Phân tích

Thăm hợp tác xã nấm bịch, ngẫm về đầu ra dưa hấu

Trước thực trạng nhiều mặt hàng nông sản không có đầu ra khi đến vụ thu hoạch, việc nông dân tự cứu mình bằng cách kiên kết lại ở Ninh Bình được xem là lối thoát khả thi, cần nhân rộng.

 

Khi 17 anh nông dân đoàn kết lại

 

Tháng sáu năm 2014, Hợp tác xã Nấm và Cây dược liệu Khánh Trung ra đời với 17 thành viên ban đầu, có mục tiêu giảm chi phí sản xuất và quan trọng hơn, giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm

 

Ngoài số vốn quay vòng gần 900 triệu đồng, các thành viên tham gia Hợp tác xã chỉ phải đóng góp công sức, đất sản xuất, cơ sở sản xuất trang trại, công cụ lao động.

 

17 thành viên đều là những hộ sản xuất, nằm rải trên địa bàn,  họ hy vọng qua mô hình liên kết này, có cơ hội phát triển kinh doanh, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn, có việc làm và thu nhập ổn định.

 

Hợp tác xã đang trồng thử nghiệm một số cây vụ đông để trồng đại trà

 

Quy trình vận hành của hợp tác xã cũng đơn giản. Tùy theo nhu cầu sản xuất, năng lực, điều kiện kinh tế, các thành viên đăng ký với Hội đồng quản trị về số lượng bịch nấm, diện tích trồng cây dược liệu, sau đó tự trồng và chăm sóc tại ruộng, vườn của gia đình mình. Nếu thiếu, hợp tác xã hỗ trợ giống, vốn ban đầu, hoặc các thành viên hỗ trợ nhau.

 

Để hoạt động hiệu quả, Hội đồng quản trị phân công cụ thể cho từng thành viên, theo từng vị trí, vai trò chịu trách nhiệm lo về vốn, đời sống xã viên, hoạt động mua bán sản phẩm của hợp tác xã với thị trường.

 

Khâu then chốt chính là trước khi vào vụ sản xuất, hợp tác xã sẽ tìm đối tác ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch. Trên cơ sở đó, hợp tác xã đứng ra mua nguyên liệu, cây giống và thống nhất phương án sản xuất. 

 

 “Làm như vậy, chúng tôi sẽ giảm được chi phí nguyên liệu đầu vào, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, không bị tư thương ép giá, hoặc tránh được tình trạng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được”- Ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã cho biết.

 

Nở hoa

 

Chưa đầy một năm kể từ khi bắt tay liên kết, hoạt động của hợp tác xã đã đem lại những trái ngọt đầu tiên. Họ đã thu hoạch hơn 30 tấn nấm sò tươi, gần 10 tấn mộc nhĩ, nấm mỡ. Nhưng vui nhất, tất cả đều được tiêu thụ hết theo đơn đặt hàng. 

 

Đây mới chỉ là những loại nấm trồng theo nhu cầu hàng hóa thực thẩm, chế biến trong ăn uống, còn nấm chủ lực mà hợp tác xã trồng hiện nay để làm nguyên liệu, dược liệu là nấm Linh Chi, hứa hẹn một mùa bội thu rạng rõ hơn nhiều.

 

Nấm Linh chi - Cây chủ lực kinh tế của Hợp tác xã

 

Ông Tiến khoe, hiện cả hợp tác xã có khoảng 60 nghìn bịch nấm Linh Chi. Theo tính toán, khi thu hoạch sẽ được gần hai tấn nấm Linh Chi khô. Với mức giá hiện nay dao động trên dưới 700 nghìn đồng/1kg, doanh thu xấp xỉ tỷ rưỡi. 

 

Vẫn theo ông Tiến, trước đây chưa có hợp tác xã, mọi người trồng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ nên năng suất sản lượng kém, thường xảy ra cạnh tranh nhau về giá. "Nay thì cùng chỉ đạo, cùng làm theo kế hoạch, cùng chăm sóc và cùng bán nên rất ổn định và đảm bảo”.

 

Đánh giá về mô hình mới này, ông Tô Văn Hậu, cán bộ Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình nói: “ Đây là một trong những hợp tác xã đầu tiên ở Ninh Bình được thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã sửa đổi năm 2012. Qua hoạt động, Hợp tác xã đã biết phát huy sức mạnh tập thể, chủ động được nguồn hàng cung ứng cho thị trường”.

 

Vị cán bộ Liên minh Hợp tác xã này còn chia sẻ, điều mà 17 hộ nông dân làm cho thấy thay vì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, việc liên kết tạo cho họ có được sự cạnh tranh tốt với thị trường. Trong một tập thể như vậy, nông dân sẽ biết cùng nhau tạo ra những sản phẩm tốt, đồng đều.

 

Ông Hậu nói, nếu được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, và trang bị thêm kiến thức khoa học kỹ thuật, chắc chắn mô hình hợp tác xã này còn thành công hơn nữa.

 

Và thành công đó không dừng ở 17 hộ nông dân này, nếu được nhân rộng, sẽ bớt cảnh nhiều mặt hàng nông sản vứt lăn lóc trên ruộng đồng vì thiếu đầu ra.

 
Hà Hương Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo