Sheryl Sandberg- vị COO Facebook gốc Do Thái đầy bản lĩnh
Theo trang tin Politico và người sáng lập Axios, ông Mike Allen, nếu như bà Hillary Clinton thắng cử trong cuộc bầu cử năm 2016 thay vì ông Donald Trump, vị trí Bộ trưởng Thương mại hoặc Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ thuộc về COO Facebook, bà Sheryl Sandberg.
Bất chấp những thông tin đồn đoán thời gian gần đây về khả năng tham dự nội các nếu bà Clinton thắng cử, COO Sandberg cho biết bà sẽ không rời bỏ Facebook dù trước đây đã từng làm giám đốc nhân sự cho Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summer trước khi làm cho Google và Facebook.
Thông tin này đã khiến nhiều chuyên gia và giới truyền thống chú ý đến bà Sandberg hơn. Người phụ nữ sinh năm Kỷ Dậu (28/8/1969) này đang là một hiện tượng trong nữ giới khi không chỉ trở thành tỷ phú tự thân với tổng tài sản hơn 1 tỷ USD mà còn có tầm ảnh hưởng lớn trong giới công nghệ.
Bà Sandberg từng là Phó chủ tịch phụ trách mảng bán hàng trực tuyến cho Google trước khi trở thành giám đốc sản xuất của Facebook cũng như góp mặt trong hội đồng điều hành của hãng. Năm 2012, bà góp mặt trong bảng xếp hạng 100 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Times.
Trước đó vào năm 2007, bà đã được tạp chí Fortune bình chọn là 1 trong 50 nữ doanh nhân giỏi nhất thế giới va cũng là người trẻ nhất trong danh sách. Bà đã giữ được vị trí này trong suốt các năm sau đó. Vào năm 2014, bà cũng được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 100 người quyền lực nhất thế giới với vị trí thứ 9, chỉ đứng sau Đệ nhất phu nhân Michelle Obama.
COO Facebook, bà Sheryl Sandberg.
Kế thừa truyền thống Do Thái
Sinh năm 1969 tại thủ đô Washington-Mỹ trong một gia đình Do Thái, bà Sheryl đã được di truyền năng khiếu kinh doanh cũng như trí thông minh từ mẹ và bà ngoại của mình, bà Adele và bà Rosalind. Trước đó, người mẹ Adele của bà Sheryl đã bỏ học tiến sĩ khi mang thai với chồng, ông Joel Sandberg để có thể tập trung nuôi dạy con cái. Đây là truyền thống vốn có của người Do Thái khi quan tâm đến chuyện giáo dục con cái trên hết.
Trong khi đó, người bà ngoại Rosalind Einhorn, vốn là thần tượng của Sheryl được sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở New York nhưng vẫn cố gắng hoàn thành chương trình đại học dù gặp nhiều khó khăn về tài chính do cuộc Đại suy thoái kinh tế Mỹ thời đó. Sau khi tốt nghiệp, chính bà Roosalind là người đã cứu cả cơ nghiệp gia đình khỏi phá sản nhờ tài kinh doanh kiệt xuất.
Trước tấm gương của bà và sự nuôi dạy cẩn trọng của người mẹ, bà Sheryl đã có một nền tảng giáo dục vững chắc khi luôn đứng đầu trong lớp cũng như trở thành thành viên cốt cán trong các phong trào hoạt động xã hội. Sự giỏi giang này tiếp tục kéo dài lên đại học khi bà Sheryl đỗ bằng giỏi ở trường Havard cũng như lấy được bằng thạc sĩ ở đây.
Trong những năm đầu sự nghiệp, bà Sheryl làm việc tại một loạt các công ty có tiếng như McKinsey& Company hay Larry Summer, Google trước khi chuyển qua làm cho Facebook. Thậm chí bà cũng đã từng làm việc cho World Bank và Bộ Tài chính Mỹ.
Cũng tương tự như bao sinh viên mới ra trường khác, bà Sheryl cũng gặp cảnh eo hẹp về tài chính và phải làm thêm một số nghề để có thêm thu nhập, như làm giáo viên dạy Aerobic. Sự nghiệp của bà Sheryl chỉ thực sự bắt đầu thăng hoa khi chuyển đến làm cho Facebook.
Có một sự thật thú vị là nhà sáng lập Mark Zuckerberg của trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này mới đầu không có ý định tìm một COO cho công ty, nhưng anh đã hoàn toàn thay đổi ý định khi gặp bà Sheryl vào cuối năm 2007.
Ngay từ khi gia nhập Facebook, bà Sheryl đã làm thay đổi công ty này từ một trang mạng xã hội với khái niệm làm những điều thú vị rồi lợi nhuận sẽ đến chuyển sang tập trung hơn vào doanh thu cũng như thị trường toàn cầu.
Nhờ sự giúp đỡ của bà Sheryl, Facebook bắt đầu thu được nhiều lợi nhuận từ năm 2010 và đến năm 2012, vị COO sinh năm Dậu này được bầu vào ban điều hành của hãng.
Không chỉ thành công trong sự nghiệp cá nhân, bà Sheryl còn tích cực truyền cảm hứng cho nữ giới bằng các tổ chức Lean In hay Boss Bossy, qua đó tích cực phát triển vị thế của phụ nữ trong công việc ngày nay, khuyến khích các bé gái hãy dám mơ ước và thành công trong sự nghiệp.
Bí quyết thành công của người mẹ 2 con
Trong lĩnh vực công nghệ, tỷ lệ nữ giới làm lãnh đạo khá hiểm khi chỉ có 11% số nhà quản lý cấp cao ở thung lũng Sillicon là phái yếu năm 2015. Đặc biệt, bà Sheryl chỉ học toán một cách bình thường và tốt nghiệp Havard vào thời điểm Internet hay smartphone còn chưa bùng nổ.
Chính những yếu tố này khiến việc Sheryl thành công với vai trò COO của Facebook đã làm nhiều người ngưỡng mộ.
Vậy những bí quyết nào đã làm nên thành công của người mẹ 2 con này?
Khi nói về Sheryl, hầu như tất cả mọi người phải thừa nhận sự chăm chỉ của bà với công việc. Vị Coo tuổi Dậu này thường đến văn phòng khá sớm vào khoảng 7h sáng với hàng đống email cũng như điện thoại chờ. Công việc của bà thậm chí kéo dài tới tận đêm. Tuy nhiên, bà Sheryl luôn biết dành thời gian ăn tối với gia đình cũng như chăm sóc con cái.
Điều đặc biệt là bà Sheryl chủ trương người chồng phải gánh một nửa trách nhiệm gia đình bởi phụ nữ có quyền được phấn đấu cả sự nghiệp và điều này đòi hỏi sự đóng góp của người chồng. Quan điểm của bà Sheryl được rất nhiều phụ nữ Mỹ ủng hộ khi bà thấu hiểu được khó khăn của người mẹ khi phải sinh con và làm việc gia đình, qua đó buông bỏ sự nghiệp bản thân.
Bên cạnh đó, việc bà Sheryl có khả năng quản lý tốt cũng góp phần làm nên thành công của vị COO này. Mỗi khi Facebook có sản phẩm hay sự kiện lớn, bà Sheryl sẽ họp liên miên với tất cả nhân viên cũng như những chuyên gia liên quan để đảm bảo mọi chuyện diễn ra ổn thỏa. Thêm vào đó, các cuộc họp của bà Sheryl cũng diễn ra trong thời gian nhất định với những điểm chính chứ không lan man tốn thời gian.
Một trong những nguyên nhân nữa khiến bà Sheryl quản lý hiệu quả là mạng lưới quan hệ bà đã tích góp được khi làm các công việc trước đây. Ví dụ như cuộc đàm phán với Paypal cách đây vài năm của Facebook đi vào khó khăn, bà Sheryl đã gọi điện cho CEO John Donahoe của eBay, công ty mẹ của Paypal và mọi chuyện được giải quyết dễ dàng. Rõ ràng, trong cuộc sống thì mối quan hệ là thứ tài sản vô giá không phải ai cũng có được.
Ngoài ra, vốn nhận thức được thế giới hiện nay bị chi phối bởi phái mạnh khi chỉ có 22 công ty trong số 500 hãng hàng đầu thế giới là có lãnh đạo nữ và chỉ có 18% nữ giới cầm quyền trong chính trường, bà Sheryl cho rằng phái yếu nên tận dụng sự ưu ái của mình để chiếm lợi thế trong đàm phán cũng như công việc.
Tuy vậy, nếu đàm phán về mức lương thưởng cũng như chế độ đãi ngộ thì bà Sheryl khuyên các chị em hãy thương lượng như một người đàn ông, đừng sợ đưa ra các yêu cầu nếu bạn thực sự thấy mình xứng đáng với nó.
Theo bà Sheryl, phụ nữ ngày nay nên tự tin hơn trong công việc bởi chính sự tự tin sẽ khiến mọi người có cái nhìn khác về bạn cũng như đem lại cho bạn sức mạnh để làm nhiều điều to tát hơn.
Một yếu tố nữa mà nhiều người cho rằng giúp bà Sheryl đạt được thành công như ngày nay chính là sự chân thành trong cuộc sống. Dù đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp như bà Sheryl rất cởi mở khi chia sẻ về những thất bại của mình, kể cả những vấn đề liên quan đến cá nhân như cuộc đổ vỡ hôn nhân lần đầu hay lúc khó khăn khi mang thai lần đầu.
Bà Sheryl cũng không ngại chia sẻ cảm xúc xấu hổ trong công việc đầu tiên khi mình mắc lỗi hoặc những lúc tủi thân khi nhớ về người chồng đã mất của mình. Chính điều này khiến vị COO quyền lực này trở nên gần gũi hơn trong con mắt nhân viên và mọi người.
Bất chấp những đau thương trong cuộc sống, bà Sheryl lại có cái nhìn cực kỳ lạc quan vào cuộc sống khi cho rằng mỗi ngày là một món quà và hãy cố gắng làm thử một điều gì đó mới mẻ mỗi ngày, cố gắng chăm chỉ hơn mỗi ngày rồi cuối cùng thành công cũng sẽ đến.
“Bạn sẽ làm những gì nếu như tất cả nỗi sợ của bạn ngày hôm nay biến mất?”, bà Sheryl nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo