Thả lỏng "rác" công nghệ: Đã nếm trái đắng Trung Quốc
Các nhà quản lý không nên chấp nhận vì lợi ích của DN. Điều này về lâu dài doanh nghiệp cũng thiệt hại mà cả nền kinh tế này thiệt hại theo.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Uỷ viên Hội đồng Phát triển bền vững Quốc gia, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam đã bày tỏ quan điểm của mình trước việc doanh nghiệp phản ứng mạnh với Thông tư 20 đang được Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện.
PV: - Sau khi bị tạm hoãn, hiện Bộ KHCN đang tiếp tục lấy ý kiến DN để hoàn thiện dự thảo Thông tư 20/2014 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Tuy nhiên, các quy định như thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam phải có tuổi đời chưa quá 10 năm, và chất lượng còn 80% so với máy mới… bị doanh nghiệp vừa và nhỏ phản ứng gay gắt. Ông bình luận thế nào trước thực trạng này? Có thể đánh giá thế nào về sự hợp lý và bất hợp lý của phản ứng trên?
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: - Theo tôi phản ứng của các doanh nghiệp này thể hiện xu thế chung từ trước tới nay họ quen với sự dễ dãi muốn làm gì cũng được.
Hơn nữa họ mới đang chỉ nhìn thấy cái trước mắt và cái lợi nhỏ là mua thiết bị rẻ và sản xuất hàng hóa vẫn đang được thị trường chấp nhận. Nhưng về mặt lâu dài càng thiết bị cũ thì năng suất, chất lượng sản phẩm thấp thì không thể cạnh tranh với công nghệ mới.
Cho nên tôi cho rằng các nhà sản xuất, doanh nghiệp nên nhìn xa hơn. Không nên nghĩ đến những lợi ích trước mắt mà phải nghĩ đến lợi ích lâu dài.
Về mặt sản xuất, thiết bị cũ tôi đảm bảo là khả năng phát sinh các loại chất thải sẽ nhiều hơn thiết bị mới, hiệu quả sử dụng năng lượng cũng thấp hơn. Khi đó gián tiếp sản sinh ra nước thải, khí thải do tiêu hao năng lượng nhiều.
Chính vì thế tôi hoàn toàn ủng hộ dự thảo Thông tư 20 của Bộ KH&CN.
Từ khi bàn về Luật Bảo vệ môi trường 2005 chúng tôi đã rất quan tâm đến vấn đề này và mong muốn có một quy định nào đó để ngăn chặn. Nhưng trên thực tế doanh nghiệp luôn tìm các khe hở để đưa thiết bị cũ nhưng cố tìm cách tân trang lại.
Tôi từng đi kiểm tra các nhà máy nhìn thấy những chỗ tân trang vết cũ trên máy để qua mắt hải quan và đúng là những thiết bị này gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
Vấn đề hiện nay đúng là phía cơ quan đưa ra quy định phải có những tiêu chí cụ thể để thẩm định, đánh giá thiết bị, công nghệ khiến doanh nghiệp tâm phục, khẩu phục để tránh tình trạng kẻ nói đi người nói lại.
PV: - Dễ thấy, nếu doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị cũ thì chất lượng sản phẩm khó cạnh tranh, giá thành sản xuất bị nâng cao… Điều này sẽ làm giảm thiểu hơn nữa sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội trong bối cảnh hội nhập đã cận kề. Đứng ở phía người quản lý, có nên dung hòa lợi ích trước mắt của doanh nghiệp mà tự đánh mất sức cạnh tranh của nền kinh tế hay không và vì sao?
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: - Tôi cho rằng các nhà quản lý phải dựa trên bình diện chung để đưa ra những quyết định sáng suốt.
Chúng ta đang cận kề với hội nhập thế giới. Ngay trong năm 2015 này, Việt Nam có thể ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng như FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA với Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazachstan, Hiệp định Thương mại tự do với EFTA bao gồm các nước nhỏ nhưng giàu có gồm Thụy Sỹ, Na Uy, Lichtenstein và Iceland và quan trọng hơn cả là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cuối năm 2015 là Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực.
Trong bối cảnh hội nhập này mà chúng ta lại tính chuyện chờ họ thải công nghệ ra rồi nhập về nước mình thì đúng là không thể nào chấp nhận được.
Vì vậy các nhà quản lý không nên chấp nhận lợi ích của doanh nghiệp. Điều này về lâu dài doanh nghiệp cũng thiệt hại mà nhà nước, cả nền kinh tế này thiệt hại theo.
Cho nên làm thế nào Thông tư này sớm được ban hành và thực thi để dần nâng cấp công nghệ của Việt Nam lên.
PV: - Ở khía cạnh thu hút đầu tư, Thông tư 20 cũng vấp phải phản ứng từ các ông lớn. Thực tế, sau khi Thông tư bị tạm hoãn, Microsoft và LG đã thông báo chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam. Theo ông, thả lỏng hàng rào công nghệ để đổi lấy đầu tư có phải là một lựa chọn khôn ngoan hay không và vì sao? Kinh nghiệm của các nước có điều kiện tương tự Việt Nam về vấn đề này như thế nào?
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: - Trước hết phải thấy rằng thu hút đầu tư là quan trọng, song không vì thế mà bằng mọi giá chấp nhận tất cả các điều kiện của doanh nghiệp.
Hơn nữa việc các nhà đầu tư muốn chuyển nhà máy, công nghệ về Việt Nam chúng ta cũng cần phải đặt câu hỏi vì sao lại có chuyện đó.
Phải chăng ở các nước họ đang đặt nhà máy trước kia, ngoài lý do về giá nhân công, liệu vấn đề phí môi trường có phải là nguyên nhân khiến các nhà máy này không đáp ứng nổi?
Tất cả những điều này đều phải được đặt lên bàn và cân nhắc. Còn nếu chúng ta lựa chọn đầu tư mà bỏ qua các điều kiện để thả lỏng các doanh nghiệp nước ngoài tự do thì hậu quả chúng ta sẽ gánh còn doanh nghiệp khi đã 'kiếm đủ' thì họ cao chạy xa bay mà không cần phải nghĩ đến môi trường ô nhiễm thế nào và khấu hao sản phẩm ra sao.
PV: - Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo về viễn cảnh công nghệ cũ của Trung Quốc sẽ ồ ạt tuồn sang Việt Nam do hệ quả quá trình cải cách (giai đoạn đau đớn) của Trung Quốc. Nếu không lập hàng rào công nghệ, điều này có đồng nghĩa Việt Nam sẽ trở thành bãi rác công nghệ thứ cấp của Trung Quốc hay không? Nếu điều này xảy ra, thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu hậu quả từ người đi trước như thế nào?
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: - Thực tế này đúng là như vậy. Chúng ta hiện vẫn đang phải xử lý hậu quả tồn đọng thiệt hại cả về kinh tế và môi trường vì trước đây nhập cho doanh nghiệp công nghệ xi măng lò đứng cũ của Trung Quốc về.
Khi đó mỗi địa phương xin Chính phủ cho nhập một nhà máy xi măng nhưng giờ sống dở chết dở vì năng suất thấp, gây ô nhiễm môi trường và sản phẩm làm ra không ai mua vì giá thành quá cao, chất lượng thấp.
Tôi cho rằng bài học này vẫn còn nguyên giá trị nên không thể vì lợi ích của doanh nghiệp trước mắt để rồi chạy theo giải quyết hậu quả về sau rất mệt.
Trong khi đó cuộc cạnh tranh trong thế giới hội nhập này đòi hỏi rất cao và chắc chắn chúng ta sẽ thua vì năng lực cạnh tranh kém.
Hiện tôi là Ủy viên Hội đồng phát triển bền vững quốc gia nên rất quan tâm đến năng suất lao động của Việt Nam.
Muốn nâng cao năng suất thì đương nhiên cần phải có thiết bị, công nghệ hiện đại cùng với chất lượng trình độ công nhân phải cao. Theo đó phải đào tạo công nhân giỏi và thiết bị phải hiện đại hóa.
Thế nhưng lúc này chúng ta lại thả lỏng cho công nghệ cũ vào, còn công nhân trình độ tay nghề có hạn thì chúng ta sẽ thua và nguy đổ vỡ nền kinh tế là điều khó tránh khỏi.
PV: - Thưa ông, chính sách ưu đãi với doanh nghiệp dùng công nghệ tiên tiến có thể là chìa khóa để giải quyết những khúc mắc hiện nay hay không? Muốn vậy, chúng ta nên làm thế nào?
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: - Về mặt nhà nước nên có khuyến khích. Nếu các doanh nghiệp đổi mới công nghệ cần được hỗ trợ thuế, nhận các ưu đãi khác như vay vốn, thuê mặt bằng...
Đây chắc chắn sẽ là chìa khóa, biện pháp hữu hiệu để giải quyết khúc mắc hiện nay. Khi đó phía quản lý vừa thực hiện được nhiệm vụ, trách nhiệm nhà nước giao cho, còn doanh nghiệp không cảm thấy bị thiệt hại quá nhiều khi quyết định đầu tư công nghệ hiện đại.
Để làm được điều đó, phía cơ quan quản lý cần sàng lọc đưa ra những yêu cầu, tiêu chí cụ thể đồng thời cũng phải có sức phép về hàng rào chất lượng sản phẩm. Khi đó buộc doanh nghiệp sẽ biết phải lựa chọn cái gì là tốt nhất cho mình.
Và như vậy lâu dài cả doanh nghiệp và nền kinh tế đều được hưởng lợi.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo