Sau thương vụ 32 tỷ USD, giá cổ phiếu SoftBank lao dốc chóng mặt
Hãng tin Reuters cho biết, thương vụ được công bố ngày 18/7 này sẽ là vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay của SoftBank, đồng thời sẽ gia tăng khối nợ vốn dĩ đã khổng lồ của tập đoàn công nghệ-viễn thông này.
Trước khi đi đến quyết định thâu tóm ARM, SoftBank đã đầu tư vào một loạt công ty ở nước ngoài, từ nhà mạng Sprint của Mỹ cho tới tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba của Trung Quốc.
Trong thương vụ được thanh toán bằng tiền mặt, SoftBank sẽ trả cho ARM mức giá 17 Bảng/cổ phiếu, cao hơn 43% so với giá đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước của cổ phiếu ARM.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) SoftBank, ông Masayoshi Son cho biết tập đoàn này đã huy động được lượng tiền mặt gần 2 nghìn tỷ Yên, tương đương 19 tỷ USD, thông qua bán tài sản, bao gồm bán lại cổ phiếu Alibaba.
Ông Masayoshi Son - Nhà sáng lập, kim CEO SoftBank.
Ngoài ra, SoftBank ngày 18/7 cho biết đã được chấp thuận khoản vay 1 nghìn tỷ Yên, tương đương 9,42 tỷ USD, từ ngân hàng Mizuho để đáp ứng nhu cầu tài chính cho thương vụ ARM.
Tuy nhiên, trước đó, các nhà phân tích kỳ vọng SoftBank sẽ dùng tiền thu về từ việc bán tài sản để giảm nợ hoặc mua lại cổ phiếu từ cổ đông.
Tính đến cuối tháng 3, SoftBank nợ số tiền 11,9 nghìn tỷ Yên, tương đương 112 tỷ USD, trong đó có số nợ 4.000 tỷ Yên tại Sprint. Mức nợ ròng của SoftBank hiện cao gấp 3,8 lợi nhuận ròng.
Ông Son cho biết ông đã âm thầm theo dõi ARM suốt 10 năm qua và nhận thấy giờ là thời điểm phù hợp để đầu tư vào một công ty cung cấp công nghệ cho gần như tất cả các sản phẩm điện thoại thông minh (smartphone) bao gồm iPhone của Apple và Galaxy của Samsung.
ARM cũng sẽ giữ một vị trí trung tâm trong sự dịch chuyển của lĩnh vực công nghệ sang “Internet của mọi thứ” (IoT), một lĩnh vực mà SoftBank đã đặt làm trọng tâm - theo ông Son.
Giá cổ phiếu SoftBank giảm 10% trong phiên giao dịch sáng ngày 19/7 tại thị trường Tokyo.
“ARM sẽ là trung tâm của IoT, mạng lưới ở đó tất cả mọi thứ sẽ được kết nối”, vị CEO của SoftBank nói với báo giới. “IoT sẽ là sự dịch chuyển mô hình lớn nhất trong lịch sử nhân loại và chúng tôi luôn đầu tư ngay từ đầu trong mỗi sự dịch chuyển mô hình”.
Thương vụ SoftBank-ARM sẽ là một trong những vụ đầu tư ra nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của Nhật Bản, trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty Nhật tìm kiếm sự tăng trưởng ở nước ngoài để bù đắp lại sự trì trệ của thị trường nội địa.
Ngoài ra, đây cũng là một trong những thương vụ lớn nhất của ngành công nghệ châu Âu.
Trái với sự sụt giảm giá cổ phiếu của SoftBank, giá cổ phiếu ARM đã tăng hơn 40% trong phiên giao dịch ngày 18/7.
Tổng hợp theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo