Phân tích

Thái Lan "xả" kho gạo khổng lồ, giải pháp nào cho gạo Việt Nam?

(DNVN) - Theo đại diện Bộ Công Thương, trước mắt, Việt Nam cần thu thập thông tin chính xác, xem xét đánh giá kỹ lưỡng từng động thái của các quốc gia xuất gạo, nhu cầu, diễn biến của từng thị trường nhập khẩu mặt hàng thiết yếu này và từ đó đề ra các biện pháp cụ thể, phù hợp để ứng phó...

Mới đây, Chính phủ Thái Lan đã thông báo sẽ bán toàn bộ 11,4 triệu tấn gạo dự trữ với mục tiêu thu về hơn 2,8 tỷ USD. Đây là lần bán gạo ra thị trường thế giới lớn chưa từng có trong lịch sử của nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới này.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, với kế hoạch chỉ trong vòng 60 ngày (trong tháng 5 và 6), Thái Lan sẽ bán ra lượng gạo nhiều hơn cả số lượng xuất khẩu trong cả năm - trung bình mỗi năm nước này xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn gạo. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ kéo giá gạo thế giới giảm xuống và gây bất lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Một số công ty xuất khẩu gạo Việt Nam cho biết một số đối tác đã tạm dừng nhập khẩu để nghe ngóng thông tin Thái Lan xả kho gạo 11,4 triệu tấn. Thậm chí tình hình xuất khẩu gạo đã có hiện tượng “dậm chân tại chỗ”.

Gạo Việt Nam gặp khó khi Thái Lan bán toàn bộ 11,4 triệu tấn gạo dự trữ?

Trả lời về việc Thái Lan xả kho gạo khổng lồ này ảnh hưởng gì đến Việt Nam và giải pháp nào cho thị trường gạo Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam đang vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên nếu có việc Thái Lan  xả kho hàng khoảng hơn 11 triệu tấn gạo thì chắc chắn ảnh hưởng đến vấn đề giá và việc tiêu thụ gạo của các nước khác, trong đó có Việt Nam. Vì đây là vấn đề Quy luật cung – cầu. Khi nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu không tăng hoặc ít thay đổi, chắc chắn sẽ có tác động đến thị trường mua bán gạo... 

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, về giải pháp, trước mắt, Việt Nam cần thu thập thông tin chính xác, xem xét đánh giá kỹ lưỡng từng động thái của các Quốc gia xuất gạo, nhu cầu, diễn biến của từng thị trường nhập khẩu mặt hàng thiết yếu này và từ đó đề ra các biện pháp cụ thể, phù hợp để ứng phó. 

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, về thông tin, hiện nay, các đối tác mua gạo đang chờ đợi, nghe ngóng mua gạo giá rẻ của Thái Lan có thể là chưa chính xác. 

Ông Hải lý giải, từ trước đến nay, có một thực tế là trên thị trường tiêu thụ gạo quốc tế, giá gạo Việt Nam thường rẻ hơn giá gạo Thái Lan. Nhưng đối với nhà quản lý (trong đó có Bộ Công Thương), doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gạo và kể cả nông dân trồng lúa cũng cần phải lưu ý đến vấn đề này và có giải pháp thích hợp. 

Mặc dù vậy, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, cũng có thể  xảy ra việc Thái Lan bán bằng hoặc thậm chí thấp hơn để thu hồi vốn, giải phóng lượng hàng tồn kho; nếu xảy ra tình huống này, chúng ta phải đối mặt với thực tế và đề ra các giải pháp thích hợp, ví dụ Chính phủ, các Bộ, ngành cần tập trung hỗ trợ, đẩy mạnh việc đấu thầu cấp quốc gia đối với hợp đồng lớn. 

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, Việt Nam cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo tại các thị trường khác. "Vừa qua ta đã tập trung hướng tới như Liên bang Nga, các nước thuộc liên minh kinh tế Á Âu và các thị trường có FTA đã ký với Việt Nam. Chúng ta cũng cần quan tâm tới thị trường Châu Phi và Trung cận Đông, nơi có thể chấp nhận những loại gạo có chất lượng phù hợp với gạo của Chúng ta đang xuất khẩu", ông Hải cho biết.

Giải pháp nữa được ông Hải đưa ra là sẽ tạo mọi điều kiện và phối hợp với các nước có chung biên giới với Việt Nam tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường này. 

"Đây là những biện pháp chúng tôi đã và đang hướng đến, nhưng giải pháp cụ thể thế nào thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp là những người hiểu rõ nhất về thị trường và họ sẽ có những giải pháp, biện pháp thiết thực, thực tiễn. Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ cố gắng phối hợp, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh ngiệp, dù không thể làm thay doanh nghiệp", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo