Phân tích

Tham vọng độc quyền thương mại điện tử của Alibaba

Tập đoàn Alibaba đang lập kế hoạch cách mạng hóa ngành công nghiệp bán lẻ của Trung Quốc bằng cách đầu tư 16 tỷ USD vào dịch vụ hỗ trợ và hậu cần thương mại điện tử đến năm 2020. Dự án này sẽ mở ra thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc và mang lại cơ hội tiếp cận hàng trăm triệu khách hàng tiềm năng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này

 Thị trường tiềm năng

Cùng với khoảng 15 tỷ USD ngân sách từ một IPO, Alibaba và các đối tác như các công ty dịch vụ giao hàng và bảo hiểm nhân thọ sẽ bơm tiền vào cải tạo các chuỗi cung ứng mong manh của Trung Quốc và nâng cấp các trung tâm dữ liệu mới để xử lý và lưu trữ thông tin của người tiêu dùng.

 

Tập đoàn Alibaba đã đầu tư 16 tỷ USD vào các dịch vụ hỗ trợ và hậu cần thương mại điện tử

 

Các công ty lớn như GOME Electrical Appliances, Haier Electronics Group Co và Chow Tai Fook Jewellery Group đã ra nhập thị trường thương mại điện tử này của Alibaba. 

Giám đốc điều hành Jonathan Lu cho biết Alibaba đặt kế hoạch tăng gấp ba lần khối lượng giao dịch trên thị trường thương mại điện tử của mình. Doanh thu của Alibaba dự kiến đạt khoảng 3 nghìn tỷ nhân dân tệ (490 tỷ USD) vào năm 2016, vượt qua Wal-Mart Stores Inc để trở thành mạng lưới bán lẻ lớn nhất thế giới.

Và thông điệp gửi đến các nhà bán lẻ từ trụ sở chính ở Hàng Châu rất đơn giản: Thích ứng hoặc diệt vong.

"Các công ty kinh doanh theo hình thức cũ không sẵn sàng chuyển đổi sẽ bị xóa sổ bởi sự cạnh tranh", Zeng Ming - Giám đốc chiến lược của Alibaba, cho biết.

Các nhà phân tích dự đoán thị trường thương mại điện tử sẽ chiếm 1/5 tổng doanh số bán lẻ ở Trung Quốc trong vòng 4 năm tới.

Boaz Rottenberg, Giám đốc điều hành của Maverick nhận định: "Đây là thị trường lớn nhất, có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và doanh thu bán lẻ nhiều nhất".

Tham vọng thống trị

Bằng cách sử dụng dữ liệu để đánh giá cung cầu, Alibaba lên kế hoạch xác định đối tượng đầu tư và phương thức tốt nhất để vận chuyển hàng hóa giao dịch từ thị trường trực tuyến của Taobao và Tmall tới khách hàng.

Với dịch vụ hậu cần và nguồn cơ sở dữ liệu khổng lồ, Alibaba có tham vọng cung cấp sản phẩm nhanh hơn, tới nhiều khách hàng hơn bất kỳ đối thủ nào. Tập đoàn này cũng đang tạo ra một mạng lưới các dịch vụ tài chính để hỗ trợ cho thương mại trực tuyến, thông qua đó người mua có thể trả tiền mua hàng, và các công ty và doanh nhân có thể vay vốn.

"Alibaba có trách nhiệm phát triển thị trường thương mại điện tử. Bằng cách xây dựng hậu cần và hệ thống hỗ trợ, đây chính là cách mà Alibaba chuyển đổi toàn bộ ngành công nghiệp bán lẻ của Trung Quốc," Praveen Sengar, chuyên gia phân tích của Gartner, nói.

Trong vòng 14 năm, Tập đoàn này của tỷ phú Jack Ma đã cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài để thống trị ngành thương mại điện tử của Trung Quốc, và hiện đang kiểm soát hơn 3/4 thị trường trực tuyến được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 32%/năm đến năm 2015. Với gần một nửa dân số sử dụng dịch vụ online, đây là một thị trường có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. 

Dịch vụ toàn diện

Để mở rộng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của riêng mình, Alibaba đã làm nhiều hơn ngoài hoạt động thương mại điện tử.

Thông qua một loạt các sản phẩm, khách hàng có thể trả tiền mua hàng trực tuyến và gửi tiết kiệm thông qua AliPay, doanh nghiệp có thể vay tiền, và các công ty và chính quyền địa phương có thể lưu trữ dữ liệu trên các dịch vụ điện toán đám mây của Alibaba.

Alibaba cũng cung cấp công cụ tìm kiếm mua sắm trực tuyến, một hệ điều hành điện thoại di động, các thiết bị hỗ trợ phát TV qua Internet, dịch vụ bản đồ số, và có 18% cổ phần trong Sina Weibo, mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc hiện nay.

Các dữ liệu từ các doanh nghiệp rất quan trọng đối với Alibaba. Ông Zeng cho biết: "Chúng tôi có cách nhìn độc đáo về cách tận dụng sức mạnh của công nghệ để thực sự thúc đẩy chuyển đổi kinh tế ở Trung Quốc". Hiện nay, Alibaba có ba trung tâm dữ liệu tại Trung Quốc, và có thể xử lý hơn 1 petabyte dữ liệu trong một ngày - gấp ba lần khả năng lưu trữ ADN của toàn bộ dân số Mỹ.

Dương Hương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo