Sao lại trách oan quà Tết?
Đừng hàm oan cho những món quà Tết, bởi tự thân nó là một nét đẹp văn hóa bị miễn cưỡng biến thành ‘tội nhân’ trong những tham vọng quyền lực của nhiều người.
Tết đến, những câu chuyện bàn ra tán vào xung quanh việc tặng tết, biếu tết cứ râm ran chỗ nọ chỗ kia.
Vẫn bảo, nghĩ giản dị rằng, chuyện tặng, biếu tết của mỗi người dù mang hàm ý gì thì trước hết, nó vẫn là tấm lòng của người biếu, đừng vội nghĩ xấu xa, đừng hàm oan cho “quà tết” và tấm lòng người đi biếu.
Nhưng, thực tâm, chứng kiến những việc cười ra nước mắt, xung quanh chuyện biếu quà tết, mới thấy, trong sự biến động của nền kinh tế thị trường, những ý nghĩa tốt đẹp của các hành vi văn hóa đều đang bị lợi dụng triệt để, phục vụ cho mục đích vụ lợi cá nhân.
Loại trừ những món quà hiếu nghĩa của tình thân gia đình, bạn bè, xóm giềng, chuyện biếu tết đang bị biến tướng, đặc biệt trong các mối quan hệ xã hội ở mức độ xã giao, thuần túy là công việc.
Bữa qua, cô em kể chuyện chồng cô, vốn là một công chức bình thường trong một cơ quan nhà nước. Lương của cậu cũng chỉ ba cọc, ba đồng. Với bản tính ít bon chen, không quá mưu cầu danh lợi nên thường thì cậu chỉ cố gắng hoàn thành công việc, chưa từng nghĩ cách lấy lòng sếp.
Từ độ còn đang yêu đương, nhiều lần cô có giục bạn giai đến lễ tết nhà sếp. Cậu chàng cứ gạt phăng đi, bảo chả thấy anh chị nào cùng phòng bảo đi sếp, ai cũng bảo không cần nên cậu cũng theo thế.
Năm rồi, hai đứa tổ chức đám cưới, cũng vào dịp cận tết nên hai vợ chồng quyết làm quả “đột phá”, gọi là đưa vợ đến giới thiệu với sếp, tiện mang mấy cân chè Thái Nguyên quê vợ làm quà tình cảm.
Đến nơi, vừa ngồi chưa nóng chỗ, chồng cô ngỡ ngàng khi thấy lần lượt các nhân viên khác trong phòng đều đi “biếu tết” nhà sếp. Tất nhiên, chẳng ai mang cân chè, hộp bánh như hai vợ chồng.
Chứng kiến anh thì thì bê cái ti vi vào đặt trong phòng ngủ của vợ sếp, chị thì đưa tranh treo ngay phòng khách, người đưa cây đào thế gọi là “để sếp chơi mấy ngày Tết”… Nhìn vào túi quà có phần quá hẻo của mình, hai vợ chồng hơi ngượng.
Cô em bảo, “đến cả mấy anh chơi thân với chồng em, tính tình cũng thẳng thắn, cứ tưởng chả bao giờ đi sếp, thế mà cũng bê nguyên cái ti vi đến biếu thì chồng em choáng…”
Thực ra trong trường hợp của vợ chồng cô em, chuyện biếu tết sếp có lẽ cũng chỉ là theo trào lưu. Cái tivi, hay bức tranh giá đôi ba chục triệu hẳn nhiên không hàm ý đút lót. Đó có thể chỉ là chuyện “biết điều”, để mong năm tới sếp chiếu cố hơn trong quá trình làm việc.
Bây giờ thiên hạ rỉ tai nhau những món quà tết ‘nhỏ gọn” bằng hàng trăm ngàn cổ phiếu, cả căn hộ suất ngoại giao, hay thậm chí, suất đi du học Mỹ cho con trai, con gái sếp… Dẫu vẫn mang danh nghĩa “tặng”, cho, biếu xén nhưng đó là những món nợ vật chất mà người làm lãnh đạo nào cũng buộc phải tìm cách “trả ơn”.
Chuyện trúng thầu dự án béo bở này khác, chuyện thăng chức, thăng quan của không ít cá nhân không xuất chúng đôi khi nhờ chính những món quà đầy “ân tình” đó.
Cũng chính vì sự biến tướng tinh vi của quà tết, từ 2007 Thủ tướng đã phải ban hành lệnh cấm biếu quà lãnh đạo. Ban Bí thư cũng phải ra chỉ thị “nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên; không được sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động trong dịp Tết trái quy định”.
Rồi mới đây, đến cơ quan phòng chống tham nhũng trung ương cũng phải vào cuộc, đưa cả số điện thoại đường dây nóng để quần chúng thông tin chuyện “Cán bộ nhận quà tết”. Rõ ràng, quà Tết đang bị “hình sự hóa”, trở thành “tội phạm” thứ thiệt chứ đâu còn là nét đẹp văn hóa của người Việt bao đời.
Đương nhiên, sự biến tướng của những món quà biếu Tết không phải tự nhiên sinh ra. Nói theo kiểu bác học, thì nó là “mặt trái của kinh tế” thị trường. Chẳng phải riêng ở nước ta, mà nhiều nước, như Trung Quốc, cũng có nhiều chuyện bi hài quanh món quà tết.
Vấn đề là làm sao để ngăn chặn được những món quà mang ý nghĩa “hối lộ”, thì dường như chúng ta đang bế tắc.
Dẫu có lệnh nọ, luật kia, thì sự tinh vi trong cách biếu quà ngày nay cũng đang là kẽ hỡ khó bịt. Bắt đầu từ đâu vẫn là câu hỏi khó và càng khó hơn khi biết rõ câu trả lời nhưng không dễ gì thực hiện.
Nói theo cách của nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương thì bây giờ lãnh đạo muốn nghiêm cũng rất khó.
“Một ông bộ trưởng quản lý dưới gần 100 tổng công ty và tập đoàn, thế thì vận mệnh của các tổng công ty, tập đoàn đó lệ thuộc vào ông bộ trưởng phụ trách bộ đó. Vì thế, dù cho ông bộ trưởng đó muốn tránh, cấp dưới vẫn ào ào đến. Có chối cũng khó. Nếu ông ấy không nhận, người ta cũng có cách khiến vợ con ông ấy nhận, thì coi như là ông ấy cũng nhận. Nhận rồi, ông ấy muốn trả cũng khó”, ông Hương nêu ví dụ.
Theo ông Hương, Nghị quyết của Đảng đã quy định rất rõ việc không được biếu xén trong dịp Tết: Ai biếu gì thì ghi lại, cho cơ quan công khai, đưa vào quỹ. Nhưng chỉ có vài người khai. Số đó rất ít.
Thực tế, báo cáo trước Quốc hội vào tháng 10/2014, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết năm 2014 cả nước có 32 trường hợp nộp lại quà tặng. Trong đó riêng Bộ Tài chính có 12 người nộp lại quà tặng với tổng số tiền 118 triệu đồng.
Số tiền 118 triệu có lẽ là con số hài hước và khó tin nhất bởi đến người kém hiểu biết nhất thì khi làm phép tính cộng giản đơn trên hàng vạn cán bộ, với hàng vạn suất quà tết trị giá “giản dị” nhất cũng đã hơn rất nhiều con số đó.
Nếu coi đây là thành tích, thì có lẽ “mặt trái của tấm huy chương’ cũng đang nằm trên chính tấm huy chương đó.
Làm gì để hạn chế được việc lãnh đạo nhận quà tết là câu hỏi dễ mà khó. Muốn thực hiện được điều này, theo ông Hương, cần phải thực hiện nghiêm từ lãnh đạo. “Lãnh đạo không nhận quà thì cấp dưới cũng đời nào dám nhận”, ông Hương nói.
Quả đúng, quà Tết tự thân nó thể hiện của nét văn hóa, không mang hàm ý xấu. Nếu có trách, hãy trách người biếu, người nhận, trách lãnh đạo không nghiêm, trách cơ chế thị trường biến động.
Xin đừng hàm oan cho quà Tết.
Theo VTC
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo