Bất động sản

Tân Hoàng Minh không thiếu tiền

Giải thích nghi ngờ về việc chậm tiến độ tại các dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh là do năng lực tài chính. Đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, tập đoàn không có một quan ngại nào về vấn đề này.

Dự án D’. Le Pont D’or của Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Tập đoàn Tân Hoàng Minh được biết đến với một loạt dự án bất động sản, nằm ở các vị trí vàng của Hà Nội. Trong đó phải kể đến: D’. Le Pont D’or ở quận Đống Đa; D’.LeRoi de Soleil quận Tây Hồ; D’.San Raffles quận Hoàn Kiếm  và D’.Palais de Louis quận Cầu Giấy.

 
Tân Hoàng Minh là cái tên từng tạo song với những căn hộ đế vương, xa xỉ với giá lên tới 100 triệu đồng/m2, nhưng sau một thời gian ồn ào trên các phương tiện truyền thông thì thời gian vừa qua Tân Hoàng minh hoàn toàn “xẹp” với tiến độ trì trệ.
 
Cụ thể, qua khảo sát tại một số dự án như D’.LeRoi de Soleil, tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp 25 tầng được chủ đầu tư khẳng định là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc chạm trổ bằng đá, nằm giữa quận Tây Hồ - Hà Nội sẽ trường tồn với thời gian. Được biết dự án này khởi công vào quý 2 năm 2012, dự kiến hoàn thành trong năm 2015. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 1 năm, dự án vẫn đang đắp chiếu
 
Nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm là dự án trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp D’.San Raffles, một thời gây chú ý dư luận với giá đền bù đồn thổi lên đến 1 tỷ đồng/ m2. Dự án này được so sánh như những tòa lâu đài ở quảng trường của châu Âu, phong cách kiến trúc tân cổ điển, tượng trang trí, phù điêu hình nổi mạ vàng ròng… Theo kế hoạch dự án sẽ được hoàn thiện vào 2014, nhưng hiện công trình mới đang thi công cọc thử.
 
Nổi đình nổi đám nhất là dự án D’.Palais de Louis nằm cạnh hồ Nghĩa Tân quận Cầu Giấy từng được giới thiệu tưng bừng tại Nhà hát lớn Hà Nội, được xây dựng cùng thời điểm với một số dự án của Vingruop như Royal City nhưng hiện nay D’.Palais de Louis mới hoàn thành phần thô, và công việc thi công bên trong diễn ra rất chậm chạp.
 
Với tiến độ rùa bọ của các dự án trên khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng tài chính của chủ đầu tư. Phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Như Trung – Phó Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, ông Trung giải thích:  
 
“Dự án lâu nhất là dự án D’.Palais de Louis theo kế hoạch là cuối quý I đầu quý II/ 2015 sẽ hoàn thành. Đây là một dự án có nhiều cái đặc biệt, đặc biệt về chất lượng, về tầm vóc, độ sang trọng (ốp đá tự nhiên), một dự án được truyền thông rất ưu ái. Nếu đứng ở bên ngoài thì có thể nghĩ là nó chậm, vì khởi công từ lâu nhưng đến giờ phút này chưa thấy gì. 
 
Tuy nhiên Tân Hoàng Minh đang âm thầm lặng lẽ thi công, dự án đã qua phần xây thô và đang hoàn thiện, đi hệ thống điện nước, ốp đá. Tân Hoàng Minh đã làm việc trực tiếp với các nhà thầu châu Âu về nội thất. Mọi công tác vẫn đang được triển khai vì sản phẩm mình đưa ra là sản phẩm cao cấp nên không thể làm ào ào. 
 
Thứ hai, với dự án D’.Palais de Louis chúng tôi không nợ một khách hàng, đối tác nào, tất cả những người đăng ký trước đây chúng tôi đều trả lại hết. Cho nên dự án này chỉ chậm với kỳ vọng của chủ đầu tư chứ không chậm với ai. Chúng tôi không góp vốn, mua bán với ai cho nên chúng tôi không chấm với bất ky một khách hàng nào”. 
 
 
Đối với tiến độ của dự án D’. Le Pont D’or ở đường Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Bà Bùi Thị Châu – Phó giám đốc ban Truyền thông Quản trị thương hiệu của Tân Hoàng Minh cho biết: “Dự án Hoàng Cầu chậm tiến độ do một nhà thầu xảy ra sự mất cắp cho nên chủ đầu tư phải thay đổi nhà thầu, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công trình. Ngoài ra dự án D’. Le Pont D’or cũng không phải dựa vào vốn của khách hàng vì đến nay chúng tôi mới bán được 20% dự án”. 
 
Một nguyên nhân khác của việc chậm tiến độ được ông Trần Như Trung đưa ra là: “Gần đây chúng tôi mới có quyết định cấp đất (một dự án cấp ngày 31/3/2014 và một dự án cấp ngày 27/4/2014), lỗi này do thủ tục hành chính của các cơ quan cấp giấy phép quá chậm. Mặt khác do lý do khách quan là các dự án của Tân Hoàng Minh ra đời khi thị trường không được thuận lợi”.
 
Giải thích nghi ngờ về vấn đề năng lực tài chính, đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, tập đoàn không có một quan ngại nào về vấn đề này, Tân Hoàng Minh không thiếu tiền. Đất của Tân Hoàng Minh là nằm ở khu trung tâm thành phố và phân khúc xây dựng là phân khúc nhà ở. Theo nhận đinh thị trường thì hiện nay phân khúc nhà ở đang ấm lên dần. 
 
Ngoài ra qua thời gian vừa rồi đã chứng minh cho thấy thị trường bất động sản rất khó khăn nhưng tập đoàn vẫn không bán hoặc sang nhượng dự án và không hạ giá thành căn hộ, giá thấp nhất vẫn từ 35 triệu/m2.
 
Hiện nay các ngân hàng đang dư thừa vốn, nhưng họ chỉ tìm những doanh nghiệp có tiềm năng. Tân Hoàng Minh đã có ngân hàng SHB đồng ý cho vay toàn bộ nguồn vốn xây dựng. Và đồng ý ký kết ai vay mua nhà sẽ ưu đãi lãi suất 5%, đây là lãi suất thấp nhất hiện nay. 
 
Đến thời điểm 2014 Tân Hoàng Minh đã rất rõ về đường đi, còn việc chậm tiến độ thì do nhiều lý do khách quan. Vị trí các lô đất của Tân Hoàng Minh ở gần các bờ hồ trong thành phố như hồ Nghĩa Tân, hồ Hoàng Cầu, hồ Tây, là những nơi đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng xung quanh. Quy mô của các dự án không phải quá nhiều căn hộ, dự án nhiều nhất hiện nay của Tân Hoàng Minh chỉ khoảng 300 căn, mỗi dự án chỉ 1 đến 2 blog và đều là những căn hộ cao cấp. Cho nên Tân Hoàng Minh hoàn toàn tự tin vào năng lực tài chính của mình và tin vào sự thành công của các dự án ở phân khúc cao cấp.
 
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo