Góc nhìn

Tăng sức mua, giảm tồn kho để kích cầu tín dụng

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, kích cầu để tăng sức mua, giải quyết hàng tồn kho là giải pháp trước nhất để cải thiện cầu về tín dụng.

Thưa ông, lãi suất có còn là rào cản đối với doanh nghiệp trong vay vốn?

Có thể nói, đến thời điểm này, lãi suất, quan hệ tín dụng không còn là nguyên nhân tác động đến doanh nghiệp như các năm trước đây. Mặt bằng lãi suất cho vay đã trở về mức như những năm trước khi khủng hoảng xảy ra.
 
TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
 
Tuy nhiên, những khó khăn về thị trường và xử lý hàng tồn kho vẫn là khó khăn lớn, tác động đến doanh nghiệp. Vì vậy, để có thể kích cầu được tín dụng, các ngân hàng phải cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, xử lý tốt vấn đề nợ xấu; tiếp tục cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, tiếp cận, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho khách hàng…
 
Các giải pháp giảm lãi suất, cơ cấu nợ cho vay mới đã được đưa ra, song tín dụng vẫn khó tăng, do nhu cầu vốn của doanh nghiệp không có. Theo ông, để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, cần thiết phải có thêm biện pháp gì?
 
Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, trước mắt, nên có giải pháp kích cầu, tăng sức mua. Có như vậy, hàng hóa sản xuất ra mới tiêu thụ được, thì tồn kho mới giảm và doanh nghiệp mới có thể vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh tiếp.
 
Mặt khác, phải giải quyết được nợ xấu và nợ thuế… Hai vấn đề này khiến doanh nghiệp không vay được vốn để sản xuất, kinh doanh mới và ngân hàng cũng rất khó để cho vay. Tuy nhiên, với bản thân doanh nghiệp, cũng cần tự đánh giá, tái cơ cấu những mặt mạnh, mặt yếu, thất bại, thành công… căn cứ vào chính sách, cũng như diễn biến của thị trường để có thể khai thác được lợi thế vốn có.
 
Ông đánh giá thế nào về cách xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hiện nay?
 
Cần thiết phải có thị trường mua - bán nợ, thì mới giải quyết nhanh được nợ xấu, thay vì chỉ có ngân hàng bán lại nợ xấu cho VAMC để nhận lại trái phiếu đặc biệt. Vì nếu chỉ “bốc” nợ xấu từ ngân hàng sang VAMC, thì sau 5 năm, nếu các khoản nợ xấu đó không được giải quyết, thì ngân hàng sẽ phải mua lại bằng chính trái phiếu.
 
Tăng trưởng tín dụng khó đạt mục tiêu khi đến cuối tháng 10, dư nợ toàn ngành chỉ mới đạt hơn phân nửa. Theo ông, tín dụng trong thời gian tới có được cải thiện?
 
Với tăng trưởng dư nợ đạt được hơn 6% trong gần 10 tháng đầu năm nay, cộng với tính mùa vụ kinh doanh cao điểm cuối năm, khả năng tín dụng sẽ đạt khoảng 10% trong năm nay. Tình hình năm sau sẽ có chuyển biến tốt hơn, khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế sẽ tốt hơn so với hiện nay. Nhưng lãi suất sẽ không giảm nhiều so với hiện nay. Lạm phát năm 2014 vẫn kỳ vọng ở mức 7%, thì lãi suất sẽ khó giảm thêm. Thực tế cho thấy, với mặt bằng lãi suất hiện nay không còn là quan ngại lớn đối với doanh nghiệp trong vay vốn, mà quan trọng hơn chính là sức mua của thị trường.
 
Theo ông, có cần thiết mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua nợ xấu?
 
Tôi cho rằng, rất cần thiết để nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua nợ xấu của ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp hiện nay là tính pháp lý phải được xử lý như thế nào. Do đó, muốn mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua - bán nợ cũng phụ thuộc vào tính pháp lý của Việt Nam. Chẳng hạn, với các khoản nợ xấu được đảm bảo bằng tài sản bất động sản, nhà đầu tư nước ngoài muốn mua tài sản phải có quyền sử dụng đất đai, trong khi đó nhà đầu tư nước ngoài lại chưa được phép.
Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo