Siêu đô thị Mê Linh: khách “cưỡi lưng hổ”
Được quảng cáo rầm rộ và giao dịch khá sôi động, nhưng hầu hết dự án tại Mê Linh đều “đắp chiếu”, khiến nhiều khách hàng như ngồi trên “cọc nhọn”.
Vật vã thoái vốn
Theo phản ánh của ông Ngô Quang Hóa tới Đầu tư Bất động sản, ngày 31/8/2010, để được quyền mua đất nền Dự án nhà ở Đại Thịnh (huyện Mê Linh, Hà Nội), ông đã phải bỏ ra 600 triệu đồng góp vốn, cộng với 120 triệu đồng tiền chênh cho người môi giới để được quyền mua đất nền dự án do Xí nghiệp 4 (Công ty Hà Thành) làm chủ đầu tư.
Sau 18 tháng hợp đồng hết hiệu lực, ông Hóa vẫn không nhận được bất kỳ thông tin gì về tính hình thực hiện dự án, vì thế, ông đã quyết định rút vốn. Góp thì dễ, nhưng rút lại không hề đơn giản, chủ đầu tư chỉ trả ông 100 triệu đồng, rồi khất lần đến nay.
Do việc rút vốn quá khó khăn, nên ông Hóa cho biết, đồng thời với việc gửi kiến nghị đến báo chí, ông cũng sẽ gửi đơn đến tòa án để khởi kiện DN này, vì đã không tuân thủ đúng các điều khoản hợp đồng.
Mới đây, hàng chục khách hàng mua đất dự án tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) của CTCP Đầu tư phát triển 18 (CID18) cũng vô cùng bức xúc khi đã góp 80 - 90% giá trị hợp đồng, cùng với số tiền chênh hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, dù dự án có quyết định đầu tư và được giao đất từ năm 2008, song sau đó, việc triển khai bị bỏ lửng.
Theo hợp đồng với khách hàng, chủ đầu tư sẽ phải bàn giao nhà vào quý IV/2011, nhưng đến nay, dự án do CID18 làm chủ đầu tư vẫn là bãi hoang, nhà đầu tư còn không biết vị trí lô đất mình mua nằm ở đâu!?
Được biết, hiện nay, hàng trăm khách hàng đã góp vốn mua nhà tại hàng chục dự án khác ở Mê Linh cũng đang lo lắng vì đã góp vốn cho chủ đầu tư, nhưng dự án trên thực tế lại không hề được triển khai.
Khách hàng ở thế “cưỡi lưng hổ”
Khảo sát của Đầu tư Bất Động sản tại một số khu đô thị trên địa bàn huyện Mê Linh từ năm 2011 đến nay cho thấy có rất ít thay đổi trên thực địa. Nhiều dự án đã không triển khai quá lâu, đơn vị thi công rút hết máy móc, khiến cỏ mọc um tùm.
Hàng loạt dự án đình đám, từng được quảng cáo có kết nối giao thông thuận tiện, gần hồ nước tự nhiên, là nơi an cư lý tưởng, hoặc địa điểm đầu tư sinh lời cao… Nhưng trên thực tế, lối vào đến thời điểm này còn chưa được triển khai, hạ tầng chưa có, hoặc triển khai dang dở. Nhiều dự án bị bỏ hoang quá lâu khiến cỏ mọc lút đầu người, trong khi người dân tiếp tục canh tác, trồng rau màu…
Những dự án dạng này có thể kể đến như: Dự án Diamond Park New của CTCP Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam; Dự án Khu đô thị Minh Đức của Công ty TNHH Minh Đức, Dự án Ba Đình của Công ty Ba Đình, Dự án Cienco 5 của Công ty TNHH MTV 508 (thành viên của Cienco 5)… Hầu hết dự án đã tiến hành huy động vốn của nhiều khách hàng, nhưng đến nay chưa hoàn thiện giải phóng mặt bằng, với phần lớn diện tích để hoang.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sàn bất động sản Phú Quý Land, phần lớn dự án tại Mê Linh đã huy động vốn khi còn chưa hoàn thiện giải phóng mặt bằng. Lý do dừng dự án được các chủ đầu tư cho biết là do phải rà soát lại quy hoạch. Thế nhưng, nguyên nhân chính thực tế là do thị trường địa ốc quá trầm lắng. Mặt khác, khách mua đất tại Mê Linh trước đó, nhiều người nhắm mắt ký bừa mà không để ý điều khoản hợp đồng, nên nay ở thế “cưỡi lưng hổ” mà không làm gì được. Điều đó giải thích lý do vì sao các tranh chấp lớn ít diễn ra tại các dự án khu vực Mê Linh trong thời gian qua.
Trao đổi với Đầu tư Bất Động sản mới đây, ông Đinh Ngọc Thức, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mê Linh tiết lộ thông tin “động trời”: Rất nhiều chủ dự án trong đợt rà soát mới đây của Thành phố bỗng dưng “mất tích”, không thể liên lạc được.
Nếu việc này đến tai khách hàng và sau rà soát, thực sự các chủ đầu tư “mất tích”, rất có thể tranh chấp, khiếu nại tại các dự án tại Mê Linh sẽ bùng nổ.
VietnamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo