Tham nhũng... nhà công vụ
Có một hình thức tham nhũng mới – nhà công vụ. Để chống tham nhũng cần công khai danh tính, xử lý hình sự đối với những người chiếm đoạt tài sản nhà nước... Có lẽ đã đến lúc nên đưa vào Bộ luật Hình sự một tội danh tham nhũng mới - tham nhũng nhà công vụ!
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến nhấn mạnh như vậy trong phát biểu thảo luận sáng nay, 31/10.
Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến cho biết, tiếp xúc cử tri tại các địa phương trước và sau mỗ kỳ họp, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị đại biểu Quốc hội đều nhận được những câu hỏi tuy không mới, nhưng luôn mang tính thời sự, luôn day dứt, bức xúc, nóng bỏng, đó là việc phòng chống tham nhũng.
Trong thời gian qua, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo công bố mới nhất của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số mức độ tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam xếp thứ 116 trên tổng số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ, với điểm số 31/100, có nghĩa nếu đánh giá theo thang điểm của ngành giáo dục đào tạo Việt Nam, chúng ta chỉ đạt điểm 3/10. Qua đó cho thấy mức độ tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam vẫn còn rất nghiêm trọng!
Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận: Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân; nhất là tham nhũng trong khu vực công.
Nhiều công trình, dự án là hệ quả của những căn bệnh không có trong từ điển y học, đó là căn bệnh hoành tráng và căn bệnh thèm ngân sách. Nhiều công trình, dự án công tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, song hiệu quả và công năng sử dụng lại rất khiêm tốn. Thậm chí, có công trình do “đẻ non”, “chín ép” nên vừa “khai trương đã khai tử”, bỏ hoang hóa, hư hỏng, xuống cấp, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê làm các dịch vụ phi văn hóa, phi lợi ích công.
Người dân không được thụ hưởng như thuyết trình ban đầu của chủ dự án thường rất hay đó là để phục vụ dân sinh! Chỉ có một số người quyết định đầu tư, chủ quản đầu tư, chủ thầu xây dựng, ban quản lý dự án là được hưởng lợi. Họ thích “vẽ” ra những dự án hoành tráng vì công trình, dự án càng lớn thì phần trăm “chảy” vào túi cá nhân càng nhiều, theo phép tính tỷ lệ thuận!
Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách và phiên thảo luận về Luật Nhà ở, nhiều vị đại biểu rất bức xúc khi đề cập việc quản lý, sử dụng nhà công vụ.
Nhà công vụ, biệt thự công là tài sản công, tài sản nhà nước, tài sản quốc gia, được nhà nước đầu tư từ ngân sách để ưu tiên cho một số ít đối tượng sử dụng theo quy định.
Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2014, tổng quỹ nhà ở công vụ của cả nước là 1.603.498m2, trong đó có hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn căn hộ chung cư và 55.966 nhà ở liền kề.
Trong những năm qua, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã rất gương mẫu, tự nguyện trả lại biệt thự công hoặc nhà công vụ ngay sau khi thôi giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Song, không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý, khi không còn giữ chức vụ nữa, tự cho mình được quyền sử dụng vĩnh viễn mà “quên” trả lại nhà công vụ!
Thực chất đã cố tình biến nhà công vụ thành nhà tư vụ. Có người tuy không ở nhưng “lỡ” mang theo cả chìa khóa nhà công vụ về địa phương để thụ hưởng biệt thự mà các doanh nghiệp đàn em xây sẵn ở quê nhà. Có người cho con cháu mượn nhà công vụ theo cơ chế “ở nhờ giữ hộ”. Có người còn “thông minh” hơn, cho thuê nhà công vụ để hàng tháng đều đặn lĩnh thêm một khoản tiền “trời cho” lớn hơn gấp nhiều lần tiền lương.
Vô hình trung, chính sách nhà công vụ của chúng ta đã tạo ra sự bất bình đẳng, bất công bằng giữa cán bộ lãnh đạo, quản lý với nhau, giữa cán bộ lãnh đạo quản lý ở Trung ương và địa phương trong hệ thống chính trị.
Nhà công vụ, biệt thự công thường tọa lạc ở những vị trí đắc địa, trên những mảnh đất vàng, đất ngọc, mỗi mét vuông trị giá hàng trăm triệu đồng, song nhiều tòa nhà đã bị chia nhỏ, cơi nới, chắp vá, biến dạng, thiếu thẩm mỹ, phá vỡ kiến trúc không gian và kiến trúc đô thị, biến biệt thự công, nhà công vụ thành chung cư gia đình của nhiều thế hệ. Có biệt thự công nằm trong vùng lõi của di sản văn hóa thế giới, chủ sử dụng đã mất từ nhiều năm, nhưng cho đến nay vẫn không giải tỏa nổi.
Nếu Chính phủ có giải pháp quản lý, sử dụng đúng mục đích, bố trí hợp lý quỹ đất, hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn nhà công vụ sử dụng sai mục đích có thể thu hồi, bán đấu giá hoặc cho thuê, sẽ ngày ngày “đẻ trứng vàng” cho ngân sách nhà nước.
Đồng thời, với việc kiên quyết cắt giảm hàng trăm công trình dự án chưa cần thiết hoặc điều chỉnh hàng nghìn công trình quá hoành tráng và chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản, chúng ta sẽ có thêm hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách, là nguồn quan trọng để đầu tư phát triển và cải cách tiền lương mà theo lộ trình, chúng ta đã lỗi hẹn với cử tri hơn 2 năm qua chỉ vì thiếu nguồn!
Có lẽ đã đến lúc nên nhận dạng và đưa vào Bộ luật Hình sự một tội danh tham nhũng mới, đó là tham nhũng nhà công vụ!
Không chỉ “tắm từ vai trở xuống”!
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến nói:
Chúng ta lên án và xử lý rất nghiêm khắc một số cán bộ, công chức nhận “lót tay”, nhận quà biếu trị giá vài trăm nghìn hoặc vài triệu đồng, nhưng từ trước tới nay, chúng ta chưa xử ai “tham nhũng nhà công vụ” với trị giá nhiều tỷ đồng.
Tại Hội nghị Đại biểu chuyên trách, có đại biểu cho rằng, cán bộ lãnh đạo quản lý là “tài sản quốc gia” cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt. Tôi tán thành quan điểm này, tuy nhiên, theo tôi nhà công vụ, biệt thự công cũng là tài sản quốc gia, không thể để “tài sản quốc gia” này chiếm đoạt tài sản quốc gia khác!
“Tôi xin kiến nghị: Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, y bác sĩ, lực lượng vũ trang, những người được điều động, luân chuyển hoặc tự nguyện đến công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn…
Song song với việc cần có chế tài nghiêm khắc như cưỡng chế, công khai danh tính, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự đối với những người cố tình chiếm đoạt tài sản nhà nước, trong đó có việc chiếm đoạt nhà công vụ, như thế công cuộc phòng chống tham nhũng mới thiết thực, có hiệu quả và sẽ xóa được hoài nghi là chúng ta chỉ “tắm từ vai trở xuống”!
Vấn đề này tôi xin đề nghị bộ trưởng Bộ Xây dựng và Tổng thanh tra chính phủ cùng chia sẻ.
Theo Tiền phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo