Doanh nhân

Tháng 1/2016, hơn 12.000 doanh nghiệp "nằm im bất động"

Tổng Cục thống kê thuộc (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong tháng 1 năm 2016. Theo đó, đầu năm 2016 đã có tới hơn 12.000 doanh nghiệp "nằm im bất động"...

Có 4 mức độ "kiểm tra sức khỏe" của doanh nghiệp được Tổng cục Thống kê liệt kê. Trong đó bao gồm:

1. Số doanh nghiệp giải thể

Trong tháng 1 năm 2016, có khoảng 1.338 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh. Con số này tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (chiếm 93,8%).

2. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động

Có khoảng 12.456 doanh nghiệp trong tháng gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bao gồm 5.181 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 7.275 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Nguyên nhân là do doanh nghiệp thường chọn thời điểm bắt đầu của năm tài chính (01/01) để tạm ngừng hoạt động.

Doanh nghiệp nằm im

(Ảnh minh họa)

3. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Trong tháng 01/2016, cả nước có 8.320 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 59,3 nghìn tỷ đồng, tăng 21,2% về số doanh nghiệp và tăng 87% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 7,1 tỷ đồng, tăng 54,3%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng là 124 nghìn người, tăng 19,8%.

4. Số doanh nghiệp "hồi sinh"

Trong tháng, cả nước có 4.872 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đây cũng là tháng đầu năm có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong một số năm gần đây (tháng 01/2014 có 2.375 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; tháng 01/2015 có 2.872 doanh nghiệp).

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thị trường doanh nghiệp Việt Nam đầy biến động.

Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp chết hàng loạt, phá sản theo bà Lan là quy chế, các quy định về thuế, chính sách... trong nước chưa thông thoáng, cởi mở.

Mặc dù trong những năm qua, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và đăng ký mới tăng mạnh. Song, với doanh nghiệp mới đăng ký năm trước hoạt động thì năm sau giải thể hoặc ngừng hoạt động.

"Nguyên nhân quan trọng hơn bởi những rào cản về chính sách. Đặc biệt, các DNVVN phải chịu nhiều áp lực của thủ tục hành chính phức tạp tốn kém, chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, hành lang pháp lý kém an toàn", bà Lan nhấn mạnh.

Cafebiz/Trí thức trẻ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo