Tạo điều kiện nhưng phải có sự kiểm soát
Là người tham dự cuộc họp của Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh về vấn đề này, KTS Khương Văn Mười, giải thích: “Không có chuyện ưu ái riêng cho bất cứ chủ đầu tư nào. Đây chỉ là chủ trương tạo điều kiện cho nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, thu hồi vốn... Khi một chủ đầu tư xin chuyển đổi thì dưới quận phải trả lời rằng các công trình xã hội quận phải đảm bảo đủ, chứ không phải cho chuyển đổi tràn lan. Tạo điều kiện cho họ nhưng vẫn phải có sự kiểm soát”.
Là một kiến trúc sư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, ông có thể nói về sự khác nhau giữa kết cấu của công trình dùng làm văn phòng và công trình nhà ở? Có thể hoán đổi chức năng của chúng được không?
Trước tiên, phải khẳng định, cao ốc văn phòng và chung cư cao tầng có kiến trúc khác nhau. Cao ốc văn phòng là một khối mà các tầng đều trống hết, chỉ có một lõi cứng để cho giao thông đứng như thang máy, thang bộ, thang thoát hiểm, phòng vệ sinh, phòng phục vụ... Mặt khác, kiến trúc của cao ốc văn phòng thường là vách kính để lấy ánh sáng và che nắng khu vực cần thiết. Chung cư cao tầng cũng có lõi cứng, nhưng mỗi tầng được chia thành nhiều hộ, mỗi hộ có từ một đến ba nhà vệ sinh, phải có đường cấp nước, đường thoát nước mưa... cho nên khi chuyển đổi từ cao ốc văn phòng sang chung cư cao tầng thì phải điều chỉnh lại.
Hiện nay, cao ốc văn phòng dư quá nhiều và giá cho thuê giảm còn 1/4, 1/5 mà không có người thuê. Lãi suất như hiện nay khiến doanh nghiệp dễ phá sản. Chỉ cần một nhà đầu tư phá sản sẽ dẫn tới hiệu ứng “domino”, gây hậu quả nặng nề nếu chúng ta không ứng xử kịp. Đây chỉ là tạo điều kiện cho nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, thu hồi vốn. |
Nói tóm lại, một cao ốc văn phòng có thể chuyển qua làm căn hộ nhưng phải điều chỉnh, thiết lập lại hồ sơ, giải quyết vấn đề kỹ thuật. Người thiết kế phải am hiểu về kỹ thuật, người tư vấn phải có kiến thức mới làm được chuyện này.
Theo đánh giá của ông, việc chuyển đổi này có phù hợp hay không, khi mà hiện nay không chỉ văn phòng cho thuê ế ẩm mà việc mua bán căn hộ cũng đang trong tình trạng đóng băng?
Chúng ta phải nhìn nhận vào thực tế, không phải ai cũng chuyển đổi và không phải vị trí nào người ta cũng muốn chuyển đổi. Đâu phải khi thành phố cho chủ trương này thì tất cả các cao ốc văn phòng sẽ chuyển đổi hết đâu.
Hiện nay, cao ốc văn phòng dư quá nhiều và có những cao ốc nằm ở vị trí trung tâm thành phố, giá cho thuê giảm còn 1/4, 1/5 so với trước mà còn không có người thuê.
Tình hình lãi suất như hiện nay khiến doanh nghiệp rất dễ phá sản. Chỉ cần một nhà đầu tư phá sản sẽ dẫn tới hiệu ứng dây chuyền “domino”, sẽ gây hậu quả nặng nề nếu chúng ta không có ứng xử kịp thời. Đây chỉ là tạo điều kiện cho nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, thu hồi vốn.
Nếu việc bán căn hộ chung cư mà có lời như trước đây thì mình có thể nói là chỉ quan tâm đến lợi nhuận của doanh nghiệp thôi, nhưng ở trong thời điểm này không hẳn thế. Chưa chắc khi họ chuyển qua chung cư là sẽ bán được. Nhưng đây là để tạo ra một môi trường mà nhà đầu tư có thể tự cứu được mình. Đặc biệt, không có chuyện ưu ái riêng cho bất cứ chủ đầu tư nào cả.
Nếu chủ trương này được thành phố chấp thuận thì liệu có phá vỡ quy hoạch của thành phố đã được phê duyệt?
TP. Hồ Chí Minh khi bàn tới vấn đề này cũng bàn tới tương lai nữa. Khi cho phép chuyển đổi chúng ta phải nói tới vấn đề giao thông, hạ tầng xã hội.
Một bài toán khác đặt ra là khi chuyển đổi thành căn hộ tất phải có hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, vui chơi giải trí... vì vậy, khi cho phép chuyển đổi quận phải đảm bảo có đầy đủ các công trình xã hội này, chứ không phải cho chuyển đổi tràn lan.
Tạo điều kiện cho họ nhưng vẫn phải có sự kiểm soát. Để làm sao doanh nghiệp không bị phá sản mà hạ tầng xã hội vẫn tốt. Đây là một trong nhiều biện pháp cứu vãn tình hình, nhà đầu tư chỉ là một tác nhân thôi, nhưng tác nhân này là dây chuyền trong hệ thống xã hội, trong chuỗi kinh tế...
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo