Thận trọng, cảnh giác với đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam
Trong hai thập niên vừa qua kinh tế Việt Nam lệ thuộc xấu vào Trung Quốc. Chính sách trải thảm đỏ ưu đãi đầu tư Trung Quốc có thể tạo nên những nguy cơ về an ninh quốc phòng. Hiện nay, tình hình trên biển đang nóng lên từng ngày nên càng phải thận trọng, cảnh giác.
Theo hồ sơ “Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020” và “Kế hoạch sử dụng đất 2011- 2015” đối với đất quốc phòng và an ninh, quy hoạch đất dành cho 2 lĩnh vực này đều tăng, với quốc phòng có 278 ngàn ha, tăng 87 ngàn ha so với năm 2010. Đất an ninh có 55,6 ngàn ha, đạt 71,25%, so với chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015.
Không chỉ ồ ạt thu gom nông sản, người Trung Quốc còn núp bóng dân địa phương thuê lại đất để làm nông nghiệp, rồng rừng, nuôi trồng thủy sản tại các khu vực ven biển... Đáng chú ý là hầu hết diện tích cho thuê đều nằm ở vị trí, khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh, có khu vực là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, quân cảng, cảng nước sâu...
Theo thông tin, tới năm 2013 diện tích đất cho thuê là hơn 300.000 ha. Bộ trưởng bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, thực tế cho thuê dài hạn là 15.664 ha. Tuy nhiên, Ủy ban An ninh Quốc phòng cho biết, toàn quốc có 19 dự án nước ngoài được cấp phép ở trồng rừng ở 18 tỉnh với diện tích trên 398.374 ha chứ không phải 305.353ha như bộ báo cáo.
Từ năm 2010, 8 tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương... đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50-70 năm) để trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 300 ngàn ha, trong đó doanh nghiệp từ Hồng Kông, Đài Loan - Trung Quốc chiếm trên 264 ngàn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.
|
Trung Quốc hiện đang "dọn dẹp" các công trình có yếu tố nước ngoài ở quanh các cơ sở quân sự (Ảnh: Căn cứ tàu ngầm Trung Quốc ở vịnh Á Long - Tam Á - Hải Nam) |
Các doanh nghiệp Trung Quốc được ưu đãi đến mức độ không còn gì để ưu đãi hơn, trong khi người Việt lại đang thiếu việc làm, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng không sử dụng lao động là người Việt Nam mà lén lút đưa lao động phổ thông từ nước họ sang. Đây là chủ trương lớn của Trung Quốc nhằm khuyến khích đưa người Trung Quốc ra nước ngoài sinh sống.
Tướng Đồng Sỹ Nguyên đã từng đặt câu hỏi, vì sao các doanh nghiệp nước ngoài lại chọn thuê đất chủ yếu ở các tỉnh khu vực biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, đặc biệt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nơi có trục đường 7, đường 8 sang Lào, đường đi lên Tây Nguyên? Rõ ràng đó là những tỉnh xung yếu biên giới, là những vị trí địa chiến lược quan trọng.
Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên Tùy viên quân sự Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã từng phân tích: "Trung Quốc rất giỏi trong việc xâm chiếm bằng cách làm đường. Làm đường đến đâu xâm chiếm đến đấy, di dân đến đấy. Họ mưu tính làm một con đường suốt từ Vân Nam đi dọc Lào xuống tới tận Tây Nguyên, mà ở đoạn cuối Tây Nguyên thì Campuchia và Lào cho họ thuê đất tới 55 năm. Như vậy cả khu vực sẽ gần như là đất của họ...”.
Đứng về chiến lược quân sự, đó là những con đường cơ động chiến lược và cơ động chiến dịch. Về kinh tế thì có thể khống chế được toàn bộ các hành lang quan trọng của bán đảo Đông Dương. Họ đầu tư lớn, xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường là nhằm mục đích phục vụ chiến lược “tràn ngập Đông dương” của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã đầu tư giúp Lào xây dựng con đường quốc lộ chạy dọc từ biên giới Trung-Lào (bắc Lào) đến nam Lào, ngang khu vực miền trung Việt Nam - đoạn hẹp nhất của nước ta với chiều ngang chạy từ tây (Lào) sang đông (biển Đông) vẻn vẹn có 50km, đặc biệt có liên quan mật thiết đến đặc khu kinh tế Vũng Áng.
|
Vị trí chiến lược của cảng Vũng Áng ở miền trung nước ta (đường nối từ cảng Vũng Áng sang căn cứ tàu ngầm Tam Á) |
Khu kinh tế Vũng Áng có diện tích 227,81 km2, chạy dọc bờ biển Hà Tĩnh dài 15-17 km, có tổng vốn đầu tư vào loại lớn nhất nước, ước khoảng 20-30 tỷ USD. Thời gian cho Trung Quốc thuê đất quá dài đến 70 năm.
Về phía đông, Vũng Áng nằm đối diện và cách đảo Hải Nam-Trung Quốc vẻn vẹn vài trăm km. Về phía tây, từ cảng Vũng Áng đi qua Lào chỉ có 50km (khu vực có con đường chiến lược do Trung Quốc xây dựng, đồng thời di dân sang ở và phục vụ làm đường). Kết nối con đường này với Vũng Áng, Tam Á là rất nguy hiểm.
Thuê Khu kinh tế Vũng Áng trong 70 năm, Trung Quốc có thể biến nó thành một “Tiểu quốc gia trong quốc gia” khi xây tường bao xung quanh, người Việt không thể vào được, tạo ra một tiền lệ nguy hiểm rằng, ở chỗ nào người Trung Quốc đầu tư, thì người Việt “cấm cửa” không được vào.
Điều này không phải không có cơ sở khi tướng Đồng Sĩ Nguyên cũng đã "thực mục sở thị" điều này. Ông từng kể lại, mình đã trực tiếp đến kiểm tra một cơ sở nước ngoài ở Đồ Sơn, xung quanh khu vực đó, họ đóng những cột mốc to như cột mốc biên giới và không cho người Việt vào đó. Cận vệ của ông tiếp cận xin vào họ cũng không cho, đến khi ông trực tiếp xuống xe, làm căng quá mới vào được.
|
Sân golf Vĩnh Thuận chạy dài 3km dọc bãi biển có thể là một bãi đổ bộ lí tưởng |
Một ví dụ khác là những cơ sở đầu tư của Trung Quốc ở thành phố địa đầu Móng Cái - Quảng Ninh, trong đó nổi bật nhất là sân golf ở mũi Trà Vĩ dọc bãi biển Trà Cổ và dãy ki-ốt, siêu thị Trung Quốc ở cạnh của khẩu tiểu ngạch Ka Long. Một địa điểm quan trọng cho an ninh quốc phòng vùng Đông Bắc.
Dọc khu vực sông Ka Long, hai vị trí đẹp nhất đã được các công ty, tập đoàn lớn của Trung Quốc đầu tư, nổi bật nhất là Công ty Hồng Vận và Công ty Liên doanh Hải Ninh - Lợi Lai. 2 công ty này được thuê đất 50 năm với nhiều loại hình kinh doanh như sàn nhảy, sòng bạc (dành cho người nước ngoài), khách sạn, dịch vụ, cửa hàng đồ ăn Trung Quốc...
Sân golf quốc tế Móng Cái - một sân golf 18 lỗ hiện đại khánh thành năm 2009 ở mũi Sa Vĩ, chủ đầu tư là Công ty Liên doanh Vĩnh Thuận, có sự góp vốn đầu tư của Công ty Hải Ninh - Lợi Lai. Vĩnh Thuận được ưu đãi thuê đất 50 năm với phạm vi kinh doanh đa dạng như kinh doanh sân golf 18 lỗ, khu vui chơi giải trí...
Suốt dọc 3km bờ biển, sân golf này tựa như một “căn cứ quân sự” khi họ cho trồng phi lao, cây gai xung quanh, bên ngoài hàng cây là bờ rào thép gai giăng tứ phía.
|
Sân golf Vĩnh Thuận được rào chắn kín mít tựa như một “căn cứ hải quân”, chỉ trong nhìn ra được chứ ngoài nhìn vào thì không thể. |
Hàng loạt các cơ sở kinh tế lớn cùng hàng trăm kho bãi của các công ty Trung Quốc chạy dọc bờ sông Ka Long - Móng Cái. Có ai kiểm tra được hết hàng hóa trong đó có những gì?
Sự phát triển mạnh của kinh tế Việt Nam trong vòng vài chục năm tới đòi hỏi chúng ta sẽ phải có sự điều chỉnh quy hoạch chiến lược về trọng điểm kinh tế và an ninh quốc phòng.
Ví dụ như một mai lực lượng tàu nổi và tàu ngầm của hải quân Việt Nam trở lên đông đảo, đòi hỏi phải có những căn cứ hải quân mới hoặc các căn cứ dự bị, nếu muốn sử dụng cảng nước sâu ở Vũng Áng thì sao? Dù có đòi lại được thì có yên tâm xây dựng căn cứ hải quân ở đây không, khi Trung Quốc đã nắm rõ mực nước, luồng lạch, thậm chí ai biết họ thả cái gì đó xuống đáy biển?
Công tác quản lý địa bàn của các cơ quan chức năng địa phương cũng rất lỏng lẻo để mặc người Trung Quốc vào đầu tư làm ăn hàng năm trời tại các địa bàn trọng yếu. Điển hình trong số này là vụ việc dân Trung Quốc nuôi tôm hàng năm trời ở cảng Cam Ranh mà các cơ quan chức năng thành phố này không hề biết, trong khi đó dân mình vừa làm gì là họ biết ngay.
|
Lồng nuôi thuỉy sản của dân Trung Quốc ở cảng Cam Ranh |
Bè nuôi cá của người Trung Quốc nằm cách cảng Cam Ranh khoảng 300m về phía đông, có những ngôi nhà lợp tôn được thiết kế kiên cố, mỗi bè rộng khoảng 100m2, có hàng chục lồng nuôi cá được kết với nhau. Những bè cá của người Trung Quốc thuộc dạng lớn không nhất thì cũng nhì ở đây. Hàng ngày họ thường xuyên ra vào khu vực này và các địa bàn lân cận để thu mua tôm, cá nhỏ trong dân.
Hầu như ngư dân và người buôn bán nào ở gần cảng Cam Ranh cũng biết các đìa cũng như lồng bè nuôi cá, tôm của người Trung Quốc. Họ còn cho biết có những người Trung Quốc đã ở đây hàng chục năm, thậm chí còn đưa tàu sắt hàng trăm tấn mang tên Việt Điện Bạch 8366 (tàu đăng ký thuộc thành phố Điện Bạch, tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc) sang.
Tàu cá này thường xuyên ra vào khu vực gần cảng Cam Ranh để chở hải sản đi tiêu thụ, chỉ đến khi sự việc này được đưa lên mặt báo các cơ quan chức năng thành phố Cam Ranh và tỉnh Khánh Hòa mới biết.
|
Một hầm chứa máy bay trong lòng núi của không quân Trung Quốc |
Trên thực tế, vấn đề người nước ngoài hoạt động trên vịnh Cam Ranh được quản lý rất chặt chẽ. Bản thân ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa đã từng chứng kiến khi đưa một chuyên gia người Đan Mạch là nhà tài trợ cho dự án nâng cao năng lực của Hội Nghề cá Khánh Hòa, đi thăm một mô hình nuôi tôm hùm lồng trên vịnh.
Vừa ra đến lồng, Bộ đội Biên phòng đã có mặt kiểm tra ngay. Đoàn của ông phải nhờ Giám đốc Sở NN&PTNT can thiệp nhưng vẫn phải về Đồn Biên phòng để tường trình rằng ra lồng bè không có mục đích gì khác. Quản lý chặt chẽ như vậy mà để lọt thương lái và người nuôi tôm Trung Quốc hoạt động lâu năm trên vịnh Cam Ranh thì quả thực là khó hiểu.
|
Tàu ngầm Kilo Việt Nam |
Thời gian qua, Trung Quốc cũng đã chủ động “dọn dẹp” các công trình có yếu tố nước ngoài xung quanh các công trình quốc phòng, đặc biệt là các căn cứ hải quân, sân bay quân sự…, đồng thời sửa đổi “Luật bảo vệ công trình quân sự”, đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc lần thứ 12.
Bộ tổng tham mưu quân giải phóng nhân dân Trung Quốc cùng các cơ cấu trung ương và các ban ngành có liên quan của quân đội nước này đã tổ chức “Tổ kiểm tra liên ngành”, tiến hành rà soát việc chấp hành luật bảo vệ công trình quân sự tại hơn 20 tỉnh thành và khu vực. Sau sự kiện này, ông Khương Vĩ Tân - Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Xây dựng thành thị - nông thôn Trung Quốc đã mất chức.
Kiên quyết hơn, chính phủ Trung Quốc đã bỏ ra mấy trăm triệu Tệ cho việc mua lại, phá dỡ các công trình này, bất chấp những thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế. Vậy thì những hành động người Trung Quốc tiến hành ở Việt Nam là có hoàn toàn vì mục đích kinh tế hay không?
Đã đến lúc Việt Nam cũng phải xiết chặt vấn đề gắn quốc phòng an ninh với đầu tư kinh tế nước ngoài, đặc biệt là những dự án có yếu tố Trung Quốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo