Sự thật "đẫm máu" và những lời nói dối ẩn sau chiếc túi Hermès
Mặc dù luôn khăng khăng tuân thủ các quy định giết mổ của những chuyên gia thú y Hoa Kỳ nhưng mới đây, Hermès đã khiến cho hội những người yêu động vật nổi cơn thịnh nộ khi một clip bí mật được quay lại cảnh lột phăng bộ da của những chú cá sấu non nớt và khiến cho cả những tín đồ túi Hermès cũng tự vấn lại lương tâm và động lòng trắc ẩn.
Trung bình mỗi năm hàng chục nghìn cá sấu bị lột da làm nguyên liệu
Theo chân những nhà bảo vệ động vật PETA, chúng ta phần nào chứng kiến được những cảnh tượng chân thực diễn ra bên trong lò mổ. Những chú cá sấu được 3 năm tuổi sẽ là những vật “hiến tế” phù hợp nhất vì các hãng đồ da cho rằng lúc này da chúng mềm mại và dẻo dai đạt chuẩn nhất. Họ sẽ “kết liễu” chúng bằng những phát súng gây mê đầu tiên sau đó nhanh chóng lột bỏ những phần da tốt nhất để đem chúng đi thuộc da, còn những phần da nhỏ vụn họ sẽ bán với giá thấp hơn để làm nguyên liệu cho những hãng thời trang “bình dân” hơn.
Cá sấu 36 tháng tuổi có bộ da đạt chuẩn nhất
Nếu mạnh dạn hơn bạn có thể xem đoạn clip dài hơn 6 phút của PETA quay cận cảnh quy trình lột da cá sấu tại Texas và Zimbabwe. Trong đó có hình ảnh một chú cá sấu chỉ còn xương và da chạy theo một người phụ nữ đang đeo chiếc Birkin để đòi lại da của mình. Đương nhiên, khi đã chi ra cả trăm tỷ đồng thì người phụ nữ sẽ khư khư giữ túi và còn chạy nhanh hơn cả cá sấu nữa. Bạn biết mà!
Tôi thường tự nhủ thế giới này tốt đẹp lên là nhờ những hành động mạnh mẽ và kiên quyết nhưng cũng nhận ra chính sự thương cảm với vạn vật xung quanh mới làm thế giới giàu tính nhân văn hơn. Và trong lò mổ, sự ướt át, ủy mị không hề được phép tồn tại!
Dựa vào sức mạnh của cộng đồng và những bằng chứng không thể chối cãi, cả thế giới dậy sóng khi kịch liệt phản đối những ông chủ “máu lạnh” của Hermès khi cố tình lấp liếm sự thật bấy lâu nay.
Trong những chiến dịch tẩy chay Hermès của mình, PETA liên tục gọi những chiếc túi thời thượng là “điên rồ nhất”, “đẫm máu nhất”, hơn nữa họ còn quảng bá chữ ký của chính nàng thơ Jane Birkin khi thổi hồn cho thương hiệu Birkin danh giá hiện nay.
Một chiếc túi tước đi bộ da của khoảng 4 chú cá sấu
Mặc dù có mối quan hệ rất tốt với Hermès nhưng bà cũng không khỏi shock nặng khi chứng kiến tên tuổi mình lại mang đến nỗi sợ hãi, đau đớn tột cùng cho những chú cá sấu vô tội mà đoản mệnh. Bà phẫn nộ yêu cầu gỡ tên của bà ra khỏi chiếc túi và kêu gọi Hermès đứng ra xin lỗi và chịu xử phạt trước hành vi giết hại không thương tiếc này.
Ngay lập tức, cả Hermès nghẹt thở và căng thẳng đến nỗi mỗi khi nghe có đợt phản đối diễn ra thì họ muốn chạy ngay đến những lò giết mổ để xin lỗi từng nạn nhân trót mang trên mình làn da quý giá này.
Trước sức ép như vũ bão từ các diễn đàn hay những chiến dịch “tẩy chay” lớn nhỏ, Hermès vẫn chối bay chối biến khi khẳng định chắc như đinh đóng cột về việc không sử dụng da cá sấu từ những lò mổ trên. Hơn thế nữa, họ còn “khéo léo” trấn an với Birkin để tiếp tục sử dụng tên bà nhưng một câu chuyện có duyên từ thế kỷ 20.
Chưa rõ thực hư nguồn da cá sấu Hermès được lấy từ đâu nhưng họ cũng bày tỏ sự shock nặng với những hành động “ghê rợn” trong clip và chia sẻ sự đồng cảm cùng cộng đồng.
Dù chưa thể làm thỏa đáng hay lấy lại hình ảnh đẹp đẽ của Hermès trong con mắt công chúng nhưng chắc chắn sau sự việc bất cẩn này, Hermès sẽ che chắn hàng rào gắt gao hơn để bảo vệ những “bí ẩn” còn chìm bên trong lò mổ.
Phải chăng Hermès là kẻ “lấp liếm” giỏi hay là họ đang cố tỏ ra là một thương hiệu “có đạo đức” khi không sử dụng da cá sấu từ những lò mổ này? Câu trả lời có vẻ chẳng khác gì nhau vì thực tế những lò mổ của Hermès cuối cùng cũng kết liễu hàng chục nghìn sinh mạng cá sấu mà thôi!
Hoàng Hà/Trí thức trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo