Sếp ngân hàng rơi vào vòng lao lý: Quyết tâm thanh lọc hệ thống NH
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với pv bên lề Quốc hội sáng 25/10 xoay quanh chuyện gần đây một số lãnh đạo ngân hàng sa lưới pháp luật…
Gần đây một số lãnh đạo ngân hàng đã bị cơ quan điều tra bắt giam vì những sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực tiền tệ, qua sự việc trên phải chăng các cơ quan quản lý, điều tra đang quyết tâm thanh lọc và làm “sạch” hệ thống ngân hàng, vốn lâu nay vẫn bị người dân, cử tri “kêu” là “có vấn đề”, thưa ông?
Ở nước nào cũng vậy, ở đâu cũng thế, không chỉ ngành ngân hàng, mà khi tình hình kinh tế suy giảm, bong bóng bất động sản, nợ xấu … cứ dính tới tiền thì chắc chắn sẽ nảy sinh những vấn đề tiêu cực. Điều quan trọng nhất trong những sự việc như vậy là an toàn hệ thống của ngân hàng và quyền lợi của người gửi tiền phải đặt lên hàng đầu.
Đúng là những điều lâu nay cử tri kêu, doanh nghiệp kêu, bức xúc đã được lắng nghe. Việc bắt giữ một số lãnh đạo cấp cao ngân hàng vừa qua thì chúng ta rất ủng hộ và phải xét xử nghiêm minh, để thể hiện tính thượng tôn của pháp luật.
Những sự vụ như thế này cũng là lời cảnh báo mạnh mẽ cho các tổ chức tín dụng và những ai đã làm sai, trục lợi cá nhân thì nên dừng lại; còn nếu đang có ý định làm sai thì lấy đó là tấm gương cho mình.
Dù anh hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế thì cũng không thể vin vào cớ đó làm sai để trục lợi cá nhân.
Quan trọng hơn, theo tôi đây mới chính là tác dụng của tái cơ cấu, đổi mới thể chế hoạt động nền kinh tế. Trong quá trình tái cơ cấu, rà soát lại hệ thống, nếu thấy những gì chưa phù hợp, là kẽ hở để các đối tượng trục lợi thì phải nhanh chóng và kiên quyết sửa đổi cho phù hợp. Còn cái nào đã tốt rồi thì nên phát huy.
Ông đánh giá ra sao về mức độ phản ứng của NHNN với vai trò là cơ quan quản lý ngành ngân hàng qua những vụ việc tương tự?
Ở đây phải thấy là cả hệ thống quản lý Nhà nước đã vào cuộc và “phản ứng nhanh”, chứ không đơn thuần chỉ có vai trò của NHNN. Điều này cũng cho thấy, sự phối hợp giữa cơ quan điều tra và cơ quan giữ quyền công tố tương đối hài hòa.
NHNN với tư cách cơ quan quản lý ngành đã có những chỉ đạo kịp thời, như cho miễn nhiệm, đình chỉ chức vụ; các cơ quan chức năng như Bảo hiểm tiền gửi, thanh tra đang làm đúng chức năng của mình để bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.
Quá trình tái cơ cấu ngân hàng đang diễn ra rốt ráo thì tới đây sẽ có thêm những vụ việc tương tự được đưa ra ánh sáng?
Tôi cho rằng, người dân, cử tri đang rất bức xúc với những vấn đề liên quan tới tham nhũng không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng mà ngay cả trong khối hành chính sử dụng tài sản công. Chúng ta phải quyết tâm và kiên quyết “khơi” và đưa ra ánh sáng những vụ việc tham nhũng tương tự.
Thông tin chính thức từ Bộ Công an, ngày 24/10/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Bộ Công an (C46) đã thi hành lệnh bắt, khám xét đối với Hà Văn Thắm (sinh năm 1972) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) về tội danh "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Căn cứ vào kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra- Bộ Công an và tài liệu thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, đến nay có đủ căn cứ xác định: Hà Văn Thắm- Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) phạm tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" quy định tại Điều 179 Bộ luật hình sự.
End of content
Không có tin nào tiếp theo