Tái cấu trúc doanh nghiệp đang "mắc" ở đâu?
PV: Có ý kiến cho rằng tái cấu trúc doanh nghiệp diễn ra chậm chạp, gặp khó, đơn giản vì không có tiền. Đánh giá của ông về quá trình tái cơ cấu trong thời gian qua và quan điểm trước ý kiến trên?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Trong vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp (DN) phải phân ra hai khâu: Một là tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN); Hai là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Về tái cấu trúc DN, một vấn đề trọng tâm đặt ra là làm sao tái tổ chức lại các DNNN từ khâu quản lý đến khâu vận hành, việc này không bắt buộc phải chi phí nhiều. Chẳng hạn như tái cấu trúc về ban quản lý thì chúng ta có thể sàng lọc, chọn ra người quản lý chuyên nghiệp, làm việc có kinh nghiệm, có trọng trách đối với đất nước, xã hội.
Đối với các DNNN thì vấn đề chính là làm sao phải tiết giảm chi phí để tăng tính hiệu quả, đồng thời họ cũng phải giống các DN tư nhân là mở rộng thị trường, tìm cách làm cho sản phẩm của mình có sức cạnh tranh. Dĩ nhiên nó cũng đòi hỏi phần chi phí nào đó, nhưng vấn đề chính là tái cấu trúc tổ chức cả DN của họ từ khâu mô hình tổ chức đến mô hình kinh doanh, đặc biệt là vấn đề con người. Nếu chúng ta không có tiền thì cũng có thể tái cấu trúc DNNN được.
Thêm vấn đề nữa, việc tái cấu trúc DNNN liên quan đến thoái vốn trong các lĩnh vực ngoài ngành, không phải lĩnh vực cốt lõi của DN là vấn đề quan trọng. Thời gian qua đã chứng tỏ việc đầu tư ngoài ngành của các DN đã không mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn làm thất thoát tài sản quốc gia. Thành ra đây là vấn đề rất đáng phải lưu tâm.
Còn về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thì thời gian qua đã ghi nhận một số kết quả. Cho đến thời điểm hiện tại, trong số 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém thì 8 đã được tái cấu trúc. Trong những năm trước cũng đã có việc sáp nhập ngân hàng thương mại (NHTM) với nhau, sáp nhập NHTM với công ty, tổ chức tài chính…Điều này chứng tỏ cũng đã có bước tiến trong tái cấu trúc, tinh gọn lại hệ thống, loại trừ ngân hàng yếu kém.
Thế nhưng, tái cấu trúc toàn thể hệ thống thì cũng chưa thật sự chặt chẽ. Một trong những khâu rất quan trọng là thu gom các tổ chức lại, tinh gọn hệ thống thì tái cơ cấu, tái cấp vốn nguồn vốn chủ sở hữu rất quan trọng, nhưng hiện lại vướng vấn đề nợ xấu. Ngay vấn đề nợ xấu cũng chưa minh bạch, chưa thật rõ ràng, có sự chênh lệch giữa con số công bố của NHNN và các NHTM, việc trích lập dự phòng rủi ro cũng không chính xác. Thêm nữa, một phần vốn chủ sở hữu là vốn ảo. Cũng không biết được vốn chủ sở hữu của các ngân hàng hiện tại đang ở mức độ nào…
PV: Vậy điều này ảnh hưởng như thế nào tới lộ trình tái cơ cấu, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Tái cấu trúc chưa đạt đến hiệu quả như mong muốn. Nếu nợ xấu không được giải quyết một cách rốt ráo, tính thanh khoản của ngân hàng bị ảnh hưởng, nợ mất vốn đi, không trở lại được, nó làm suy giảm khả năng thanh toán của ngân hàng. Nếu vốn xuống mức thấp quá, toàn bộ hệ thống ngân hàng đó bị ảnh hưởng, rủi ro phá sản sẽ hiện hữu. Thành ra tái cấu trúc phải làm nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Cụ thể là vấn đề nợ.
Trong 5 nhóm nợ (Nợ đủ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn), ở Việt Nam nhóm thứ 5 là to nhất. Có nghĩa, giải quyết nợ xấu là ở đó, nếu chúng ta không chịu giải quyết rốt ráo nợ xấu, thì nhóm 5 sẽ hứng tất cả, nợ xấu sẽ dồn tất cả vào đây. Ngân hàng không xử lý nợ xấu thì nợ mất vốn ngày càng phình to, dần tiêu hủy vốn chủ sở hữu của ngân hàng.
Hoạt động của Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) sẽ giúp thanh lọc cơ thể các ngân hàng, xử lý phần nào nợ xấu. Chúng ta cũng mong VAMC đẩy mạnh quá trình này, tới đây vào tháng 6/2014 khi Thông tư 02 đi vào thực tế thì việc mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC sẽ không dừng lại ở mức như hiện tại.
PV: Câu hỏi được đặt ra là tiền đâu để VAMC xử lý nợ xấu?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Để xử lý nợ xấu dĩ nhiên cần một ngân khoản rất lớn. Tới giờ, VAMC chưa phải bỏ ra tiền mua nợ xấu mà mới mua bằng trái phiếu đặc biệt, trước mắt mới mua bán trên sổ sách.
Nếu xử lý nợ xấu bằng “tiền tươi thóc thật” thì lượng tiền ứng với số nợ quốc dân sẽ lên tới hàng tỷ USD, nguồn tiền này có thể từ ngân sách, từ các tổ chức quốc tế. Thực ra các tổ chức quốc tế rất mặn mà trong việc giúp Việt Nam giải quyết nợ xấu. Vấn đề phải có kênh để họ giúp mình xử lý nợ xấu.
PV: Vậy việc cần làm ngay lúc này là gì, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Khung pháp lý phải điều chỉnh để tạo điều kiện cho tái cấu trúc. Luật phá sản, Bộ luật sáp nhập cũng cần được xem lại, có giải pháp để các DN hỗ trợ nhau một cách thuận lợi. Quốc sách đặt ra trong 10-20 năm tới, Chính phủ phải có đường lối, mô hình phát triển kinh tế để tái cấu trúc hiệu quả, cần có mục tiêu, chiến lược rõ ràng, phù hợp với thông lệ, sân chơi quốc tế. Cũng cần phải có những thay đổi mang tính đột phá.
Vấn đề quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam đang bị đánh giá là rất thấp. Quản trị ngân hàng chưa tuân thủ chặt chẽ thông lệ quốc tế. Cần chú ý đến yếu tố này, bởi nó liên quan mật thiết đến quá trình tái cơ cấu.
PV: Hậu tái cấu trúc thì sao, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Chúng ta phải có lộ trình tái cấu trúc một cách cụ thể, đặt những mốc thời gian, mục tiêu phải đạt được. Chẳng hạn về phía các DNNN, tại mỗi mốc thời gian phải định được số thoái vốn ngoài ngành thế nào, chỉ tiêu về năng lực kinh doanh thế nào, và lúc đó phải công khai cho công chúng biết xem có đạt chỉ tiêu không?
Trong hệ thống ngân hàng, tại mỗi thời điểm đó cho biết, hệ thống tổ chức như thế nào, chỉ tiêu tài chính, ngay cả có bao nhiêu ngân hàng cần thu gọn cũng cần phải cụ thể, để toàn hệ thống noi theo để thực hiện tái cấu trúc.
Trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo