Tài xế bị hôi bia xứng đáng tiêu biểu cấp quốc gia!
Ngày 15/1, Đài PT-TH tỉnh Đồng Nai đã vinh danh tài xế bị hôi bia Hồ Kim Hậu (30 tuổi, quê Bình Định) là một trong ba nhân vật tiêu biểu của tỉnh.
Khỏi phải nói dư luận đã bất ngờ thế nào khi một tài xế lái xe gây tai nạn bỗng dưng trở thành nhân vật tiêu biểu.
Tài xế Hồ Kim Hậu nhận bằng khen |
Ai cũng biết sau vụ hôi bia tên tuổi, hình ảnh của anh Hậu phủ sóng khắp nước, thậm chí lên cả báo chí nước ngoài. Thế nhưng đâu phải cứ ai nổi tiếng, được nhiều người biết đến là thành công dân tiêu biểu. Bởi nếu xét theo tiêu chí nối tiếng thì các sao Việt trong làng giải trí là công dân tiêu biểu hết sạch từ lâu rồi.
Đấy là chưa kể, trong vụ việc hôi bia vừa qua, rõ ràng tài xế Hậu là người lái xe vi phạm luật giao thông, gây tai nạn, bị đổ bia. Dù vụ tai nạn không có thiệt hại về người nhưng theo lẽ thường gây tai nạn đã không bị phạt thì thôi, làm gì có lý được vinh danh bao giờ.
Bởi quan điểm ấy mà có rất nhiều người đã phản đối vinh dự trở thành công dân tiêu biểu của tài xế Hậu.
Thậm chí những anh hùng bàn phím với cái nhìn khắc nghiệt còn không ngại ngần đưa ra các giả thiết đáng sợ theo kiểu tài xế may mắn nên vụ tai nạn mới không gây chết người, nếu không thì đã đi tù mọt gông chứ đừng mơ đến việc được ủng hộ, được vinh danh như ngày hôm nay.... Một số người còn kẻ cả cho rằng làm gì đến mức là công dân tiêu biểu của cả tỉnh, phát cho một cái giấy khen đã là đủ lắm rồi, chẳng lẽ dân Đồng Nai tệ thế?...
Tuy nhiên, có lẽ không chỉ cá nhân ngươi viết bài này mà có rất rất nhiều người khác cho rằng những người phản đối vinh dự dành cho tài xế Hậu thật đáng nực cười.
Ban tổ chức đã nõi rõ lý do anh Hậu vinh dự trở thành công dân tiêu biểu của cả tỉnh là bởi lòng tự trọng, thái độ tử tế. Điều đó được thể hiện rất rõ trong việc khi được nhà máy bia miễn bồi thường, anh Hậu dù còn khó khăn nhưng đã từ chối nhận số tiền trên 230 triệu đồng.
Một con người bình thường như tài xế Hậu, dù trở thành “người nổi tiếng” trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ nhưng vẫn cố để thể hiện cái phần tốt đẹp trong con người mình, không tham lam, không vơ vét bằng mọi giá. Hành động của tài xế Hậu không những xứng đáng là công dân tiêu biểu cấp tỉnh mà là cả cấp quốc gia ấy chứ.
Bởi hơn tất cả, giây phút không làm chủ được tốc độ của anh Hậu, vụ tai nạn tưởng chừng không may mắn ấy đã trở thành “phép thử” tốt nhất, rõ ràng nhất phẩm cách người Việt.
Tiếc thay, hàng trăm con người, gồm tất cả nam nữ già trẻ đều không vượt qua nổi phép thử về lòng tham.
Mà đâu chỉ những người nghèo mới có, sự tham lam hiện hữu ở khắp mọi nơi và còn đáng sợ hơn gấp nhiều lần khi các cán bộ lãnh đạo biến thành ăn hối lộ, tham nhũng.
Như Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã lên tiếng tại phiên họp cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 11/9" Tiền của các cháu dân tộc thiểu số còn bị biển thủ đến gần 3 tỷ đồng, liều vacxin tiêm cho một cháu, lại san ra tiêm cho hai cháu… Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”.
Có thể xem việc vinh danh tài xế Hậu chính là tuyên chiến với nạn tham lam, tham nhũng nặng nề trong xã hội nước ta. Vì vậy, thiết nghĩ hàng năm chúng ta cần có hẳn một giải thưởng dành cho những người góp phần tạo ra các vụ việc là những "phép thử lòng tham" dành cho người Việt.
Giải thưởng ấy sẽ ý nghĩa và phản ánh rõ ràng hơn rất nhiều so với việc chúng ta bỏ hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ cho những chương trình nghiên cứu điều tra xã hội về những thói xấu, lòng tham của người Việt. Và giải thưởng sẽ được trao cho đến khi nào không còn ai xứng đáng nhận nó nữa, đó cũng sẽ là lúc mà người Việt không còn tham lam.
Đến đây chắc hẳn nhiều người sẽ thở dài cho rằng chẳng biết cái ngày ấy có đến không? Thế nhưng mọi người nghĩ nhiều làm gì nhỉ! Cứ mơ đi chứ. Có ai đánh thuế ước mơ đâu mà sợ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo