Bất động sản

Tận thu, doanh nghiệp mở sân bóng mini cho thuê

Sau hơn một năm đình trệ của thị trường bất động sản, rất nhiều công trình đã thực hiện xong công tác giải phóng đền bù nhưng vẫn đắp chiếu vì chưa có vốn. Để tận thu, nhiều doanh nghiệp đã cho thuê lại hoặc tự mở sân bóng đá mini để kinh doanh.

(Vnmedia) Trên địa bàn thành phố Hà Nội, những sân bóng mini tập trung nhiều nhất ở phía Tây thành phố. Chỉ tính riêng tại các khu vực Trung Hòa, Nam Trung Yên, (thuộc quận Cầu Giấy), Mỹ Đình (thuộc huyện Từ Liêm) đã có trên dưới 20 sân bóng đá. Phần lớn những sân bóng này được xây dựng trên diện tích đất nền các dự án bất động sản mà chủ dự án vì nhiều lý do chưa thể triển khai xây dựng.
 
Thông tin từ các chủ nhân của các sân bóng mini trên địa bàn huyện Từ Liêm cho biết, tùy thuộc vào năng lực tài chính của từng cá nhân, thuê một mảnh đất từ một dự án chưa khởi công mất khoảng 200 triệu - 500 triệu đồng/năm. Ngoài khoản tiền thuê đất, chủ đầu tư sẽ phải bỏ khoảng 200 triệu đồng chi phí xây dựng một sân bóng mini 7 người chơi. Thông thường một sân cỏ nhân tạo có ít nhất từ 2 - 4 sân bóng mini. Cùng với đó là hệ thống hàng rào quây bằng tôn bên ngoài, căng lưới bên trong để chắn không cho bóng bay ra bên ngoài ảnh hưởng đến khu dân cư nên các chủ đầu tư sân bóng mini chỉ cần bỏ ra một khoản tiền không đáng kể để xây cơ sở hạ tầng.

Thông thường, những người đầu tư sân bóng mini thường làm hợp đồng thuê lại đất dự án trong vòng 2 năm. "Làm sân bóng muốn có lãi thì hợp đồng thuê đất phải từ 2 năm trở lên bởi số tiền bỏ ra đầu tư làm sân phải mất khoảng 12 - 14 tháng mới thu hồi đủ", chủ sân bóng ở đường Phạm Hùng cho biết.

 

 

 

Giá thuê sân không phải giờ cao điểm khoảng 300 – 400 ngàn đồng /90 phút.



Theo khảo sát giá tại các sân bóng đá nhân tạo khu vực Mỹ Đình, giá thuê sân không phải giờ cao điểm khoảng 300 – 400 ngàn đồng /90 phút. Trong khung giờ cao điểm từ 17h đến 20h, giá thuê sân từ 500 - 700 ngàn đồng/90 phút. Như vậy, tính trung bình, mỗi ngày chủ sân có thể cho thuê trung bình 4 trận/1 sân, các chủ sân thu về khoảng 3 – 7 triệu trong đó bao gồm cả tiền trông xe, bán nước, dịch vụ thuê bóng, thuê đồ....

Nếu chủ sân bóng mini nào may mắn có được hợp đồng khai thác sân dài hạn lên tới 4-5 năm thì khoản đầu tư này tỏ ra rất hiệu quả và an toàn. Xét về nhiều khía cạnh, đây là hình thức kinh doanh chính đáng khi đáp ứng nhu cầu của người yêu thể thao. Tuy nhiên, điều đáng nói là phần lớn sân bóng mini đang nằm trên đất dự án treo, đất nông nghiệp vừa thu hồi phục vụ các dự án xây dựng.

Hiện tại, khu vực dọc đường Phạm Hùng, Mỹ Đình, Nhân Mỹ, đường Tôn Thất Thuyết, Mễ Trì Thượng, tuyến đường Lê Đức Thọ kéo dài tới hết Lê Quang Đạo, dọc tuyến đường Đại lộ Thăng Long đang là điểm nóng của thành phố trong việc lấy đất dự án cho thuê làm sân bóng mini.

Tại buổi giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, Nguyễn Kim Vinh khẳng định, có thực trạng thuê đất của dự án để mở sân cỏ nhân tạo trên địa bàn huyện Từ Liêm. Tuy nhiên, theo ông Vinh, hầu hết các sân bóng mini là hình thành tự phát chứ huyện không cấp phép cho một trường hợp nào. "UBND huyện đang chỉ đạo các xã và các ngành chức năng nếu phát hiện sân bóng mini mở trái phép trên đất dự án sẽ lập hồ sở xử lý", ông Vinh cho biết.

 

 

Thảo An
 
 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo