Doanh nhân

Thăm bảo tàng cổ vật tư nhân đắt giá của đại gia Việt

Bảo tàng cổ vật Hoàng Long được công nhận là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, đang lưu giữ và trưng bày hàng nghìn cổ vật quý hiếm, có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ.

Bảo tàng cổ vật Hoàng Long được thành lập vào tháng 9/2011, do ông Hoàng Văn Thông (54 tuổi) phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa làm chủ. Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được ra đời minh chứng cho chủ trương xã hội hóa trong hoạt động văn hóa thông tin nói chung và bảo tàng nói riêng tại Việt Nam. Hoạt động của bảo tàng không dừng trong phạm vi quản lý nhà nước mà còn có nhân dân cùng tham gia giữ gìn để góp phần hạn chế vấn nạn "chảy máu cổ vật" ở nước ta.

 Bảo tàng cổ vật Hoàng Long với gian chính giữa trưng bày những chiếc trống đồng Đông Sơn, xung quan có các tủ kính, kệ trưng bày hơn 6.000 cổ vật khác.

Bảo tàng cổ vật Hoàng Long nằm trên địa bàn phố Đội Cung, thành phố Thanh Hóa. Kể từ khi thành lập, những năm gần đây bảo tàng cổ vật này đã gây được tiếng vang lớn cũng như sự chú ý, quan tâm của du khách trong và ngoài nước mỗi khi tới Thanh Hóa tham quan và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử nghìn năm Văn hiến của Việt Nam qua các thời kỳ, đặc biệt là nền văn hóa lúa nước Đông Sơn.

Đến thăm quan bảo tàng cổ vật Hoàng Long, điều trước tiên hiện ra trước mắt mỗi du khách là hàng nghìn cổ vật có giá trị cách đây khoảng 2000 - 2500 năm tuổi, được để ngay ngắn trên thảm nhung đỏ trong các tủ kính ở một gian phòng khá rộng rãi. Chủ nhân của bảo tàng sau nhiều năm sưu tầm đã lưu giữ được hơn 16.000 cổ vật. Trong đó nhiều nhất là những cổ vật liên quan đến văn hóa Đông Sơn.

 Các cổ vật sau khi được chủ nhân của bảo tàng sưu tầm rồi đưa về đây cất giữ trưng bày trong các tủ kính để giới thiệu đến các du khách.


Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam “Xác lập kỷ lục - Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, bảo tàng cổ vật tư nhân ở Việt Nam” vào năm 2009.

Tại nhà trưng bày chính của bảo tàng hiện đang trưng bày hơn 6.000 hiện vật, trong đó có 830 cổ vật đã được giám định, công bố niên đại, đa số từ thời văn hóa Đông Sơn đến thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Nằm ở vị trí trung tâm là những chiếc trống đồng Đông Sơn, sau đó là những chiếc rìu đá, kiếm đồng, lưỡi cày, cuốc, đồ gốm sứ...với họa tiết, hoa văn sinh động, thể hiện truyền thống văn hóa của từng thời kỳ lịch sử Việt Nam.

Bên cạnh đó, những hiện vật trong bảo tàng được trưng bày theo bộ sưu tập và chất liệu, tiêu biểu như: bộ sưu tập rìu đá cách đây hàng nghìn năm, bộ sưu tập trống đồng thuộc văn hóa Đông Sơn cách đây khoảng 2.500 năm, bộ sưu tập gương đồng Hán thế kỷ I đến thế ký III, bộ sưu tập bát gốm thời Lý - Trần, bộ sưu tập bình tỳ bà gốm Chu Đậu thế kỷ XV, bộ sưu tập hiện vật gốm, sứ Trung Hoa thế kỷ XI đến thế kỷ XIII...

Các bộ sưu tập nói trên là những hiện vật độc đáo và có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa, đang được trưng bày khoa học và ấn tượng tạo nên sự hài hòa và tinh tế trong từng cổ vật làm cho du khách hài lòng khi đến tham quan và chiêm ngưỡng.

Hàng chục chiếc trống đồng Đông Sơn được trưng bày tại bảo tàng.

Ông Hoàng Văn Thông- chủ nhân của bảo tàng cổ vật Hoàng Long cho biết, bảo tàng này được ông thành lập nên không phải vì mục đích kinh doanh mà do niềm đam mê và ý thức cao trong việc giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Tất cả những cổ vật hiện có trong bảo tàng là do trong quá trình làm xây dựng nay đây mai đó, nhiều hiện vật được ông bắt gặp lẫn trong đất đá ở các công trường. Sau đó, ông đã thu gom và cất giữ, thậm chí bỏ tiền ra để mua. Những cổ vật này đến với ông như là một mối lương duyên...

Đến nay, số lượng cổ vật sưu tầm được là hơn 16.000 và không ngừng tăng lên gồm các hiện vật bằng đá, đồng, gốm, gỗ, giấy… có họa tiết, hoa văn sinh động. Mỗi cổ vật dù nhỏ nhưng đều mang trong mình câu chuyện lịch sử có giá trị, thu hút nhiều người đến tham quan. Tuy nhiên, hiện bảo tàng đang phải đối mặt với khó khăn về không gian trưng bày. Do diện tích khu nhà trưng bày hiện tại còn nhỏ nên chủ nhân của bảo tàng đã không thể trưng bày hết được số lượng cổ vật vốn có.

Các loại đồ gốm cổ có niên đại trên 2.000 năm được tìm thấy và lưu giữ trong bảo tàng cổ vật.


Một số loại kiếm đồng trải qua nhiều năm tháng đã bị ôxy hóa ăn mòn nhưng vẫn còn nguyên hình dáng.


Các loại cổ vật được cất giữ trong tủ kính một cách cẩn thận và ngăn nắp.

Được biết, hiện nay ông Thông đang cho tiến hành xây dựng một khu bảo tàng mới, đây là khu bảo tàng tổng hợp có không gian rộng mà nhà trưng bày lớn hơn với mục đích có thể trưng bày hết số cổ vật nói trên nhằm giới thiệu đến du khách, các nhà nghiên cứu khoa học mỗi khi muốn tìm hiểu nghiên cứu về lịch sử, văn hóa có liên quan.

Có thể nói bảo tàng cổ vật Hoàng Long không chỉ là nơi lưu giữ những tài sản vô giá, mà còn lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa tinh hoa của dân tộc Việt. Có lẽ vì yếu tố đó mà bảo tàng đã và đang là địa chỉ hấp dẫn cho những du khách đến với Thanh Hóa để chiêm ngưỡng, thăm quan và học tập.

Được biết, bảo tàng cổ vật Hoàng Long đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là bảo tàng cổ vật tư nhân đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2009. Bên cạnh đó, chiếc trống đồng được đúc bằng phương pháp thủ công lớn nhất Việt Nam được lưu giữ tại đây cũng đã được Trung tâm xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận.

Một số hình ảnh về những cổ vật được lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.

 Những chiếc trống đồng biểu mẫu được tìm thấy ở Thanh Hóa.


Các loại trang sức được làm bằng kim loại quý hiểm, sừng động vật… là châu báu ngọc ngà được các nữ quan sử dụng thời xưa.


 Bát, đĩa, bình, vò… gốm tráng men từ các đời Lý, Trần, Nguyễn trưng bày trong bảo tàng.


Chiếc trống đồng lớn nhất Việt Nam lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật Hoàng Long được xác lập kỷ lục Việt Nam.


Mỗi ngày bảo tàng có đến hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến tham quan và nghiên cứu về những nét lịch sử và văn hóa Việt Nam qua các cổ vật được lưu giữ tại đây.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo