Sàn giao dịch bất động sản giúp làm minh bạch thị trường
“Người dân bây giờ đã quen là việc mua bán nhà đất là phải qua sàn, phải đến một nơi niêm yết thông tin rõ ràng và có một chuyên viên được cấp chứng chỉ môi giới hướng dẫn và hỗ trợ trong quá trình làm việc giữa các bên với nhau và cóp sự chuyên nghiệp về quản lý”
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phân phối DTJ - Chủ tịch Liên minh sàn giao dịch BĐS G5 về những lợi ích của việc bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn.
PV: Quy định giao dịch BĐS qua sàn đã đi vào thực hiện được vài năm góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, nó lại làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính nên Bộ Xây dựng đang xin ý kiến bỏ quy định này trong Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Khánh: Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 được Quốc hội thông qua đến năm 2009 bắt đầu thực hiện, việc quy định giao dịch BĐS phải qua sàn là một bước tiến dài minh bạch, rõ ràng. Người mua nhà được cung cấp thông tin khá đầy đủ cũng như tiếp xúc với cách bán hàng chuyên nghiệp.
Trước đó, việc mua bán nhà đất- công việc quan trọng nhất của cả một đời người lại diễn ra một cách dấm dúi, thiếu sự tôn trọng người mua. Quy định giao dịch qua sàn ra đời nó làm thay đổi cách thức và quan điểm mua bán BĐS. Đứng trên quan điểm về luật pháp, nó là quy định để bảo vệ người dân trong giao dịch nhà ở.
Một điều nữa, người dân bây giờ đã quen là việc mua bán nhà đất là phải qua sàn, phải đến một nơi niêm yết thông tin rõ ràng và có một chuyên viên được cấp chứng chỉ môi giới hướng dẫn và hỗ trợ trong quá trình làm việc giữa các bên với nhau và cóp sự chuyên nghiệp về quản lý.
Tuy nhiên, do thị trường còn nhiều vấn đề như lúc nóng lúc lạnh, lúc tăng lúc giảm đã dẫn tới tình trạng tiêu cực như một số sàn mua bán lừa đảo khách hàng. Việc “đóng băng” của thị trường cũng ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý của khách hàng…
Có một số ý kiến cho rằng, việc có sàn BĐS cũng không làm tăng số lượng giao dịch lên. Tôi cho rằng, việc tăng hay không trước hết phải do vấn đề kinh tế, do quy hoạch sản phẩm. Cung quá nhiều trong khi cầu chưa tới, thừa thiếu cục bộ thì sản phẩm làm ra cũng không phù hợp với tài chính của khách hàng.
PV: Một số liệu thống kê gần đây đưa ra con số 80% sàn BĐS đã đóng cửa, nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Khánh: Tôi cũng không rõ con số chính xác là 70, 80 hay 90% nhưng đúng là số lượng sàn BĐS đã đóng cửa là rất nhiều. Tuy nhiên, ở Việt Nam bất cứ ngành nghề nào phát triển theo phong trào mà không có hoạch định cụ thể thì việc “phá sản” như vậy là điều không có gì phải ngạc nhiên.
PV: Ông có thể phân tích kỹ hơn về những hệ lụy nếu như giao dịch BĐS không thông qua sàn?
Ông Nguyễn Quốc Khánh: Nếu không bắt buộc phải giao dịch qua sàn thì chắc chắn ít nhiều sẽ xảy ra những hệ lụy tiêu cực của thị trường. “Trăm hoa đua nở”, chúng ta lại quay trở về thời kỳ mà “người người, nhà nhà làm BĐS”, nhưng số người có hiểu biết, có chuyên môn thực sự là rất ít thế thì việc sẽ xảy ra lừa đảo là điều dễ hiểu. Mà trong mọi trường hợp thì người mua nhà sẽ chịu thiệt. Rõ ràng là ta phải thừa nhận vai trò của sàn giao dịch BĐS.
Hơn nữa trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần phải có một bên thứ 3. Ví dụ như qua sàn thì phải có một bên thứ 3 thẩm định để đưa ra những thông tin khách quan cho các dự án của chủ đầu tư. Ít ra, có bên thứ 3 thì chủ đầu tư họ không bưng bít được thông tin, mọi thứ sẽ rõ ràng hơn bởi bên thứ 3 có liên đới chịu trách nhiệm.
PV: Thời gian tới, nếu Quốc hội thông qua đồng ý bỏ giao dịch qua sàn, là Chủ tịch Liên mình các sàn giao dịch BĐS, ông có kiến nghị gì không?
Ông Nguyễn Quốc Khánh: Cá nhân tôi cho rằng, các quy định của pháp luật ra đời sau phải kế thừa những điều tốt, chính sách tốt. Còn những điểm chưa tốt thì phải sửa. Chứ không phải cái trước chưa tốt thì cái sau loại bỏ hết. Thêm nữa, các nhà làm luật phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia, những người có chuyên môn để làm sao đưa ra các quy định chặt chẽ, có cơ sở.
Nếu bỏ sàn, mình chỉ đặt ra giả thiết là bất kể một cá nhân nào không có chuyên môn, không có pháp lý gì mà bán BĐS, còn người dân thì cho rằng bây giờ không biết tin vào ai, giao dịch ở chỗ nào cũng được như vậy thì thử hỏi sẽ xảy ra nhiều lừa đảo hơn hay hạn chế được rủi ro?
Luật kinh doanh BĐS qua sàn khá kín kẽ, tức là anh phải qua sàn, phải đăng trên báo, đài công khai thông tin, giới thiệu dự án với khách hàng hoặc đấu giá công khai để tạo sự minh bạch. Vậy thì việc bỏ hay không bỏ giao dịch qua sàn BĐS các nhà chức trách có thẩm quyền và chuyên môn phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định.
PV: Xin cảm ơn ông?
Như Trâm (Thực hiện)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo