Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa gắn với xử lý nợ xấu
“Cách tiếp cận tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Việt Nam rất rời rạc, riêng lẻ, không có hệ thống, đặc biệt tái cơ cấu DNNN thiếu gắn kết với tái cơ cấu ngân hàng, không có cơ chế theo dõi tiến độ thực hiện và điều chỉnh quá trình tái cơ cấu”.
Đấy là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong tái cơ cấu DNNN được TS. Phạm Sỹ Thành, Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc trường Đại học kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội .
PV: Quá trình tái cơ cấu DNNN tại Việt Nam trong thời gian qua đã đi đến đâu và đạt được thành quả gì dưới góc nhìn của ông?
TS. Phạm Sỹ Thành: Quá trình tái cơ cấu DNNN tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 10/2011 khi Hội nghị Trung ương 3 khóa XI đề ra nhiệm vụ tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế với 3 trọng tâm: Đầu tư công, DNNN, tài chính ngân hàng.
Đến tháng 10/2012 giải thể 2 tập đoàn kinh tế (TĐKT) là Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam. Văn phòng chính phủ tuyên bố số TĐKT sẽ rút xuống chỉ còn 5 đến 7 tập đoàn, còn tổng số TĐKT và tổng công ty nhà nước sẽ dưới 10 thay vì 20 như hiện tại.
Vừa qua, NHNN tuyên bố thành lập Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhằm xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổng công ty (TCT), doanh nghiệp.
Mới đây Bộ GTVT cũng tuyên bố giải thể Vinashin và thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy thực hiện nhiệm vụ sắp xếp lại 234 doanh nghiệp thuộc Vinashin trước đây. Trong đó, không tiếp tục duy trì cổ phần hóa, bán chuyển nhượng vốn, chuyển giao, sáp nhập 69 doanh nghiệp; bán, giải thể và phá sản 165 doanh nghiệp.
Đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, một vài dấu mốc nổi trội. Còn theo mục tiêu đề ra ban đầu nếu theo tiến trình này thì còn lâu mới đạt được.
PV: Theo ông làm thế nào để rút ngắn thời gian tái cơ cấu các DNNN?
TS. Phạm Sỹ Thành: Đầu tiên phải thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính thông qua các cơ chế thị trường.
Thứ hai, phải ưu tiên tái cơ cấu các doanh nghiệp trong các lĩnh vực thương mại, xây dựng, xổ số, viễn thông, cấp thoát nước, môi trường đô thị, thủy nông, quản lí và sửa chữa đường bộ.
Phải tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước một cách toàn diện từ mô hình tổ chức quản lí, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển và tiếp thị sản phẩm; đồng thời phải gấp rút hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách điều chỉnh hoạt động của DNNN.
PV: Ông có thể chỉ rõ nguyên nhân nào dẫn đến việc tái cơ cấu các DNNN bị chậm trễ?
TS. Phạm Sỹ Thành: Theo tôi, có thể do chúng ta quá giàu tham vọng dẫn đến chậm trễ trong tiến độ triển khai. Các TĐKT, TCT hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu nhưng kế hoạch này không được xây dựng bởi các chuyên gia về tái cơ cấu.
Cách tiếp cận tái cơ cấu DNNN của Việt Nam rất rời rạc, riêng lẻ, không có hệ thống, đặc biệt tái cơ cấu DNNN thiếu gắn kết với tái cơ cấu ngân hàng. Không có cơ chế theo dõi tiến độ thực hiện và điều chỉnh quá trình tái cơ cấu
Tiến độ xây dựng các văn bản pháp quy cho quyết định 704 và 929 quá chậm. Chính phủ yêu cầu đến cuối 2012 phải xây dựng được 30 văn bản nhưng đến tận tháng 11/2012 chỉ có 1 văn bản được ban hành là Nghị định 99 về phân định quyền sở hữu DNNN.
Chính phủ trực tiếp cấp vốn hoạt động cho VAMC thông qua ngân sách hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ nhưng nguồn vốn có hạn do chính phủ tránh việc sử dụng quá nhiều ngân sách vào xử lý nợ xấu. Trong khi trái phiếu VAMC thường được phát hành trực tiếp cho các ngân hàng để mua lại nợ xấu, và có sự bảo lãnh của Chính phủ cho nên chi phí vốn cao.
Các biện pháp tái cơ cấu của chúng ta hiện nay chủ yếu tập trung vào giải quyết vấn đề của các TCTD, chưa có sự gắn kết chặt chẽ với xử lí nợ xấu của DNNN. Và tôi thực sự không tán thành với biện pháp chuyển nợ xấu thành cổ phần.
PV: Vậy Chính phủ cần đưa ra giải pháp gì để hỗ trợ tái cơ cấu DNNN?
TS. Phạm Sỹ Thành: Tăng cường vai trò giám sát của các bên có liên quan trong bối cảnh sở hữu chéo tại TĐKT, TCT với nhau và với hệ thống ngân hàng tồn tại phổ biến.
Ở Việt Nam có nhiều cấp khác nhau tham gia thẩm định và phê duyệt các kế hoạch tái cơ cấu, điều này dẫn đến thiếu một cơ chế phối hợp liên ngành đủ mạnh để tránh những mâu thuẫn, thiếu nhất quán có thể xảy ra.
Ngoài ra, cần đưa ra chế tài đối với các bên trong quá trình tái cơ cấu DNNN, đưa ra các phân xử chính thức với thời hạn rõ ràng, thỏa thuận về việc chịu các hình thức xử phạt nếu không thực hiện cam kết.
Trân trọng cảm ơn ông!
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo