Tại sao lương của người lao động Việt Nam quá thấp?
Như vậy, không chỉ là những dự đoán, mức lương người lao động Việt Nam đã được khẳng định là quá thấp không chỉ với các nước phát triển mà còn thấp so với các nước Đông Nam Á.
Theo báo cáo về tiền lương toàn cầu 2014 - 2015 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong các nước ASEAN, lương tháng trung bình trong năm 2012 của Việt Nam ở mức xấp xỉ 181 USD, chỉ cao hơn so với Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và Indonesia (174 USD). Mức lương này chỉ bằng khoảng một nửa so với Thái Lan (357 USD), chưa bằng 1/3 của Malaysia (609 USD) và chỉ bằng 1/20 của Singapore (3.547 USD). Cũng theo báo cáo này, lĩnh vực được trả lương cao nhất hiện nay thuộc về ngành ngân hàng, tài chính. Trong khi đó, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm tới một nửa lực lượng lao động cả nước nhưng thuộc nhóm lao động có mức lương thấp nhất.
Liệu có phải chính sách tiền lương của chúng ta đang duy trì một mức lương thấp để thu hút đầu tư nước ngoài? Hay người lao động Việt Nam chất lượng quá thấp, không xứng đáng hưởng mức lương cao? Quả thật, với nhiều người đã từng sống ở các nước trong khu vực ASEAN, từng tiếp xúc với lao động của các nước bạn sẽ không hài lòng với mức lương quá thấp của lao động nước nhà. Lao động Việt Nam không hề kém hơn, thậm chí không chỉ cần cù hơn, chịu khó hơn mà còn có phần thông minh hơn, có kiến thức hơn. Vậy tại sao lương của lao động chúng ta thấp?
Năng suất thấp hay giá trị gia tăng thấp?
Theo Thông cáo báo chí ngày 9-5-2014 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc khoảng 10 lần. So với các nước có thu nhập trung bình trong khối ASEAN, NSLĐ của Malaysia gấp 5 lần NSLĐ của Việt Nam còn NSLĐ của Thái Lan gấp 2,5 lần NSLĐ của Việt Nam.
Vừa nhận được tin này, nhiều người đã hốt hoảng. Không ai tưởng tượng được rằng người Việt Nam chúng ta lại hèn kém như vậy. Các báo cũng đồng loạt đưa tin với những chỉ trích nặng nề nhằm vào người lao động. Không ai quan tâm về cách tính NSLĐ của ILO như thế nào. Rất đơn giản. Cách tính của họ là lấy tổng sản phẩm nội địa (GDP) chia cho số lượng lao động. Dĩ nhiên với cách tính này, NSLĐ của chúng ta thấp là đương nhiên. GDP của chúng ta vốn đã thấp, dân số lại đông, lượng lao động của chúng ta cũng đông. GDP theo đầu người còn thấp, theo đầu lao động cũng thấp theo. Nhưng nếu xét năng suất lao động như định nghĩa của nó là tính hiệu quả được đo bằng việc so sánh giữa khối lượng sản xuất trong thời gian nhất định thì NSLĐ của chúng ta không kém ai.
Chất lượng lao động của Việt Nam cũng không thua kém lao động các nước khác. Tại các nhà máy do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư như Intel, Samsung, Toyota... lao động Việt Nam hoàn toàn làm chủ được các công nghệ, kỹ thuật hiện đại, đạt năng suất kỹ thuật không thua kém lao động ở các nước khác, trong khi chi phí lao động chỉ bằng 10% hoặc 5% ở các nước công nghiệp.
Năm 2013, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh đã xuất khẩu khoảng 130 triệu chiếc điện thoại di động và các thiết bị khác với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 23,9 tỷ USD đóng góp hơn 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, hiện đang sử dụng 45 nghìn lao động, trong đó chỉ có khoảng 70 người Hàn Quốc. Công ty Samsung đã quyết định đóng cửa trung tâm nghiên cứu phát triển của mình tại Singapore và thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển ở Việt Nam với khoảng 3.000 người nghiên cứu vì các kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của Samsung và chi phí lao động thấp hơn nhiều so với Singapore.
Trong lĩnh vực nông nghiệp nông dân nước ta cần cù, sáng tạo, làm chủ quy trình sản xuất mới và áp dụng nhiều giống tốt, nhờ đó nền nông nghiệp nước ta tự hào có 12 loại cây trồng, vật nuôi có năng suất sinh học thuộc vào loại cao nhất thế giới là: Gạo, hạt điều, tiêu, cà phê, nho, dừa, cao su, chè, đay, thuốc lá, cá tra và bò sữa. Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 1990 mới là 1,1 tỷ USD, đến năm 2013 là 19,8 tỷ USD.
Vậy tại sao lương lao động của chúng ta thấp? Vấn đề là lao động chúng ta chưa tạo ra giá trị gia tăng lớn, nói đơn giản, chúng rất cố gắng, chúng ta rất chịu khó nhưng sản phẩm lao động của chúng ta chưa đáng tiền. Khả năng tự tích lũy để tái đầu tư thấp dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia đầy đủ vào tất cả các khâu của chuỗi sản xuất hàng hóa, do đó giá trị gia tăng tạo ra chưa cao. Lấy ví dụ trong ngành dệt may. Theo số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, lợi nhuận của từng khâu trong chuỗi sản xuất ngành dệt may (đã khấu trừ tiền lương) là: khâu sản xuất sợi - 40 triệu đồng/người/năm; khâu dệt - 30 triệu đồng/người/năm, khâu may - 5,5 triệu đồng/người/năm. Có thể ví dụ, một tháng, lao động Việt Nam chỉ có thể làm ra được 4 triệu cho doanh nghiệp thì không thể mong doanh nghiệp trả lương 4 triệu mà chỉ có thể nhận được 3 triệu là đã may mắn lắm. Không thể để lỗ chỉ đổ lên đầu doanh nghiệp.
Cần làm gì để tăng lương cho người lao động
Có thể thấy lao động hiện nay được phân ra hai đối tượng có chính sách về lương khác nhau. Lao động thuộc diện hưởng lương từ ngân sách có chế độ lương được quy định chặt chẽ theo thang bảng, ngành nghề. Với đối tượng này, các yếu tố ngoài thu ngân sách gần như không có. Thậm chí, chất lượng lao động, năng suất... cũng không ảnh hưởng đến lương. Trừ lực lượng vũ trang, có khoảng gần 3 triệu lao động trong diện này. Lao động ở các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, trừ quy định về mức lương tối thiểu còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường.
Theo một số chuyên gia, hiện có khoảng trên 16 triệu lao động thuộc diện này. Có năng suất cao, thị trường thuận lợi, giá trị gia tăng cao, lao động sẽ có mức lương cao. Nếu doanh nghiệp làm ăn khó khăn, lao động chỉ được hưởng mức tối thiểu trước khi bị sa thải vì nhiều lý do. Kết quả điều tra lực lượng lao động năm 2013 do ILO thực hiện cho thấy, lao động ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức lương cao nhất với bình quân 7,23 triệu đồng/tháng. Điều thú vị là lao động nữ đang làm việc trong hai ngành này được trả lương cao hơn nam giới. Đứng thứ hai là ngành hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ và hoạt động kinh doanh bất động sản. Những ngành này có mức lương bình quân hàng tháng cao nhất tương ứng là 6,53 triệu đồng và 6,4 triệu đồng.
Trong khi đó, ngành nông, lâm, thủy sản lại có mức lương bình quân tháng thấp nhất (2,63 triệu đồng). Theo một điều tra của Chính phủ, năm 2014 NSLĐ khu vực công nghiệp của nước ta gấp 4,8 lần so với khu vực nông nghiệp; còn NSLĐ khu vực dịch vụ gấp 3,5 lần so với khu vực nông nghiệp. Các điều tra này cho thấy, lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng như giá trị gia tăng mà mỗi lao động đem lại trong ngành tài chính ngân hàng hiện nay cao nhất và thấp nhất chính là các ngành sản xuất nông lâm thủy sản. Vì vậy, nói cho cùng, muốn tăng lương cho người lao động tại các doanh nghiệp, cách duy nhất là làm sao đó để doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận, lợi nhuận càng cao, khả năng trả lương cho người lao động càng cao lên.
Những hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam cũng chính là những cản trở để tăng lương cho người lao động. Trước hết, suất đầu tư thấp. Khi suất đầu tư cho mỗi lao động thấp, chúng ta chỉ có thể chọn những công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều lao động và giá trị gia tăng mỗi lao động làm ra cũng thấp. Năm 2014, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đóng góp khoảng 18% GDP nhưng chiếm đến 47% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Như vậy làm sao có được mức lương cao? Từ năm 2000 đến 2013, mặc dù khoảng cách về vốn đầu tư toàn xã hội/người lao động của các nước so với Việt Nam đã được thu hẹp đáng kể nhưng mức độ chênh lệch vẫn còn lớn: Nhật Bản từ gấp Việt Nam 76 lần năm 2000 giảm xuống còn 20 lần vào năm 2013; Singapore từ gấp 66 lần giảm xuống còn 22 lần; Hàn Quốc từ gấp hơn 34 lần giảm còn 21 lần; Malaysia từ gấp gần 11 lần giảm còn 6,5 lần; Thái Lan từ gấp 3,5 lần giảm còn gần 3 lần. Như vậy có thể thấy để tăng lương cho người lao động, trước hết phải tăng suất đầu tư, tăng cường sử dụng công nghệ cao, sử dụng ít lao động.
Thứ hai, chính các lao động cần phải nâng cao năng lực lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam mặc dù tăng dần qua các năm nhưng vẫn còn ở mức thấp: năm 2000 – 16%, năm 2005 – 26,2%, năm 2010 – 40%, năm 2013 ước đạt 49%. Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Singapore năm 2013 là 61,5%, Hàn Quốc là 62%. Có thể nói, nếu xét thêm hiệu quả đào tạo nghề quá kém, lao động Việt Nam vẫn có số đông là lao động phổ thông, lấy sức người là chính.
Thêm một lý do nữa đó là kinh nghiệm với thị trường của các doanh nghiệp từ các tập đoàn kinh tế tới các hộ sản xuất kinh doanh quá yếu. Đã nói tới giá trị, cần phải nói rõ, tính giá trị bằng tiền. Nếu giá cả sản phẩm làm ra quá thấp, giá trị gia tăng càng thấp. Đối với ngành nông lâm thủy sản, thu nhập của người lao động vẫn còn thấp và không ổn định, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa diễn ra từ hàng chục năm, song các doanh nghiệp không thể chi phối được thị trường đầu vào và đầu ra của sản xuất. Hai thị trường này thiếu tính cạnh tranh, có dấu hiệu thỏa thuận giữa các doanh nghiệp để tăng giá đầu vào và hạ giá đầu ra.
Đầu vào giá cao và chất lượng kém vẫn phải mua, đầu ra giá thấp vẫn phải bán đang là hai gọng kìm giữ chặt thu nhập thấp của người lao động ngành nông lâm thủy sản cho dù năng suất sinh học của các cây con đã liên tục tăng trong hơn 20 năm qua với 12 sản phẩm có năng suất sinh học vào loại cao nhất thế giới. Đối với các ngành công nghiệp, việc thua thiệt trên thị trường thế giới đã rõ. Không có gì để bàn. Nâng cao năng lực thị trường của các doanh nghiệp được, nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam được, mới hy vọng tăng được lương cho người lao động.
Theo An ninh Thủ đô
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo