mà bán lại thì không ai mua. Điều này cho thấy thông tin sai lệch cũng đưa đến hậu quả lớn đối với lợi ích của người tham gia giao dịch và đối với toàn xã hội.
 
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo