Doanh nghiệp

“Thả nổi” thị trường điện, EVN phải được giám sát độc lập

Phân phối điện vẫn mang tính chất độc quyền do EVN nắm giữ và Bộ Công thương, đơn vị chủ quản của EVN giám sát hoạt động của EVN - nên khó có thể "thả nổi" thị trường điện vào đầu năm 2016.

Trong phát biểu mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, giá điện phải theo thị trường có sự quản lý của nhà nước.

“Đầu 2016, sẽ có điều chỉnh cần thiết về giá điện, để thực hiện đúng lộ trình tăng giá điện theo thị trường”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.

Câu hỏi đặt ra liệu đã có cơ sở, điều kiện để tạo ra thị trường buôn bán điện cạnh tranh theo cơ chế thị trường đúng nghĩa hay chưa khi thời điểm đầu năm 2016 chỉ còn cách chưa đầy 6 tháng.

“Thả nổi” thị trường điện, EVN phải được giám sát độc lập. Ảnh minh họa
“Thả nổi” thị trường điện, EVN phải được giám sát độc lập. Ảnh minh họa

Trao đổi với BizLIVE, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, ông hoài nghi về cơ chế giá thị trường đối với điện được áp dụng ở khâu nào.

Ông Doanh phân tích, trên thực tế khâu bán đã có những giá khác nhau, giá thuỷ điện khác so với giá nhiệt điện. Đồng thời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cũng mua theo giờ, thậm chí mua của Trung Quốc với giá cao nhưng vẫn tiếp tục mua.

Ông Doanh cho biết, khâu trên là thị trường và hiện còn phụ thuộc vào cung cầu, cầu tăng cao EVN sẽ mua hết, cầu thấp sẽ không mua của những doanh nghiệp chào bán giá cao.

"Nhưng điều tôi thấy khó nhất là mạng phân phối điện vẫn độc quyền và không có sự giám sát", ông Doanh nhấn mạnh.

Theo đó, ông Doanh cho rằng, cơ quan giám sát phải là cơ quan độc lập so với Bộ Công thương vì Bộ Công thương giám sát nhưng Bộ Công thương lại là đơn vị chủ quản của EVN dẫn tới tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi", không rõ ràng.

 

Ông Doanh cho rằng cần làm rõ Thứ trưởng Bộ Công thương nói vậy giá thị trường là như thế nào khi có nhà cung ứng độc quyền và 100% mạng phân phối không ai giám sát.

"Điều quan trọng trong giám sát giá độc quyền là công khai minh bạch nếu như có giá độc quyền công khai minh bạch sẽ là công cụ để người dân có thể biết tình hình như thế nào, thất thoát sao", ông Doanh nêu quan điểm.

Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho biết, giá điện bán ra không có sự cạnh tranh vì giá bán do nhà nước độc quyền.

Bên cạnh đó, giá mua vào, cơ chế thị trường tồn tại khi có sự cạnh tranh tự do nghĩa là tất cả các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đều được cạnh tranh để bán cho nhà phân phối điện là nhà nước.

"Nhà nước hiện nay vẫn chiếm 97% sản xuất và độc quyền phân phối sẽ khó có khái niệm cạnh tranh, muốn bán điện theo cơ chế thị trường phải tách riêng sản xuất và phân phối", ông Phong đề xuất.

 

Theo Diễn đàn đầu tư
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo