Góc nhìn

Tàu cá CN Nhật: Tối ưu để ngư dân bám biển Đông

Viện trưởng Viện nghiên cứu chế tạo tàu thủy (UNINSHIP) đã có những nhận định về mẫu tàu cá composite Yanmar-01 vừa đóng cho ngư dân Việt để hợp tác với Nhật

Vừa qua, Viện nghiên cứu chế tạo tàu thủy Đại học Nha Trang (UNINSHIP) đã hợp tác với tập đoàn Yanmar của Nhật Bản để đóng tàu câu cá ngừ đại dương Yanmar-01. Được biết, tàu cá này sẽ phục vụ trong dự án hợp tác giữa Yanmar và ngư dân Việt Nam tại ba tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú .

Viện trưởng Nguyễn Văn Đạt đã có những chia sẻ với PV về tàu cá Yanmar-01 và chương trình hợp tác giữa hai bên.
 
Công nghệ Nhật Bản phục vụ ngư dân Việt Nam
 
PV:  Ngư dân Việt Nam từ xưa đến nay quen đánh bắt trên những con tàu vỏ gỗ, đặc biệt với nghề câu cá ngừ đại dương thường phụ thuộc nhiều vào yếu tố may mắn. Với công nghệ của Nhật Bản, đồng nghĩa nó phù hợp với thói quen đánh bắt của người Nhật Bản, liệu có phù hợp với tập quán và ngư trường Việt Nam? Viện đã nghiên cứu tới vấn đề này như thế nào, và mẫu tàu Yanmar - 01 sẽ đảm bảo tính hiệu quả ra sao?
 
Viện trưởng Nguyễn Văn Đạt: - Mặc dù đến hơn 95% tàu cá Việt Nam hiện nay là tàu vỏ gỗ, tuy nhiên trong những năm gần đây đã xuất hiện nhiều tàu cá vỏ composite, nhất là khu vực Khánh Hòa, Tp HCM. Nhiều ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung bộ đã quen với việc sử dụng loại tàu này, và họ đã nhận thấy hiệu quả của tàu vỏ composite, đặc biệt về chi phí bảo dưỡng và chi phí vận hành (thấp nhất so với loại tàu vỏ gỗ và vỏ thép có cùng kích cỡ và công suất máy chính).
 
Tàu cá Yanmar-01
 
Mặc dù tàu Yanmar-01 có hình dáng mẫu tàu Nhật Bản, nhưng về kết cấu cơ bản UNINSHIP đã áp dụng nhiều cải tiến, cụ thể: tăng thêm chiều dày vỏ tàu, sử dụng trọng lượng dằn, gia cố những khu vực dễ bị va chạm (ky tàu, mạn tàu, mũi tàu...), do đó tàu Yanmar 01 có tính năng (đặc biệt là tính lắc, tính điều khiển và tính quay trở) thích hợp với ngư dân Việt Nam.
 
Các hệ thống và trang thiết bị hoàn toàn phù hợp với thói quen của ngư dân Việt Nam. Riêng hệ thống bảo quản với kết cấu cách nhiệt dạng sandwich, bảo đảm khả năng bảo quản chất lượng sản phẩm. Ngoài ra tàu còn lắp 06 cụm tời thu dây hiện đại, vừa giảm được sức lao động của ngư dân, vừa đảm bảo chất lượng cá (khi cá ngừ vùng vẫy mạnh, tời tự động nhả dây, đảm bảo cho cá không bị sốc cơ học...).

Tàu cá Yanmar-01 phù hợp với “thực trạng trên biển"
 
PV:  Ông có nói đến các tính năng được cải thiện như khả năng chịu va chạm, dễ điều khiển, dễ quay trở thích hợp với ngư dân Việt Nam. Vậy trong bối cảnh ngư dân Việt đánh bắt trên ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền của đất nước nhưng thường xuyên bị tàu cá hoặc tàu hải giám của Trung Quốc quấy nhiễu. Những tính năng này sẽ giúp ích gì cho ngư dân?
 
Viện trưởng Nguyễn Văn Đạt: - Tất nhiên những tính năng này sẽ có hỗ trợ rất nhiều. Mẫu tàu Yanmar-01 có khả năng chuyển hướng tại chỗ mà không cần di chuyển, đây là công nghệ mà chưa tàu cá nào của Việt Nam có. Ngoài ra, thiết kế và động cơ của tàu cho phép có sự gia tốc nhanh, tăng tốc mạnh mẽ, chuyển hướng lập tức, di chuyển phức tạp.
 
Còn về khả năng chống chịu, khác với vỏ thép, và đặc biệt là vỏ gỗ, tàu Yanmar-01 sử dụng vật liệu composite, trong trường hợp có va chạm sẽ chỉ móp méo, trong trường hợp bị đâm trực diện bởi tàu lớn hơn sẽ không bị vỡ toác, mà chỉ thủng ở vị trí đó, có thể trám chống thấm nước. Ngoài ra, vật liệu composite khiến con tàu có khả năng nổi tuyệt đối.
 
Ngoài ra, với tàu Yanmar-01, đơn vị thiết kế đã gia cố hai lớp vật liệu vào những vị trí dễ bị tổn thương, vì thế những va chạm khó có thể làm tổn thương con tàu.
 
Tàu cá Yanmar-01
 
Ngư dân sẽ thích cách làm của Nhật Bản
 
PV:  Giữa mẫu tàu của SBIC (Tiền thân là Vinashin) và mẫu tàu Yanmar 01 có gì khác nhau? Ông có thể chỉ ra những vấn đề ưu điểm và hạn chế của các mẫu tàu này. Liệu đã có thể trả lời được câu hỏi vật liệu nào phù hợp nhất với tàu cá cho ngư dân Việt Nam?
 
Viện trưởng Nguyễn Văn Đạt: - Sự khác nhau cơ bản giữa mẫu tàu Hoàng Anh (do SBIC) đóng và Yanmar-01, ngoài vật liệu vỏ tàu (thép >< composite), còn là nghề khai thác: tàu Hoàng Anh là mẫu tàu đánh cá lưới vây mạn, còn Yanmar 01 là tàu câu cá ngừ đại dương. Do vậy hình dáng và kết cấu tất yếu phải khác nhau. Tôi không thể nhận xét về ưu nhược điểm của mẫu tàu do SBIC thi công.
 
Để trả lời cho câu hỏi vật liệu nào phù hợp nhất với tàu cá Việt Nam cần có kết quả hoạt động đánh bắt thực tế sau một vài mùa vụ. Tuy nhiên theo quan điểm cá nhân tôi, xét về tổng thể, với loại tàu cá cỡ nhỏ (chiều dài dưới 30m) vật liệu composite thích hợp hơn thép. Với loại tàu cỡ lớn (chiều dài từ 40m trở lên), vật liệu thép thích hợp hơn.
 
Tôi không hiểu lắm về cách làm của SBIC nên không thể nhận xét, tuy nhiên theo tôi việc xuất hiện nhiều kiểu tàu khác nhau là tín hiệu tốt, vì điều này giúp bà con ngư dân có nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm thích hợp nhất cho mình.
 
Riêng UNINSHIP luôn định hướng nghiên cứu và chế tạo sản phẩm theo nhu cầu của xã hội. Tất cả các đề tài, dự án và sản phẩm của UNINSHIP đều được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu kỹ thị trường.
 
PV:  Được biết, cách làm của Yanmar sẽ là hỗ trợ ngư dân vay 50% số tiền tạo thành con tàu, ngư dân góp tiền 50% giá trị còn lại, tức là Yanmar và ngư dân Việt đều có trách nhiệm và lợi ích trên con tàu đó. Còn cách làm của SBIC là thiết kế một mẫu tàu, và bán khoán cho ngư dân, tiền để mua tàu sẽ do ngư dân vay của nhà nước. Với góc nhìn là một chuyên gia hàng hải, ông đánh giá thế nào về cách làm của hai doanh nghiệp này? Và hợp tác với ai sẽ mang lại quyền lợi lớn nhất cho ngư dân?
 
Viện trưởng Nguyễn Văn Đạt: - Nếu tôi là ngư dân, tôi sẽ chọn cách làm của Yanmar.
 
Chạy thử tàu cá Yanmar trên biển Nha Trang (Ảnh TTO)
Chạy thử tàu cá Yanmar trên biển Nha Trang (Ảnh TTO)
 
PV:  Trước đây, nhà nước đã triển khai dự án đánh cá xa bờ, tuy nhiên dự án nhận được kết quả chưa như mong đợi. Với góc nhìn của một chuyên gia hàng hải, ông có thể đưa ra những cảnh báo để dự án hợp tác với Yanmar và dự án 10.000 tỷ đóng tàu vỏ thép cho ngư dân không tái diễn hoàn cảnh như vậy?
 
Viện trưởng Nguyễn Văn Đạt:-  Là người thường theo dõi sự phát triển của nghề cá nước nhà, tôi xin nói thêm dự án phát triển tàu cá xa bờ những năm 1998-1999 tuy kết quả chưa như mong đợi (đặc biệt về thu hồi vốn), nhưng đó là cú hích giúp ngư dân Việt Nam có điều kiện trang bị tàu cá công suất lớn như hiện nay (dù chưa nhiều). Để dự án lần này đạt hiệu quả hơn, theo tôi cần thực hiện các nguyên tắc sau:
 
Thực hiện mô hình khai thác theo tổ đội: Lựa chọn chính xác các ngư dân có tay nghề tốt, nhất là những người có kinh nghiệm nhiều năm đi biển, xây dựng thành từng nhóm (nếu cùng trong họ hàng càng tốt), cho vay dưới dạng tổ đội (mỗi nhóm khoảng 5 tàu đánh cá và 01 tàu dịch vụ hậu cần). Nhiều chuyên gia đã khẳng định khai thác theo tổ đội là phương án hiệu quả nhất hiện nay, vừa giảm bớt rủi ro cho ngư dân, vừa tránh được tình trạng bị ép giá.
 
Về chủng loại tàu: ngư dân được quyền quyết định chọn mẫu tàu và cơ sở đóng tàu nào họ tin cậy (cơ quan quản lý nghề cá chỉ nên tư vấn, không nên áp đặt), vì họ là người vay vốn đề trang bị tàu, họ chịu trách nhiệm trả vốn vay, nên họ phải có quyền lựa chọn. Có như vậy mới đạt được mục đích cuối cùng của dự án: đem lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân (theo lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát).
 
Xin chân thành cám ơn ông!
 
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo