Phân tích

Tân Bộ trưởng Nông nghiệp và ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ mới

(DNVN) - Tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết việc đầu tiên cần làm là phải tập trung vào vấn đề là an toàn thực phẩm vì đây là đòi hỏi của toàn dân.

Sáng 28/7, ông Nguyễn Xuân Cường đã được Quốc hội phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn. Ông Cường người mới duy nhất trong Chính phủ sau đó đã có chia sẻ với báo chí về những ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ này.

Ông Cường cho biết, vấn đề được Bộ Nông nghiệp và Chính phủ quan tâm nhất hiện nay là vấn đề an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề nóng hổi, bức xúc của toàn thể nhân dân, toàn bộ xã hội. Bằng tất cả các biện pháp tổng hợp, chúng ta cần phải tập trung vào giải quyết cho được.

Trong hai năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã xác định an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành. Đặc biệt đã phát động năm 2016 là năm cao điểm hành động vệ sinh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tập trung nguồn lực, phối hợp các bộ ngành liên quan giải quyết căn cơ một số vấn đề an toàn thực phẩm nổi cộm... Tuy nhiên, tỉ lệ vi phạm an toàn thực phẩm được phát hiện còn ở mức cao, chưa đáp ứng yêu cầu người dân. 

Vì vậy theo ông Cường, các giải pháp trước mắt sẽ là tập trung nguồn lực thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ giao cho ngành nông nghiệp theo Luật An toàn thực phẩm và các quy định về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 13/2016/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành liên quan triển khai Chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ trong tuyên truyền, vận động và giám sát ATTP. Chúng tôi sẽ tăng cường công tác giám sát, thanh tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công Thương trong kiểm soát ngăn chặn sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, hoá chất công nghiệp trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.

Các giải pháp trung, dài hạn được ngành nông nghiệp xác định là: Rà soát, đề xuất điều chỉnh thể chế và thiết chế quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng đơn giản hóa các quy định, thủ tục, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Cùng với đó sẽ rà soát, tích hợp các chính sách hiện có để đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định về các chính sách khuyến khích phát triển chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn; đặc biệt là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kênh phân phối nông sản thực phẩm an toàn, liên kết với hộ, HTX, cơ sở sản xuất hình thành chuỗi cung ứng nông sản an toàn gắn với chuỗi giá trị thực phẩm toàn cầu.

Cùng với  việc hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nông nghiệp, đào tạo nhân lực, phân cấp rõ ràng và ưu tiên bố trí nguồn lực cho các cấp, chúng tôi cũng sẽ tăng cường thông tin, truyền thông tạo niềm tin đối với nông sản Việt chất lượng, an toàn tại thị trường trong nước cùng với đẩy mạnh đàm phán tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, trước yêu cầu phát triển của ngành trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn. Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2016, cần chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh sản xuất, nhất là những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp để bù lại cho thiệt hại ngành trồng trọt trong 6 tháng đầu năm do hạn hán, xâm nhập mặn.

Trong lĩnh vực trồng trọt, cần chỉ đạo sát sao, cụ thể để phát triển sản xuất, khắc phục tăng trưởng âm thời gian qua, nhất là trên những đối tượng cây trồng chủ lực là lúa, cà phê, hồ tiêu, rau quả… Chú trọng bảo vệ phát triển rừng vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và rừng ngập mặn ven biển. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường, mở rộng thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

Về lâu dài, phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án về tái cơ cấu nông nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 và 6 đề án tái cơ cấu theo ngành, lĩnh vực đã được Bộ phê duyệt...  Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ  khẩn trương rà soát quy hoạch, phát huy lợi thế so sánh của các vùng trong cả nước.

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ quy hoạch diện tích sản xuất lúa gạo, phát huy lợi thế về nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả gắn với ứng phó biến đổi khí hậu.

Vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục phát triển các cây công nghiệp dài ngày cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái… theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ nâng cao giá trị gia tăng.

Vùng Nam Trung Bộ tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản, đánh bắt xa bờ, phát triển nông nghiệp tưới tiết kiệm nước vùng khô hạn, phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển. Vùng đồng bằng sông Hồng, ngoài các sản phẩm hiện có, khuyến khích mở rộng sản xuất rau quả, chăn nuôi.

Vùng miền núi phía Bắc chú trọng vào phát triển lâm nghiệp, trồng cây gỗ lớn, dược liệu, phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù có giá trị kinh tế cao theo từng vùng sinh thái đặc thù.

Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát về thể chế, chính sách để phù hợp với thực tiễn, khuyến khích sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tổ chức lại sản xuất, coi doanh nghiệp là “đầu tàu” trong liên kết, trong đó quan tâm đến lợi ích của nông dân; củng cố, phát triển HTX mới theo Luật HTX 2012 đã ban hành...

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo