Sếp Samsung Việt Nam nói về điểm yếu nhân lực Việt Nam
Tại buổi toạ đàm “Cám ơn Việt Nam” do Tập đoàn Samsung kết hợp với Alpha Books tổ chức sáng nay (26/11), ông Shim Won Hwan – Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ, trong thành công của Samsung toàn cầu có một phần đóng góp to lớn từ Việt Nam. Đáp lại điều đó, mục tiêu lâu dài của Samsung Việt Nam là trở thành một "doanh nghiệp quốc dân" tại Việt Nam.
Samsung hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước với 23,9 tỷ USD. Trong đại kế hoạch đầu tư của Samsung vào Việt Nam, các nhà máy quy mô lớn đã được xây dựng tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, sử dụng tới hàng chục nghìn lao động.
“Dự án của Samsung không chỉ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, mà còn tạo kỳ vọng thu hút các nhà đầu tư vệ tinh, đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo việc làm, tăng xuất khẩu, thu ngân sách… và là cơ hội để Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Shim nói.
Nhân lực Việt Nam thực sự thiếu gì?
Dành những lời có cánh khi nói về đội ngũ nhân lực trẻ của Việt Nam, ông Ha Chan Ho – Cố vấn chiến lược Tập đoàn Samsung Việt Nam đánh giá: "Tôi đã làm việc tại Việt Nam 2 năm 2 tháng với cương vị đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, còn làm cho Samsung thì được 1 năm. Có thể nói rằng khi giữ cương vị đại sứ hay cố vấn Samsung, tôi chỉ thấy điểm mạnh trong con người Việt Nam mà ko thấy có điểm yếu gì. Người Việt Nam nói chung chăm chỉ, cần mẫn và sẽ là động lực để phát triển đất nước".
Chia sẻ tại tọa đàm, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Shim Won Hwan thì cho rằng: "Khi sang Việt Nam sống và làm việc, tôi nhận thấy các bạn trẻ nơi đây chính là nhân tài của đất nước nhưng vẫn thiếu cái nhìn về chiều dài lịch sử để từ đó định hướng và chuẩn bị cho tương lai. Thế giới không ngừng thay đổi và nếu chúng ta không tưởng tưởng ra tương lai và không có chuẩn bị thì rất khó đưa ra mục tiêu và vẽ ra tầm nhìn cho mình".
Theo ông Shim, sinh viên Việt Nam mới ra trường thường quan niệm cố hữu là phải có kỹ năng hay điểm số tốt thì mới được làm việc tại các công ty tốt. "Tôi nghĩ rằng các bạn đã qua trường lớp và nếu đc đào tạo thì kiến thức nền gần như nhau. Khi làm việc trong môi trường lớn, điều quan trọng nhất lại là thái độ trong công việc, sự thấu hiểu, quan tâm, khiếm tốn và phối hợp với cộng sự. Đồng thời, việc có dám ước mơ, hoài bão về tương lai không sẽ quyết định cho thành công trong tương lai", Shim chia sẻ.
Vị lãnh đạo của Samsung Việt Nam nói thêm rằng, văn hóa làm việc của người Việt với Hàn có điểm tương đồng là rất ưu tú, tôn trọng cấp trên, ham học hỏi. Nhưng điểm khác biệt lớn nhất là nhân viên người Việt trong doanh nghiệp chưa thể hiện được tinh thần làm chủ, chưa cho thấy được rằng mình là người gắn bó lâu dài hay là người chèo lái cho công ty.
"Có vị giáo sư Việt Nam từng điều tra về văn hoá làm việc tại Việt Nam và Hàn Quốc cho thấy, với cùng một giờ làm việc là 8h nhưng đúng giờ đấy người Việt Nam mới đến trong khi người Hàn Quốc luôn đến sớm hơn. Điểm này không quá lớn nhưng nó cũng thể hiện phần nào ý thức làm việc và sự khác nhau giữa người Việt Nam và Hàn Quốc", Shim nói thêm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Cảnh Bình – CEO của Alpha Books cũng cho rằng: "Vào những năm 60, 70 khi tập trung phát triển đất nước thì cả Hàn Quốc giống như một công trường, người Hàn làm việc trung bình 9-10 tiếng/ngày với cường độ lớn, tinh thần trách nhiệm cao, cuối tuần không có tụ tập, vui chơi. Có sự khác biệt quá nhiều trong thái độ làm việc khi so với người Việt Nam, chúng ta chỉ thuần túy tư tưởng là đi làm thuê và làm thế nào để ông chủ thấy mình tốt nhất. Tâm lý đấy lan tràn khắp Việt Nam và người nhân viên chưa bao giờ nghĩ công ty là nơi mình làm chủ và phát triển công việc tốt hơn".
Samsung muốn gì ở Việt Nam?
Khi được hỏi về mục tiêu trong 30 năm tới của Samsung tại Việt Nam là gì, ông Shim Won Hwan không ngần ngại cho biết, Samsung muốn trở thành "doanh nghiệp quốc dân" được mọi người biết đến tại Việt Nam và trong tương lai sẽ là công ty hang đầu thế giới.
Theo ông Shim, Samsung đi vào hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009, sau đó liên tục mở rộng và xây dựng nhà máy tại Việt Nam, sự bùng nổ của Samsung trên toàn thế giới có phần đóng góp lớn là từ nhà máy Samsung Việt Nam.
Lý do để Tập đoàn này mở rộng kinh doanh tại Việt Nam được Shim đưa ra bao gồm: Thứ nhất, nguồn nhân lực ưu tú, cần mẫn, cầu tiến; Thứ hai Việt Nam có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại và đang không ngừng cải thiện; Thứ ba, chính trị ổn định – điểm mấu chốt khi lựa chọn Việt Nam để hoạt động.
"Chiến lược cơ bản và cơ sở của Samsung là nội điạ hoá, chúng tôi mong muốn thời gian tới làm thế nào để chuyển giao về công nghệ, sản xuất và chuyển giao quản lý cho phía Việt Nam. Theo đó, người Việt Nam sẽ chủ động trong tiếp nhận về quản lý, công nghệ từ Samsung. Làm thế nào để sau này chỉ cần 1 Tổng giám đốc là người Hàn, còn lại toàn bộ nhân viên là người Việt", Shim nói.
Tuy vậy, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cũng thừa nhận, quá trình chuyển gia công nghệ rất khó nói là trong bao lâu sẽ chuyển giao hết. Trong khi về chuyển giao quản lý thì sẽ phải mất ít nhất 5, 10 năm tới mới có thể chuyển giao các các vị trí quan trọng do người Hàn nắm giữ tại Samsung.
End of content
Không có tin nào tiếp theo