Góc nhìn

Sửa Luật Đầu tư: Nhạy cảm nhưng phải dũng cảm!

Ông Lê Nam, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, sửa đổi Luật Đầu tư là sự dũng cảm, vì động chạm đến nhiều cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Lê Nam, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Thưa ông, ngành tài chính cho rằng, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) quá thông thoáng khiến việc quản lý thuế gặp khó khăn, tình trạng gian lận thuế, trốn thuế gia tăng?

Không chỉ Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), mà cả Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đều trao toàn bộ quyền tự do kinh doanh tất cả những gì mà pháp luật không cấm cho xã hội.
 
Đây là tư tưởng đột phá trong cải cách thể chế nhằm mục tiêu tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo ra của cải cho xã hội…, nên không vì bất cứ lý do gì mà lại hạn chế quyền tự do kinh doanh đã được hiến định.
 
Trong quá trình phát triển, cơ quan quản lý nhà nước nói chung, ngành thuế và hải quan nói riêng buộc phải đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý. Không thể nói rằng do chưa quản lý được, nên phải hạn chế quyền tự do đầu tư, kinh doanh của tổ chức, cá nhân…
 
Nhiều ý kiến cho rằng, để tránh tùy tiện trong việc áp đặt đầu tư có điều kiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trình Quốc hội Danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện. Thưa ông, liệu có thể trình Quốc hội Danh mục này không, khi mà ngành, nghề kinh doanh thay đổi liên tục trong quá trình phát triển kinh tế?
 
Trong quá trình phát triển, có ngành hôm nay đầu tư cần điều kiện, nhưng thời gian sau không còn cần thiết phải áp đặt điều kiện nữa. Có những ngành hiện chưa xuất hiện, nhưng thời gian sau xuất hiện và cần phải có điều kiện đặt ra để mọi tổ chức, cá nhân biết mà đầu tư.
 
Luật chỉ quy định những ngành, nghề đầu tư có điều kiện tác động đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đến sức khỏe cộng đồng…, vì thế, nên giao Chính phủ quy định cụ thể những ngành, nghề nào cần có điều kiện.
 
Tuy nhiên, để các đại biểu Quốc hội có cái nhìn tổng thể về Luật Đầu tư sau khi sửa đổi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể rà soát ngành, nghề đầu tư có điều kiện và trình Quốc hội Danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện nằm trong một nghị định nào đó, chứ không phải gắn vào trong Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).
 
Nhưng những ngành, nghề đầu tư có điều kiện quá rộng, nên các bộ, ngành, địa phương hoàn toàn có lý do để áp đặt điều kiện, thưa ông?
 
Chính vì vậy, luật phải quy định về nguyên tắc các bộ, ngành, địa phương không được ban hành ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ngoài Danh mục do Chính phủ ban hành, chứ không được “đẻ” thêm ra các điều kiện khác.
 
Hiện có khoảng 330 ngành, nghề đầu tư có điều kiện, vấn đề là bỏ ngành, nghề nào trong Danh mục không hề đơn giản, vì bộ, ngành nào cũng cho rằng, ngành, nghề đầu tư trong lĩnh vực mình quản lý cần phải có điều kiện?
 
Thế mới cần sự dũng cảm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc quyết định bỏ ngành, nghề nào ra khỏi Danh mục. Tôi chưa nói tới lợi ích cục bộ trong việc áp đặt điều kiện đầu tư, chỉ cần nói tới quản lý nhà nước, bộ, ngành nào cũng muốn dễ cho mình trong việc thực thi chức năng, nhiệm vụ, nên đều muốn ngành, nghề thuộc lĩnh vực mình quản lý nằm trong Danh mục này. Điều này cũng là bình thường, khi mà trình độ quản lý chưa theo kịp với sự phát triển của sản xuất, kinh doanh.
 
Vì vậy, mới cần đến cái “đầu lạnh” và “trái tim nóng” của cơ quan được giao nhiệm vụ rà soát ngành, nghề đầu tư có điều kiện vì sự phát triển kinh tế - xã hội.
 
Nhưng “đấu tranh” với các bộ, ngành khi tiến hành rà soát ngành, nghề đầu tư có điều kiện chắc chắn là sẽ rất phức tạp. Ông có nghĩ như vậy không?
 
Người ta đang có quyền cấp phép; có quyền thanh tra, kiểm tra xem doanh nghiệp đầu tư có đủ điều kiện không, mà anh tước bỏ quyền của người ta, đương nhiên là không hề đơn giản.
 
Không đơn giản, nhưng vẫn có thể làm được, nếu như cơ quan được giao nhiệm vụ rà soát ngành, nghề đầu tư có điều kiện yêu cầu bộ, ngành đề nghị phải để ngành, nghề nào đó vào Danh mục ngành nghề đầu tư có điều kiện lý giải được là tại sao lại phải có điều kiện; nếu để cho người dân tự do đầu tư thì ảnh hưởng thế nào tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu không lý giải được, thì dứt khoát không đưa vào Danh mục.
 
Tôi hy vọng, cơ quan được giao nhiệm vụ rà soát ngành, nghề cấm đầu tư và đầu tư có điều kiện là “bộ lọc” loại bỏ tất cả những ngành, nghề không đáng phải có điều kiện; không đáng cấm ra khỏi Danh mục đầu tư có điều kiện, Danh mục cấm đầu tư.
Theo Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo