Tái cấu trúc: Ai sẽ đứng ra gánh số nợ này?
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, có rất nhiều điểm đáng ngờ khi các ngân hàng cố tình cho các doanh nghiệp vay với số vốn lớn nhưng không dựa trên cơ sở kinh doanh hiệu quả và để xảy ra tình trạng nợ chồng nợ như hiện nay.
Tỉ lệ nợ trên vốn quá lớn - khó mà trả được
PV: - Trong cuốn Sự phát triển của Doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2011, TCTK, Phần 2 và phần 3 cho thấy Số liệu về nợ của DNNN (của TCTK) thì gấp hơn 3,3 lần vốn chủ sở hữu, điều này có nghĩa có 1 đồng còn phải mượn 3,3 đồng; tỷ lệ này cao như vậy suốt từ năm 2006 đến nay. Ông bình luận như thế nào về số nợ rất lớn này, đặc biệt, khi các doanh nghiệp nhà nước từ lâu vẫn bị đánh giá là kinh doanh yếu kém, bắt người dân gánh lỗ?
TS Lê Đăng Doanh: - Tôi thấy rằng con số nợ của các tập đoàn kinh tế rất lớn. Nếu chia theo tỷ giá hiện nay là trên 60 tỉ đô la. Đáng chú ý là có một số tổng công ty, doanh nghiệp có tỉ lệ nợ trên vốn rất cao.
Với tỉ lệ nợ trên vốn quá lớn như thế thì khó mà trả nợ được. Tôi nghĩ rằng Chính phủ cần có báo cáo giải trình chi tiết hơn về nguyên nhân nào dẫn đến nợ, phương án trả nợ, khả năng trả nợ và hiệu quả quản lý tài chính ra sao. Đồng thời phải nói rõ trách nhiệm giải trình, giám sát trong thời gian qua được thực hiện như thế nào mà để xảy ra nợ lớn như vậy.
Tuy tỉ lệ nợ gấp hơn 3,3 lần vốn chủ sở hữu đã là đáng ngại nhưng tôi được biết thực tế còn có doanh nghiệp nhà nước số nợ lớn hơn vốn sở hữu nhiều hơn thế. Đây thực sự là điều rất đáng lo ngại.
PV: - Trong báo cáo về các tập đoàn nhà nước mới đây Bộ Tài chính đã chỉ rõ nợ ngân hàng thương mại của các tập đoàn chiếm 1/3 tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong khi đó, sở hữu chéo tập đoàn nhà nước – ngân hàng là một trong ba nhóm chính trong ma trận sở hữu chéo đã được chỉ ra. Nhìn vào thực tế này, ông có bình luận gì? Việc tập đoàn nhà nước dù luôn báo kinh doanh lỗ mà lại có được những khoản vay lớn như vậy là vì sao?
TS Lê Đăng Doanh: - Đây đúng là điểm đáng nói. Như tôi đã nói ở trên cần phải xem xét lại cơ chế quản lý, giám sát tài chính thế nào để có phát sinh số nợ lớn như vậy.
Một doanh nghiệp bình thường người ta chỉ có thể vay khi họ có khả năng trả nợ và nhìn thấy đồng vốn phải sinh lời.
Trong khi đó các doanh nghiệp nhà nước sử dụng đồng vốn không hiệu quả. Còn có doanh nghiệp đầu tư ra ngoài ngành, nhiều lĩnh vực kể cả bất động sản, chứng khoán nhưng vẫn vay được như hiện nay thì là một diễn biến rất cần có sự phân tích rút ra bài học một cách đầy đủ.
Thực tế hiện nay các tập đoàn kinh tế nhà nước đã có đầu tư vào một số ngân hàng thương mại cổ phần. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sở hữu chéo.
Do vậy có rất nhiều điểm đáng ngờ khi các ngân hàng cố tình cho các doanh nghiệp vay với số vốn lớn nhưng không dựa trên cơ sở kinh doanh hiệu quả nên mới xảy ra tình trạng nợ chồng nợ như hiện nay.
Tái cấu trúc phải bắt đầu từ tài chính
PV: - Trên thực tế, đã có chuyên gia thẳng thắn chỉ ra, ngân hàng thương mại đang bị biến thành con tin của doanh nghiệp. Điều này có xảy ra với mối quan hệ ngân hàng – tập đoàn nhà nước hay không, thưa ông? Ai phải chịu trách nhiệm về việc tập đoàn nhà nước được vay quá nhiều, làm suy yếu hệ thống ngân hàng, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: - Thực tế rất nhiều trường hợp ngân hàng cho vay đều nói được chỉ định của cấp nào đó.
Trong cơ chế thị trường phải tôn trọng quyền tự chủ tài chính của các ngân hàng thương mại nhà nước, nếu các ngân hàng đó phải thực hiện cho vay theo chỉ thị thì trách nhiệm của việc cho vay đó ngân hàng chịu trách nhiệm đến đâu, ngân hàng phải chịu như thế nào.
PV: - Tới thời điểm này, một ví dụ về tái cơ cấu kinh tế là Vinashin. Theo đó, tái cơ cấu bằng cách chuyển những doanh nghiệp khó khăn cho các tập đoàn khác, khoanh nợ giãn nợ… Theo ông, có thể tiến hành tái cơ cấu các tập đoàn nhà nước theo cách này được không và vì sao? Nếu như vậy, phải yêu cầu cho việc tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế ra sao và muốn làm được thì phải có quyết tâm như thế nào?
TS Lê Đăng Doanh: - Tôi cho rằng tái cấu trúc phải bắt đầu từ tái cấu trúc về tài chính. Nếu tái cấu trúc tài chính không thực hiện được tốt thì sẽ rất khó tái cấu trúc các lĩnh vực khác như sản phẩm, cơ cấu quản lý sẽ rất phức tạp. Bởi vì ai sẽ là người đứng ra gánh số nợ này.
Do vậy việc tái cấu trúc theo kiểu khoanh nợ, giãn nợ nhưng lại không có phương án trả nợ hay trả nợ bằng cách nào, nguồn tiền ở đâu thì việc tái cấu trúc khó thành công.
PV: - Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận xét, các tập đoàn nhà nước là đá tảng trong việc tái cơ cấu nền kinh tế. Ông có đồng tình với nhận định đó không? Nếu không tái cơ cấu được các tập đoàn nhà nước thì có thể nói đến việc tái cơ cấu cả nền kinh tế hay không? Và nếu nền kinh tế vẫn tiếp tục trì trệ thì hậu quả nhìn thấy được sẽ là gì?
TS Lê Đăng Doanh: - Tôi cho rằng tái cấu trúc DN nhà nước là giải pháp quan trọng để cải thiện tình hình và là mấu chốt quan trọng trong tái cấu trúc nền kinh tế.
Nếu không tái cấu trúc được các tập đoàn nhà nước một cách quyết liệt thì khó mà nói tái cấu trúc thành công.
Và một điều chắc chắn khi nguồn vốn tiếp tục đổ vào những nơi kinh doanh không hiệu quả thì bức tranh kinh tế chắc chắn không thể sáng sủa hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo