Tạo điều kiện cho chủ đầu tư xây dựng lại nhà chung cư cũ
Đó là điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư do Bộ Xây dựng vừa công bố.
Theo thống kê, cả nước hiện có gần 1.690 chung cư cũ, tập trung nhiều nhất ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hà Nội có khoảng 1.155 nhà chung cư cao 4-6 tầng và 10 khu thấp từ 1-3 tầng. Trong đó, có hơn 980 chung cư được xây dựng trước năm 1990 và tập trung tại các quận nội thành cũ.
Vì thế để giảm bớt tình trạng hàng triệu người dân đang phải sinh sống và làm việc trong những khu chung cư cũ nát, chật chội, không đảm bảo an toàn. Bộ Xây dựng đưa ra Dự thảo Nghị định mới này được kỳ vọng sẽ góp phần giải tỏa được khó khăn trong công tác bố trí tái định cư, giúp các chủ đầu tư dễ dàng hơn trong công tác giải phóng mặt bằng, ổn định tâm lý chủ sở hữu nhà để có thể thuận lợi phá dỡ các khu nhà chung cư cũ nát, xuống cấp, sớm xây dựng lại các khu chung cư mới phù hợp với quy hoạch chung.
Cũng theo dự thảo lần này, Bộ Xây dựng đề xuất thêm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia đầu tư vốn hoặc góp vốn đầu tư dự án thay vì chỉ cho phép doanh nghiệp trong nước đầu tư cải tạo chung cư cũ như trước kia.
Theo đó doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được tham gia đầu tư vốn hoặc góp vốn đầu tư dự án xây dựng lại nhà chung cư bao gồm: doanh nghiệp trong nước được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp; doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoạt động đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư; hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã.
Điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được tham gia đầu tư vốn hoặc góp vốn đầu tư dự án xây dựng lại nhà chung cư phải đăng ký kinh doanh bất động sản hoặc giấy chứng nhận đầu tư có hoạt động đầu tư bất động sản và có đủ vốn pháp định theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của dự án; có vốn ký quỹ để thực hiện đối với từng dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư; đóng tiền bảo lãnh giao dịch nhà ở theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch chi tiết của dự án xây dựng lại nhà chung thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng.
Căn cứ tình hình cụ thể của khu vực triển khai thực hiện dự án (bao gồm cả khu vực trung tâm, khu vực hạn chế phát triển thuộc tất cả các đô thị, kể cả đô thị loại đặc biệt), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép chủ đầu tư dự án xây dựng lại nhà chung cư được phép điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất tối thiểu gấp 3 (ba) lần hệ số sử dụng đất theo quy hoạch cũ của khu vực dự án; không hạn chế chiều cao công trình nếu quy hoạch của khu vực dự án cho phép.
Khuyến khích quy hoạch xây dựng các không gian ngầm để sử dụng vào mục đích công cộng và không tính diện tích phần công trình ngầm vào hệ số sử dụng đất .
Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày quy hoạch chi tiết của dự án xây dựng lại nhà chung cư thì Sở Xây dựng (hoặc Sở Quy hoạch – Kiến trúc đối với các địa phương có Sở Quy hoạch – Kiến trúc) có trách nhiệm tổ chức công bố trong thời gian tối thiểu là 30 ngày tại trụ sở cơ quan và website của Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, tại trụ sở Ủy ban nhân dân quận, huyện (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp quận) và Ủy ban nhân dân xã, phường (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp phường) nơi có dự án xây dựng lại nhà chung cư.
Các hộ dân thuộc dự án cải tạo, xây lại chung cư được bố trí nhà ở tạm cư hoặc hỗ trợ bằng tiền để các hộ dân tự lo chỗ ở trong thời gian thực hiện dự án. Chi phí phục vụ cho công tác bố trí tạm cư do chủ đầu tư dự án thanh toán và được hạch toán vào chi phí thực hiện dự án.
Hiện trạng kiến trúc và kết cấu công trình các khu chung cư cũ:
Các khu chung cư đều đã xuống cấp mức độ nguy hiểm. Hệ thống thoát nước vệ sinh kém, hư hỏng, tác nghẽn, bể phốt quá tải vì dân cư tự tăng gấp 2 lần, mùi xông lên nồng nặc hôi thối, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Các căn hộ tầng 1 cơi nới vô tổ chức, lấn chiếm vỉa hè, mái tôn hắt nóng lên tầng 2 trở lên, hàng ăn đun than tổ ong ô nhiêm môi trường nặng nề, làm ăn mòn các kết cấu thép; Các tầng trên cơi nới chênh vênh, không an toàn có thể sụp đổ chết người; Các hộ dân tự do đục kết cấu cơi nới trên các tầng làm tường, xà, trần yếu đi nhiều và có nguy cơ sập đổ.
Trần, tường nhà hư hỏng nặng do nước ngấm từ sân thượng xuống làm cho vôi vữa bong tróc, ướt sũng. Toàn bộ tường vôi vữa đều đã mủn. Nền nhà gạch lát cong vênh, vỡ nát. Đường dây chống sét không còn; cầu thang, hành lang, nứt, hư hỏng nặng. Đường dây điện không an toàn, có hiện tượng cháy nổ đường dây và trạm biến thế.
Theo ý kiến các hộ dân được điều tra hiện tượng lún, nứt, đứt gãy ở cầu thang là nơi yếu nhất, sau khi được sửa chữa, chát lại đến nay không còn vết nứt, việc gia cố cầu thang bằng 1 tấm thép lớn từ tầng 1-5 đã phát huy được hiệu quả.
Theo Khảo sát của Tổng hội Xây dựng Việt Nam
End of content
Không có tin nào tiếp theo