Phân tích

Sức hấp dẫn của vàng đã giảm nhiều! Vì đâu?

(DNVN) - Nguyên nhân một phần được cho là do chính sách của Nhà nước hiện không ủng hộ việc nắm giữ vàng. Người dân mua vàng để gửi tiết kiệm không được hưởng lãi mà phải trả phí...

Theo thống kê của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong tháng 2/2016, cùng với đà biến động liên tục của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng có những biến động tăng/ giảm nhưng không quá mạnh. 

Theo đó, giá vàng SJC giao dịch chủ yếu quanh mức 33,4 triệu đồng/lượng. Thời điểm tháng 2 dương lịch là trùng với khoảng thời gian nghỉ Tết Âm Lịch Bính Thân 2016, do đó thị trường vàng cũng không thực sự sôi động, mức độ tham gia giao dịch vàng của người dân giảm, thị trường trầm lắng, lên xuống theo đà của giá vàng thế giới. 

Tuy vậy, trong tháng có ngày Vía Thần Tài (ngày mùng 10 tháng giêng), nên không khí giao dịch tại các tiệm vàng tương đối sôi nổi. Nhiều người xếp hàng để mua vàng cầu may trong năm mới, tuy nhiên không khí sôi động đó cũng không kéo dài mà nhanh chóng hạ nhiệt sau đó.

Người dân đã ít quan tâm đến vàng.

Theo nhận định định của Cục Quản lý giá, hiện chính sách của Nhà nước không ủng hộ việc nắm giữ vàng. Người dân mua vàng để gửi tiết kiệm không được hưởng lãi mà phải trả phí, thương hiệu vàng chỉ còn SJC nên sự hấp dẫn của vàng đã giảm nhiều. Cùng với đó, các kênh chứng khoán và bất động sản khởi sắc đã khiến dòng tiền của các nhà đầu tư chuyển hướng phần nào khỏi vàng.

Theo ghi nhận của PV Doanh Nghiệp Việt Nam thì thực tế sức hút của vàng đối với người dân đã giảm nhiều. Ở thời điểm tháng 2 và cho đến tận những ngày đầu tháng 3/2016, dù giá vàng SJC gần về sát giá thế giới nhưng nhà đầu tư trong nước vẫn không mặn mà với vàng. 

Anh Trần Hòa - một khách hàng mua vàng cho biết anh đã không còn ý định chơi vàng khi mà vẫn còn ngót chục cây vàng gửi ngân hàng giữ hộ.

Theo anh Hòa giải thích thì việc không còn mặn mà với vàng là cho việc phải trả phí cho ngân hàng 'giữ hộ' thay vì được hưởng lãi như thời gian trước. “Mỗi lượng vàng gửi tại ngân hàng tốn phí 35.000 đồng/tháng. Giờ thị trường vàng cũng khó đoán, tăng giảm không biết đường nào mà lần nên tôi không dại gì mà chơi vàng", Hòa chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hòa - nhân viên của một cửa hàng tại Hà Nội cũng có chung nhận định. Chị cho biết: "Giờ người dân gửi vàng phải mất phí thì dại gì mà họ đi gửi. Hơn nữa, do các kênh chứng khoán và bất động sản đã bắt đầu khởi sắc nên các nhà đầu tư đã không còn mặn mà với vàng nữa".

 

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia am hiểu thị trường vàng, cú sốc bị lỗ nặng do mua vàng từ mấy năm trước khiến nhiều người đến giờ vẫn chưa dám quay lại thị trường này dù “sóng” từ đầu năm tới giờ là không ít. Khoảng cách chênh lệch giá vàng nội - ngoại xuống thấp cũng giúp nhà đầu tư bớt rủi ro khi lướt sóng.

Trong những thời điểm giá vàng trong nước biến động mạnh theo thế giới, vàng SJC có dấu hiệu bị làm giá khi khoảng cách chênh lệch giá mua vào - bán ra rất cao, một số doanh nghiệp niêm yết giá mua vào vàng SJC cực thấp...

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp do tỷ giá ổn định, nhưng nhà đầu tư có trở lại với vàng hay không phụ thuộc vào chính sách của nhà nước và lực cầu thị trường. Hiện chính sách của nhà nước không ủng hộ việc nắm giữ vàng - người dân mua vàng gửi tiết kiệm không được hưởng lãi mà phải trả phí, thương hiệu vàng chỉ còn SJC nên sự hấp dẫn của vàng đã giảm nhiều.

Theo thống kê của Cục Quản lý giá, trong tháng 2/2016, giá bán vàng 99,99% tại các công ty kinh doanh vàng bạc Nhà nước tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (đầu tháng) dao động lần lượt ở mức 3,294-3,296 triệu đồng/chỉ, đến cuối tháng, giá vàng giảm nhẹ và dao động phổ biến ở mức 3,353-3,356 triệu đồng/chỉ, với mức giảm nhẹ lần lượt là 59.000-60.000 đồng/chỉ. 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo