Phân tích

Tăng lương tối thiểu 2018: Người muốn, kẻ không!

(DNVN) - Trong khi người lao động muốn tăng lương để đáp ứng nhu cầu cuộc sống thì nhiều doanh nghiệp cho rằng, với tình hình thị trường hiện tại doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì nếu tăng lương tối thiểu sẽ vượt quá sức chịu đựng gây thiệt hại cho cả người lao động.

Người lao động muốn tăng lương

Liên quan đến mức lương tối thiểu giữa người lao động và doanh nghiệp cũng đang có những tranh cãi. Theo đó, trước áp lực cuộc sống, giá cả, người lao động lại muốn được tăng lương, thậm chí ở mức cao để đáp ứng nhu cầu cuộc sống tối thiểu, đặc biệt là những lao động ở các khu vực có mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ như TP. Hà Nội.

Anh Công - nhân viên một công ty ở Hà Nội chia sẻ: "Giá cả ngày càng đắt đỏ khiến đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn, phải tiết kiệm chi tiêu. Tôi làm công ty tư nhân nhưng làm giờ hành chính, mức lương chỉ đủ để sống không dư được đồng nào nên tối tôi cũng phải chạy Grab để kiếm thêm thu nhập".

"Hiểu sự khó khăn của doanh nghiệp khi họ phải bỏ tiền ra nuôi chúng tôi, nhưng ngược lại chúng tôi cũng phải bỏ sức lao động ra để giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Vì vậy, chúng tôi muốn có khoản thu nhập để đáp ứng nhu cầu cuộc sống mà với mức lương như hiện tại thì rất khó, thậm chí là không thể", anh Công chia sẻ và nói thêm: "Tôi không phải là đưa ra yêu cầu nhưng người lao động cần đủ đáp ứng được mức sống tối thiểu thì mới an tâm làm việc".

Người lao động muốn được tăng lương để đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Đồng quan điểm, chị Hiền - Kế toán của một ty ở Hà Nội cũng mong muốn được điều chỉnh mức lương tối thiểu. "Cuộc sống ngày càng phát triển nên mức sống ngày càng được nâng cao vì thế tăng lương là cho người lao động là hợp lý. Nhưng với mức tăng chỉ 5%, tức là 130.000 - 180.000 đồng thì sao đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động", chị Hiền nói.

Theo chị Hiền, mức tăng 5% coi như là không tăng, chỉ đủ bù trượt giá. Trong khi đó, người lao động cũng có nhiều thứ phải lo như con cái, ăn uống hàng ngày thì mức tăng như thế là quá thấp.

"Dẫu biết doanh nghiệp khó khăn nhưng người lao động cũng cần đáp ứng được cuộc sống của họ để họ an tâm làm ăn. Lúc đó, năng suất lao động, hiệu quả công việc được nâng lên thì cả doanh nghiệp và người lao động đều được hưởng lợi", chị Hiền chia sẻ.

Nhưng doanh nghiệp than khó

Trái với ý kiến của người lao động, theo đại diện của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội, với tình khó khăn hiện nay thì không nên tăng lương tối thiểu, bởi sợ sẽ vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp.

 

Anh Đào Toàn - Giám đốc một công ty bê tông trên địa bàn TP. Hà Nội chia sẻ: "Chúng tôi là công ty tư nhân nên việc lương bổng cho các nhân viên cũng phụ thuộc rất nhiều vào tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Vì vậy, muốn tăng lương cho các nhân viên chúng tôi cũng phải suy nghĩ rất nhiều".

"Tôi nghĩ hiện nay dù tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp có tốt hơn năm trước nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ngày càng thành lập nhiều doanh nghiệp sức cạnh tranh càng lớn. Tăng lương để đời sống nhân viên tốt lên, họ an tâm làm việc thì ai cũng muốn nhưng cũng phải tùy điều kiện của doanh nghiệp. Theo tôi là không nên tăng nhưng nếu phải tăng thì cũng chỉ nên tăng ở mức 5%, như thế là vừa đủ", anh T. nói và giải thích thêm: "Năm 2016 đã tăng 12,4% so với 2015 và năm 2017 tăng 7,3% so với năm 2016, cứ tăng liên tục thì doanh nghiệp sẽ gặp khó.

Cũng lo ngại về việc tăng lương, ông Dương Hạnh - Phó giám đốc một công ty may ở Hà Đông (Hà Nội) cho rằng: " Nền kinh tế ngày càng cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp phải đối mặt với đầy đủ các loại thách thức từ chí phí doanh nghiệp, đóng thuế, rủi ro... nên có muốn tăng lương cũng rất băn khoăn".

"Những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi rất muốn phát triển nhưng giờ muốn tìm được chỗ đứng là tốt lắm rồi. Vì thế, nếu tăng lương tối thiểu thì phải tăng hợp lý, chỉ dưới 5%, đảm bảo mức chi trả của doanh nghiệp. Nếu như tiếp tục tăng lương thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, nếu chúng tôi không chịu nổi thì người lao động cũng bị ảnh hưởng", ông Hạnh chia sẻ.

Vừa qua, ngày 28/7, phiên thương lượng thứ 2 về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 của Hội đồng tiền lương Quốc gia đã kết thúc mà chưa có phương án chính thức nào được đưa ra.

 

Tại phiên thương lượng, phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện chủ sử dụng lao động vẫn giữ nguyên mức đề xuất là không tăng lương tối thiểu năm 2018 hoặc có tăng cũng chỉ ở mức 5%. Theo đại diện VCCI, nếu năm 2018 tiếp tục tăng lương hơn 5% sẽ khiến doanh nghiệp teo tóp, người lao động bị mất việc.

Trong khi đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - đại diện cho người lao động cho rằng, hiện tại mức lương chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động nên việc tăng để bù đắp là đương nhiên. Tuy nhiên, sau xem xét kiến nghị của phía doanh nghiệp, đơn vị này rút mức đề xuất trước đây từ 13,3% xuống còn 10%.

Mặc dù vậy, phía VCCI vẫn kiên quyết mức tăng chỉ ở mức 5% và không cao hơn. Trong khi đó, một lần nữa, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam một lần nữa xuống nước và đề xuất mức tăng ít nhất phải hơn mức tăng của năm 2017 (7,3%), cụ thể là 8%.

Cuối cùng, do không tìm được tiếng nói chung, phía Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất tạm dừng phiên họp và sẽ tiếp tục thương lượng vào phiên họp sau. Hội đồng tiền lương đã quyết định dừng để các bên củng cố thêm cứ liệu để bảo vệ quan điểm của mình. Dự kiến ngày 7/8, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ 3 để quyết định mức lương tối thiểu.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa thực hiện cuộc khảo sát về tiền lương, đời sống của người lao động năm 2017 để có cơ sở để xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2018.

 

Kết quả khảo sát cho thấy, 51,3% người lao động được hỏi có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12,0% cho biết thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% người lao động là có thể có tích lũy từ thu nhập. Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát, một số ngành có tiền lương, thu nhập thấp đã xảy ra nhiều đình công, ví dụ như ngành dệt may 69 cuộc (chiếm gần 51,8%), giày da có 30 cuộc (chiếm gần 22,5%).

Trong khi đó, về mức độ hài lòng với tiền lương và thu nhập của người lao động, có 22,7% cảm thấy hài lòng với mức tiền lương và thu nhập của mình; 52,4% tạm hài lòng; 24,9% không hài lòng. Đáng chú ý, có tới 54 % người lao động cho rằng tiền lương, tiền công của họ không tương xứng với sức lao động của mình.

Kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng cho thấy, hầu hết các khoản thu nhập của người lao động phải trang trải cho cuộc sống hằng ngày và nếu không có các khoản làm thêm giờ (tăng ca), hỗ trợ từ phía doanh nghiệp thì tiền lương của người lao động rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo