Bất động sản

Sau 5 năm, nhà ở xã hội được sang nhượng?

Người mua, thuê mua nhà ở xã hội có thể được phép cho thuê lại, thế chấp chuyển nhượng nhà ở sau 5 năm thay vì 10 năm như quy định hiện hành.

Theo dự thảo Nghị định Về phát triển và quản lý nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép cho thuê lại, thế chấp không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm.

Chủ sở hữu chỉ được chuyển nhượng lại sau khi trả hết tiền theo hợp đồng đã ký kết và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Trong thời hạn chưa đủ 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội thì chỉ được bán lại cho Nhà nước, hoặc chủ đầu tư.

Theo Nghị định về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở hiện hành, người thuê, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được phép bán, cho thuê sau thời gian tối thiểu là 10 năm.

Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, II thì phải là nhà chung cư; không khống chế số tầng.

Tiêu chuẩn thiết kế diện tích sàn mỗi căn hộ chung cư tối thiểu là 30m2, tối đa không quá 70 m2. Chủ đầu tư dự án được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần so với quy chuẩn xây dựng hiện hành, phù hợp với quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Xây dựng đề xuất cho phép chủ đầu tư áp dụng thí điểm việc thiết kế diện tích sàn mỗi căn hộ chung cư tối thiểu là 25 m2, tối đa đến 90 m2. Dự án phát triển nhà ở xã hội không thiết kế tầng hầm; trường hợp chủ đầu tư dự án có nhu cầu xây dựng tầng hầm thì phải có ý kiến chấp thuận của Bộ Xây dựng.

Giá bán nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án xác định trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tính đủ các chi phí để thu hồi vốn, kể cả lãi vay và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư.

Nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội được huy động từ Quỹ phát triển nhà ở của địa phương, tiền sử dụng đất trên địa bàn; vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách Trung ương; vốn trái phiếu Chính phủ; vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA...

 

 

Hải Anh (Theo VnExpress)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo