Góc nhìn

Tái cơ cấu kinh tế: Mã đáo thành công

Những số liệu thống kê mà Tổng cục Thống kê công bố vừa qua cho thấy, tăng trưởng kinh tế đạt 5,42%, cao hơn so với mức 5,25% của năm 2012 nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra. So với tốc độ tăng trưởng cao 7-8% trước đây và tiềm năng của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng năm 2013 khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều về những việc cần phải làm để giải quyết những bất cập về cơ cấu của nền kinh tế.

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam

Gần đây, dư luận cho rằng tiến trình tái cơ cấu kinh tế, chủ yếu là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã diễn ra chậm chạp. Nếu không đẩy nhanh hơn nữa tái cơ cấu thì không những chưa giải quyết tận gốc những nguyên nhân gây bất ổn kinh tế vĩ mô, mà các nguy cơ bất ổn vĩ mô vẫn có thể quay lại. Như vậy, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam đã bị chậm lại và ở dưới mức thấp hơn 7-8% trong nhiều năm nữa, niềm tin của các nhà đầu tư sẽ giảm đi.

 
Cần phân loại nợ và trích lập dự phòng
 
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2012 là hơn 8%, đến cuối tháng 9 năm 2013 đã giảm còn 4,62% tổng dư nợ, tương đương trên 142 ngàn tỷ đồng trong toàn hệ thống. 
 
Nhờ những biện pháp tích cực của Ngân hàng Nhà nước cùng với việc đưa Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vào hoạt động, tiến trình xử lý nợ xấu đã có chuyển biến, luồng vốn được khơi thông, thanh khoản đã được cải thiện. Mặc dù VAMC được thành lập và đi vào hoạt động từ nửa cuối năm 2013 nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ nắm giữ nợ xấu thay cho các ngân hàng (có người còn nói xếp nợ xấu vào “kho” VAMC). 
 
Do chưa có cơ chế rõ ràng để xử lý triệt để nợ xấu hay bán nợ cho bên thứ ba nên dư luận đang chờ xem VAMC sẽ xử lý như thế nào với những nợ xấu mua lại từ các ngân hàng và không biết vốn mới có được bơm tiếp vào các ngân hàng có nợ xấu cao hay không.
 
Theo chúng tôi, thành công trong việc xử lý nợ xấu còn phụ thuộc vào việc cải thiện thể chế pháp luật bao gồm khuôn khổ pháp luật về phá sản và một cơ chế công khai, minh bạch cho định giá và đấu giá nợ xấu. Để có thể đánh giá đúng thực chất vấn đề để xử lý nợ xấu một cách có hiệu quả, đồng thời giảm bớt rủi ro với hệ thống ngân hàng và cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư, chúng tôi đã khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng áp dụng Thông tư 02 để thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng.
 
Trước đây, các ngân hàng đã kiến nghị Chính phủ hoãn thi hành Thông tư này trước những lo ngại về sức khỏe thực sự của nhiều ngân hàng không thể ‘trụ’ lại trước những áp lực do cách phân loại nợ của Thông tư 02 này. 
 
Nhiều chuyên gia cũng dự đoán rằng sau khi Chính phủ ra quyết định áp dụng Thông tư 02 và ngày 1/6/2013 thì nợ xấu sẽ tăng thêm nhiều lần khi áp dụng các tiêu chí kế toán và yêu cầu trích lập dự phòng theo chuẩn mực quốc tế. Vừa qua, các ngân hàng thương mại trong nước một lần nữa lại kiến nghị việc kéo dài thời gian hoãn áp dụng Thông tư 02. Theo quan điểm của chúng tôi và cũng là quan điểm của nhiều đối tác phát triển và nhà đầu tư thì không nên trì hoãn thêm nữa. 
 
Càng trì hoãn áp dụng Thông tư 02 thì không những làm chậm tiến trình xử lý nợ xấu mà còn làm tổn thương thêm niềm tin của các nhà đầu tư.
 
Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước
 
Quá trình tái cơ cấu đã đi quá nửa chặng đường, chương trình tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước tiến triển với tốc độ rất chậm và còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Trong đối thoại chính sách với các đối tác phát triển tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) lần thứ nhất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định lại cam kết của Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước. 
 
Theo chủ trương này, Chính phủ quyết định sẽ tiến hành cổ phần hóa 500 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó cổ phần hóa một trong tám tập đoàn kinh tế, năm trong mười các tổng công ty 91 và hầu hết các tổng công ty 90 và tiếp tục bán bốn trong năm ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước được kỳ vọng hoàn thành vào năm 2020.
 
Những kinh nghiệm thực tế rút ra từ các dự án do ADB tài trợ tiến hành thí điểm cải cách doanh nghiệp Nhà nước có qui mô lớn cho thấy cải cách doanh nghiệp Nhà nước về mặt kỹ thuật là hết sức phức tạp. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước lớn hoạt động không hiệu quả, sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài là không dễ dàng. 
 
Thực tế này đòi hỏi phải có những chính sách mang tính quyết định để xử lý các vấn đề kỹ thuật và tăng cường thể chế pháp lý trong quá trình cổ phần hóa, hoặc phá sản các doanh nghiệp Nhà nước này. Một trong những vấn đề vướng mắc trong việc chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước thành các công ty cổ phần là tình huống phải bán vốn dưới mệnh giá đối với các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ.
 
Hiện nay, Chính phủ đang tiến hành soạn thảo, sửa đổi và bổ sung một loạt các văn bản pháp luật sẽ có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2014 để kịp thời gỡ bỏ những rào cản hiện nay đồng thời đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước.
 
Tại VDPF, chúng tôi đã khuyến nghị Chính phủ chú ý nhiều hơn nữa đến ba vấn đề mấu chốt: Một là, các qui định khuyến khích hợp lý để các doanh nghiệp Nhà nước tham gia cải cách; Hai là, khu vực tư nhân trong nước cần được tăng cường hơn nữa để có vị thế cạnh tranh toàn cầu; Và ba là, đảm bảo các thể chế hiện nay có đủ năng lực để thực thi một cách có hiệu quả các qui định, văn bản pháp luật này.
 
Tái cơ cấu kinh tế nói chung và cải cách doanh nghiệp Nhà nước nói riêng cũng sẽ đặt ra những thách thức đối với khả năng của khu vực công, đặc biệt là năng lực tài chính đáp ứng các chi phí cần thiết cho quá trình tái cơ cấu. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục củng cố tình hình tài khóa và dự trù kinh phí cần thiết cho tái cơ cấu.
 
Dù còn nhiều thách thức, chúng tôi vẫn tin tưởng vào tiềm năng mạnh mẽ của Việt Nam trong trung và dài hạn. ADB và các đối tác phát triển khác luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ trong việc đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Thông qua cách tiếp cận mới “tài chính++” – kết hợp giữa hỗ trợ bằng nguồn lực tài chính và kiến thức, kinh nghiệm, ADB vẫn là đối tác tin tưởng của Chính phủ luôn sát cánh cùng vượt qua các thách thức vì một nước Việt Nam phát triển bền vững và hài hòa.
 
Chúng ta đều mong rằng cỗ xe tái cơ cấu kinh tế đã xuất phát và sẽ về đích như mong đợi. Xin lấy hình tượng “Mã đáo thành công” để chúc cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam gặt hái nhiều thành công nhiều hơn nữa trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. 
Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo