Sửa Luật Kiểm toán ngăn việc chi 'hợp ý, vừa lòng'
Bà Trương Thị Hương Giang (Phòng Tổng hợp của Kiểm toán Nhà nước Khu vực IV) kể lại có trường hợp tổ kiểm toán cho một tỉnh đã kiến nghị truy thu các khoản tỉnh chi cho tiền thưởng nhà giáo đoạt giải, xây nhà tình thương vì các khoản chi này không được chấp nhận theo quy định kiểm toán. Tỉnh đấy không chịu, bảo rằng các khoản chi đó “hợp ý, vừa lòng dân”. Về sau này những khoản như trên không được xuất toán.
Ông Trần Du Lịch, Phó Đoàn, kể thêm “có lần chúng tôi đi thăm một nước mà người ta không thể mời bữa cơm tối được vì trong ngân sách người ta không chi cho việc đãi cơm. Thậm chí, họ đang muốn tuyển thêm một người lái xe mà ngân sách năm đó chưa duyệt nên chưa được tuyển. Còn ở ta, cứ làm xong rồi bảo đấy là “hợp ý, vừa lòng dân” là không chấp nhận được. Không thể để tình trạng ký chi tiền trước, lấy tình cảm ra giải quyết sau. Tôi đi nhiều nơi, đau xót thấy trường học, bệnh viện không có mà trụ sở cơ quan nhà nước thì xây như lâu đài!”.
Ông Lịch cho biết sửa Luật kiểm toán lần này cần làm cho thật rõ các khoản được chi ngân sách.
Nội dung trách nhiệm của kiểm toán cũng được góp ý nhiều. Đại diện công ty Samco cho biết mỗi năm phải tiếp rất nhiều đoàn thanh kiểm tra, kiểm toán, rất mất thời gian, công sức. Tại sao không có sự phối hợp giữa các đoàn, sự dùng chung kết quả kiểm tra để khỏi kiểm đi kiểm lại.
Bà Hương Giang cho biết hiện các văn bản do kiểm toán đưa ra thường ghi rằng “bên sử dụng kết quả kết toán này phải tự chịu trách nhiệm khi sử dụng”! “Tôi dùng kết luận của anh mà tôi phải tự chịu trách nhiệm thì tôi dùng anh làm gì nữa?!”, bà Giang chia sẻ. Phải ràng buộc trách nhiệm của bên kiểm toán, bà góp ý.
Bà cũng cho biết trong thực tế, kiểm toán nhà nước có trách nhiệm kiểm toán nhưng khi lập kế hoạch kiểm toán anh A, anh B, anh C thì bị “đụng” với kế hoạch kiểm tra các anh này do cơ quan khác lập kế hoạch. Sau nhiều năm bị “đụng” như vậy, kiểm toán không làm được, đến khi các anh bị phát hiện có vấn đề thì cơ quan chức năng quay lại hỏi kiểm toán “sao anh không lên kế hoạch kiểm nó đi?!”, cho nên cơ quan kiểm toán rất bị áp lực.
Ông Lịch cho rằng phải tính toán sự phối hợp thanh tra – kiểm tra – kiểm toán các loại sao cho hợp lý. Không loại trừ trường hợp người ta có ý ngăn kiểm toán lại. Cho nên phải đặt quy định trong Luật Kiểm toán rằng kế hoạch kiểm toán là kế hoạch cao nhất, các kế hoạch của cơ quan khác không được ngăn kế hoạch kiểm toán lại. Đồng thời các cơ quan phải có sự phối hợp để tránh mất công sức, gây phiền hà. Nếu cần thì có nên rút ngắn thời gian mỗi đợt kiểm toán (60 ngày hiện hành), tăng khoảng cách kiểm toán (hiện là 2 năm kiểm 1 lần) hay không?
End of content
Không có tin nào tiếp theo