Sẽ cập nhật quyền số tính lạm phát
Nhiều người cho rằng, CPI được công bố hàng tháng, hàng năm của Việt Nam chưa chính xác. Ông có nghĩ như vậy không?
Trước hết phải khẳng định, CPI do Tổng cục Thống kê công bố hàng tháng, hàng năm là khách quan, trung thực, phản ánh sự biến động giá cả của hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, do tiêu dùng của xã hội có sự thay đổi, nên sau một thời gian, Tổng cục Thống kê phải bổ sung, cập nhật rổ hàng hóa và cơ cấu (quyền số) tiêu dùng của hộ gia đình dùng trong tính toán CPI.
Rổ hàng hóa và dịch vụ đang sử dụng trong thu thập thông tin và tính toán CPI hiện nay đã áp dụng được gần 5 năm, không còn phản ánh sát thực sự biến động của giá cả hàng hóa, dịch vụ, do trong rổ hàng hóa tính CPI, quyền số của mặt hàng ăn và dịch vụ ăn uống (trong đó có lương thực và thực phẩm) không còn phù hợp với chi tiêu của mỗi gia đình, mặc dù quyền số này trong rổ tính CPI đã giảm mạnh.
Cụ thể, tỷ trọng của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong rổ hàng hóa tính CPI đã giảm từ 60,86% trong giai đoạn trước năm 1995 xuống còn 47,9% năm 2000, còn 42,85% năm 2005 và hiện tại là 39,93%.
CPI tháng 11/2014 giảm 0,27% so với tháng trước đó, nhưng nhiều người tiêu dùng phản ánh, giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ không những không giảm, mà còn tăng?
Tôi khẳng định, CPI được công bố hàng tháng, hàng năm hoàn toàn khách quan, trung thực. Việc người tiêu dùng phản ánh giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tháng 11 tăng là do trong rổ tính CPI hiện tại có tới 596 mặt hàng, mà giá các mặt hàng lại tăng/giảm khác nhau. Nếu căn cứ vào một số loại hàng hóa cụ thể nào đó thì rất có thể là giá không giảm, thậm chí còn tăng.
Để CPI phản ánh đúng mặt bằng giá cả thị trường, trong giai đoạn 2015 - 2019 cần bổ sung và cập nhật những gì, thưa ông?
Cứ 5 năm một lần, Tổng cục Thống kê sửa đổi, bổ sung các mặt hàng trong rổ hàng hóa và dịch vụ tính CPI và quyền số của từng nhóm hàng hóa và dịch vụ trong tính toán CPI.
Tổng cục Thống kê đang tiến hành điều tra, thu thập thông tin về chi tiêu của hộ gia đình tại tất cả 63 tỉnh, thành phố để xây dựng danh mục mặt hàng, quyền số từng nhóm hàng trong rổ tính CPI. Tổng cục Thống kê sẽ vẫn công bố số liệu về CPI theo 5 gốc so sánh, gồm: CPI so với kỳ gốc (năm 2009), so với tháng 12 năm trước, so với cùng kỳ năm trước, so với tháng trước và so với bình quân năm trước. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ báo cáo và đề xuất các cấp có thẩm quyền sử dụng CPI bình quân thời kỳ trong năm trong các báo cáo liên quan đến kinh tế và sử dụng chỉ số CPI này để hoạch định các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, thay vì sử dụng chỉ số CPI so với tháng 12 năm trước như hiện nay.
Ngay cả việc lấy chỉ số CPI bình quân thì CPI của Việt Nam vẫn không chính xác do CPI không phải là lạm phát cơ bản?
CPI là chỉ tiêu được hầu hết các nước dùng làm thước đo để đánh giá lạm phát của nền kinh tế; còn lạm phát cơ bản là chỉ tiêu phản ánh sự thay đổi mức giá chung mang tính dài hạn, sau khi đã loại trừ những thay đổi mang tính ngẫu nhiên, tạm thời từ chỉ số CPI. Lạm phát cơ bản thường được tính bằng cách sử dụng số liệu CPI và loại bỏ những nhóm hàng có biến động giá lớn, mang tính thời vụ, như lương thực, thực phẩm và năng lượng.
Tổng cục Thống kê cùng với Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu và tính toán lạm phát cơ bản trong nhiều năm qua và sẽ báo cáo Chính phủ để công bố phục vụ công tác quản lý, điều hành.
CPI bình quân sẽ trở thành một trong những chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, thưa ông?
Việc có lấy CPI bình quân là một trong các chỉ tiêu khi xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm hay không thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ. Tuy nhiên, theo tôi, không nên đưa chỉ tiêu này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, bởi hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới không đặt ra chỉ tiêu phải kiềm chế lạm phát ở mức tối đa bao nhiêu.
Trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu, đầu vào của các nền kinh tế và cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phụ thuộc vào sự biến động giá cả nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên thị trường thế giới và khu vực, vì thế rất khó dự báo diễn biến CPI. Hơn nữa, trong một “thế giới phẳng”, giá cả trên thị trường thế giới và của từng nước còn phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết, dịch bệnh… và cả bất ổn về chính trị, chiến tranh khu vực, nên cũng rất khó dự báo CPI trong năm tăng/giảm ra sao.
End of content
Không có tin nào tiếp theo