Góc nhìn

Sân chơi công nghiệp sáng tạo: DN Việt đang ở đẳng cấp thấp

Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang đến với nền kinh tế sáng tạo. Từ đó, doanh nghiệp (DN) Việt cần nhận thức mạnh mẽ về vai trò và tiềm năng to lớn quý giá của ngành này. Nhưng ở thời điểm hiện tại, công nghiệp sáng tạo và tư duy của DN Việt còn rối và ở một đẳng cấp thấp.

 Để làm rõ hơn những khó khăn của DN Việt ở sân chơi này, PV Tạp chí DNVN đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Hữu Thái Hoà, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn FPT.  


PV: Ông đánh giá như thế nào về sự định vị của DN Việt Nam trong ngành công nghiệp sáng tạo?

Ông Nguyễn Hữu Thái Hoà: Nói rất thật lòng dưới góc độ của một chuyên gia, công nghiệp sáng tạo và tư duy của DN Việt vừa rối, vừa ở một đẳng cấp thấp. Chúng ta cần phải sắp xếp lại những định nghĩa và có chiến lược phù hợp cho công nghiệp sáng tạo.

Nói vậy không có nghĩa là chúng ta bỏ qua tiểu ngạch, trong khi những tiểu ngạch nhỏ, tự phát trong dân thì rất tốt. Chúng ta phải coi lại cách làm về tổng thể, nếu tiếp tục làm như hiện tại thì những cái tốt, nhỏ lẻ trong dân không được phát huy và càng ngày càng bị triệt tiêu.

Như tôi vừa nói, trên biểu đồ 3 tầng cho sản phẩm và dịch vụ thì tầng của chúng ta là làm gia công, sản xuất, sau đó mới đến tầng làm ra sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách hàng. Đỉnh cao trên cùng là sáng tạo, ở tầng này Việt Nam chưa có được. Chúng ta phải biết xác định lộ trình, một số ngành đã có sản phẩm rồi phải nâng cấp lên, còn chưa có thì nâng lên từng nấc thang.

Sáng tạo cần nhất cho Việt Nam là tư duy phát triển trong nền kinh tế nhiều ngành nghề sẽ đi như thế nào, chọn sản phẩm, dịch vụ nào để đầu tư. Tôi rất lo là chúng ta đã nghèo, ít tiền mà hầu hết tư duy phát triển của chúng ta theo một chiến lược mà giới chuyên gia gọi là "chiến lược vỏ quả mít", nghĩa là dàn trải, ngành nào cũng muốn làm nhưng không đến nơi đến chốn.

PV: Chúng ta đã nói về công nghiệp sáng tạo, nhưng chưa nhiều người hiểu hết về định nghĩa này. Ông có thể cho biết cụ thể?

Ông Nguyễn Hữu Thái Hoà: Sáng tạo là một định nghĩa, cũng không chỉ riêng Việt Nam mà toàn cầu đều tranh luận gắt gao ở các trường phái khác nhau.

Trong chữ sáng tạo có rất nhiều khía cạnh. Những thứ có sẵn trong vũ trụ, chúng ta mới biết là phát minh. Nhưng sáng chế là những cái không có con người thì không có được: truyền hình, báo chí…Sáng tạo và công nghiệp sáng tạo là tất cả những cái trên cộng lại, sáng tạo (Creative) rất gần với tư duy (Thinking) của con người. Sáng tạo đi theo chiều hướng giá trị hay không giá trị.

Tôi đưa ra một định nghĩa của Trung tâm khoa học tư duy: Sáng tạo là những hoạt động thuộc về tư duy tạo ra những giá trị mới và phải có lợi ích. Đây là 2 vế song song, phải mới nhưng mới theo kiểu xe chính chủ, phải có ngực mới chạy xe được... những thứ đấy thực sự là một trong những chính sách trên trời.

Tính mới nhưng phải đem lại giá trị, mà giá trị phải phục vụ cộng đồng. Cộng đồng chính là thước đo lớn nhất. Tôi cũng có nhắc tới ngoài giá trị hữu hình mà phải có giá trị vô hình nữa, mà đây là giá trị rất lớn. Sắp tới đây, trung tâm khoa học tư duy của Bộ Khoa học Công nghệ sẽ đưa vào chính sách để rõ về định nghĩa.

PV: Theo ông, để có một ngành công nghiệp sáng tạo phát triển đúng hướng, DN Việt cần những gì?

Ông Nguyễn Hữu Thái Hoà: Đó chính là tư duy của người đứng đầu các DN phải thực sự trân trọng sáng tạo. Hiện nay giá trị lao động, sáng tạo đang bị đánh đổi quá dễ với 1 cú áp phe, 1 cú bán đất, làm cò...những thứ đó, những giá trị ảo đó không có sức lao động, làm cho người ta dễ đánh đổi. Thanh niên, những người trẻ khởi nghiệp ngày nay thích giàu nhanh, không thích lao động.

Một báo cáo mới nhất cho thấy chỉ số năng suất lao động Việt Nam đang thấp hơn so với thập niên 90, giá trị ảo đang giết DN Việt. Giữa làm manh mún và có tiền quá đơn giản, một tấc đất bán lên 100 lần, phần kia chắc chắn 1 giá trị sau này toàn dân phải chịu và đó là sự bất nhẫn đối với người lao động cần cù.

 Tôi nghĩ rằng với chính sách, trong tư duy từng lãnh đạo cũng phải thay đổi. Đẳng cấp và sự kiên định của mỗi DN cũng là một vấn đề. Đã có rất nhiều DN phát triển cực tốt trong 10 năm nhưng sau đó bỏ đi làm bất động sản và tan hoang. Điều đó cho thấy, DN đã phải trả giá vì làm những cái không đúng ngạch. Cái chúng ta nên kiên định ở đây là làm những thứ thật sự truyền thống và là sở trường thay vì nhảy qua sở đoản. Chỉ làm những cái sở trường, mới tạo ra giá trị.

PV: Trong phát biểu tham luận vừa rồi, ông có nhắc tới khía cạnh DN hãy tự nên cứu mình trước khi chờ chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ông có thể nói rõ hơn?

Ông Nguyễn Hữu Thái Hoà: Các quốc gia tôi đã sống, đã từng đến thì không 1 quốc gia nào chính sách của Nhà nước thỏa mãn ngay lập tức DN. Trong nền kinh tế thị trường, muốn đột phá, muốn cạnh tranh phải tìm cái mới, và cái mới thì không chính sách nào theo kịp. Ví dụ như ở Mỹ, Singapo, chính sách của Chính phủ phải chạy theo sự phát triển của DN.

Cái tôi muốn nhấn mạnh ở đây là DN hãy dừng than khóc với cơ chế, hãy tự cứu lấy mình bằng những thứ chúng ta đang phí phạm. Tôi cam đoan ở Việt Nam, trong mỗi sản phẩm, dịch vụ làm ra thì chỉ số phí phạm, tốn kém là 30%, rất vô lý. Người ta chỉ cần vào phòng rác của DN có thể đào ra vô vàn thứ lãng phí. Với con số 30% này, tôi đặt câu hỏi: Cơ chế có cấm chúng ta cắt giảm những chi phí đó không? Hay chính chúng ta tạo ra sự phí phạm đó. Nếu cắt được khoản đó thì ít nhất chúng ta đã có khoản 30% lãi ròng. Tôi cho rằng DN phải tự đột phá.

Công nghiệp sáng tạo không có gì khác biệt là tạo cái mới cho chính mình, không nên nghĩ nó quá ghê gớm, to lớn, mà từ những cái nhỏ như cái tăm, cái đinh đều có những giải pháp sáng tạo để tốt hơn. Đầu tiên hãy tự hỏi mình trước, đưa ra quan điểm tự cứu mình.

PV: Lời khuyên của ông dành cho các DN để có thể  tự cứu mình như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Thái Hoà: Đầu tiên các DN phải tự hỏi chính mình: Chúng ta mạnh gì, yếu gì?, phải định vị lại mình. Hiện nay, có rất nhiều DN làm sản phẩm nhưng không biết được rằng mình hơn ở đối thủ cạnh tranh ở điểm gì.

Ông bà ta có nói câu rất hay “Tiên trách kỳ, hậu trách nhân”, chính chúng ta mới trả giá cho những việc chúng ta làm, tại sao phải vay mượn từ bên ngoài, vay mượn người khác.

Đối với DN Việt Nam hiện đang rối trí, đang loay hoay trong cái đáy của khủng hoảng, không biết lối ra. Như các chuyên gia khác có nhận định: Bức tranh sáng tạo và thành công chỉ có 5%, đây là cuộc chơi toàn cầu, có tới 95% gặp thất bại khi khởi nghiệp, chính vì vậy chúng ta phải nỗ lực hết mình trong 5% đó. Hãy tự cứu mình hơn là chờ đợi chính sách!

Trân trọng cảm ơn ông!

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo