Tập đoàn Wal-Mart tuyên bố đóng cửa 269 cửa hiệu trên toàn cầu
Tuyên bố trên được Wal-Mart đưa ra sau khi thống kê cho thấy doanh thu ngành bán lẻ của Mỹ trong mùa mua sắm cuối năm 2015 thấp hơn dự báo. Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, doanh thu bán lẻ ở nước này chỉ tăng 3% trong tháng 11-12, so với mức dự báo tăng 3,7%, bất chấp các hãng bán lẻ đưa ra mức giảm giá mạnh để thu hút khách hàng.
Tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart
Doanh thu bán lẻ trực tuyến của Mỹ cùng kỳ tăng mạnh, với mức tăng 9%, đạt 105 tỷ USD, nhưng không đủ sức kéo doanh thu toàn ngành bán lẻ nói chung của nước này. Trong đợt đóng cửa hiệu này của Wal-Mart, sẽ có 10.000 nhân viên tại Mỹ và 16.000 nhân viên trên thế giới bị ảnh hưởng.Cách đây 3 tháng, Giám đốc điều hành (CEO) Doug McMillon của Wal-Mart nói với các nhà đầu tư rằng hãng sẽ tập trung vào mục tiêu trở nên linh hoạt hơn.
Giám đốc điều hành (CEO) Doug McMillon của Wal-Mart
“Giảm bớt số cửa hiệu không bao giờ là một lựa chọn dễ dàng. Nhưng đó là việc làm cần thiết để giúp công ty trở nên mạnh mẽ và sẵn sàng hơn cho sự phát triển trong tương lai”, ông McMillon phát biểu hồi tháng 10/2015.
Các chuyên gia nói rằng việc Wal-Mart đóng cửa hàng trăm cửa hiệu là một động thái quan trọng.
“Quyết định của Wal-Mart về giảm số cửa hiệu ở Mỹ cho thấy bức tranh ngành bán lẻ đã thay đổi ra sao trong mấy năm qua. Thực tế là các cửa hiệu bán lẻ vẫn giữ vai trò quan trọng, nhưng không còn quan trọng như xưa nữa”, ông Neil Saunders, CEO công ty phân tích bán lẻ Conlumino, phát biểu.
“Sự phát triển của bán lẻ trực tuyến, đặc biệt là của Amazon, đã xói mòn lợi thế [của bán lẻ truyền thống] và tạo cho hầu như tất cả mọi người tiêu dùng sự tiếp cận dễ dàng với hàng loạt sản phẩm có giá tương đối rẻ”, ông Saunders nói.
Nhà phân tích này nói thêm rằng các nhà bán lẻ khác sẽ áp dụng cách làm tương tự như Wal-Mart.
Triển vọng xấu đi của kinh tế Mỹ trong thời gian gần đây do tác động từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc cũng là một nguyên nhân khiến các nhà bán lẻ như Wal-Mart gặp khó. Không chỉ tác động đến lĩnh vực dịch vụ-bán lẻ, khó khăn này đã lan sang cả lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Mỹ. Số liệu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố hôm 15/1 cho thấy sản lượng công nghiệp của nước này giảm 0,4% trong tháng 12, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tục.
Tổng hợp theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo