Tăng thuế VAT: Chưa phải lúc này!
Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế, đề xuất tăng một loạt các sắc thuế quan trọng, trong đó có thuế VAT đã nhận được rất nhiều ý kiến từ dư luận. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng VAT lên 12%, từ mức 10% hiện hữu, ngay lập tức, đề xuất này vấp phải sự phản ứng của dư luận.
Trao đổi về đề xuất này, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho biết, đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính vào lúc này là không phù hợp và tất nhiên sẽ vấp phải sự phản đối của người dân.
Theo ông Long, thuế nguồn thu của ngân sách nhưng cũng là một công cụ để tăng trưởng kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội mà nguyên tắc quan trọng cho việc thu thuế là nuôi dưỡng nguồn thu.
Tuy nhiên, lâu nay chúng ta chỉ tập trung tái cơ cấu nguồn thu và tăng thuế mà ít chú trọng đến nguồn chi, khi có nhiều khoản chi hết sức bất hợp lý. Do đó, nhà nước cần chú trọng tái cơ cấu nguồn thu lẫn chi để cân đối ngân sách thay vì phải tăng thuế để tăng nguồn thu.
Vị này cũng cho biết, hiện thuế và phí tại Việt Nam còn cao so với thu nhập của người dân. Trong các năm gần đây và sắp tới, Việt Nam liên tục thay đổi các quy định về thuế, cho thấy chính sách thuế thiếu bền vững; tính minh bạch về thuế nên mỗi lần tăng thuế đều vấp phải sự phản đối từ người dân. Do đó, theo ông Long, thời điểm này Bộ Tài chính chưa nên đề xuất tăng thuế mà nên chọn thời điểm thích hợp hơn.
"Trong bối cảnh nhiều quốc gia tăng thuế VAT, chúng ta không nên tăng theo mà cần điều chỉnh cho phù hợp với thu nhập của người dân, thực trạng của nền kinh tế,. Đặc biệt, cần căn cứ vào thuế suất của các quốc gia có điều kiện kinh tế tương đồng với nước ta mới là hợp lý, lúc đó mới nhận được sự đồng tình của người dân", ông Long nhìn nhận.
Cũng theo vị này, cần hết sức thận trọng với việc tăng thuế, bởi tăng thuế sẽ đánh vào các mặt hàng thiết yếu, đánh vào người nghèo, người có thu nhập thấp. Nhấn mạnh lại vấn đề đã nói, ông Long cho rằng,mức thuế hiện nay so với thu nhập đã quá cao, nếu thu nữa thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân và doanh nghiệp. Mà khi doanh nghiệp gặp khó khăn do thuế tăng lên thì không thể cạnh tranh, thua trên sân nhà, phá sản, không tạo ra công ăn việc làm... lúc đó lại còn đặt ra nhiều vấn đề hơn cho nhà quản lý.
Tăng thuế VAT sẽ làm người thu nhập thấp bị "tổn thương"
Ông Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh cho rằng, tăng thuế trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả trực thu và gián thu đều sẽ tác động tới doanh nghiệp và người tiêu dùng, đặc biệt là người thu nhập thấp. Theo ông Nghĩa, VAT là loại thuế gián thu, đánh trực tiếp vào hàng hóa, gián tiếp vào người tiêu dùng. Vì vậy, nếu điều chỉnh tăng từ 10% lên 12% sẽ làm cho giá tiêu dùng tăng, ảnh hưởng đến thị trường, tác động trực tiếp đến chi phí của người tiêu dùng. Người dân dù giàu hay nghèo đều phải đóng chung một mức VAT cho cùng một loại hàng hóa. "Nếu tăng thuế VAT, số tiền người tiêu dùng thu nhập thấp phải đóng thuế sẽ chiếm một tỷ trọng lớn so với thu nhập của họ và họ sẽ cảm thấy bị tổn thương. Bộ Tài chính cần cân nhắc khi đánh thuế gián thu vì nó không thể điều chỉnh theo thu nhập và hỗ trợ người nghèo. Bên cạnh đó, việc tăng thuế cũng sẽ tác động đến sức tiêu thụ hàng hóa của thị trường", ông Nghĩa nói. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo