Bất động sản

Tháo “vòng kim cô” để phát triển đặc khu kinh tế

Sức lan tỏa mạnh mẽ của đặc khu kinh tế (ĐKKT) trên thế giới cho thấy hiệu quả của mô hình này, và thực tế, đặc khu còn có thể làm nên điều kỳ diệu là đổi thay nhiều vùng lãnh thổ, đem về những khoản lợi nhuận khổng lồ và nâng cao vị thế cho quốc gia.

Sức lan tỏa của đặc khu kinh tế

Xuất hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 1942 tại Puerto Rico (vùng quốc hải ở phía Đông Bắc biển Caribe thuộc chủ quyền của Mỹ), mô hình khu kinh tế hiện đại (đặc khu kinh tế) đã nhanh chóng được nhân rộng tại nhiều quốc gia châu Á, điển hình như Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Phillippines, Singapore vào cuối thập kỷ 60, thế kỷ XX.

Số lượng tăng nhanh qua từng thời kỳ, đến năm 2015 đã có khoảng 4.500 khu kinh tế tại 140 quốc gia.  cứtrung bình 4 quốc gia thì 3 nước xây dựng các khu kinh tế. Sự phát triển của các khu kinh tế góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại toàn cầu, tạo ra trên 66 triệu việc làm trực tiếp vào năm 2015.

Trung Quốc thành lập 5 ĐKKT đầu tiên là Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Dầu, Hạ Môn và đảo Hải Nam từ đầu những năm 1980, thì chỉ đến cuối thập kỷ này, đã mở rộng ra 14 thành phố ven biển. Tháng 4/2017, Trung Quốc thành lập khu mới Hùng An (thuộc tỉnh Hà Bắc) được định vị là khu kiểu mẫu về sáng tạo phát triển. Thậm chí, tại Trung Quốc đã có tiểu đặc khu bên trong các đặc khu, phát triển tới thế hệ thứ 2, 3, như khu Tiền Hải thuộc Đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Không nằm ngoài xu thế, các quốc gia trong khu vực ASEAN gần đây cũng thử nghiệm mô hình đổi mới kinh tế đã chứng minh sự thành công trên thế giới này. Năm 2009, Indonesia ban hành Luật ĐKKT,đến nay đã thành lập 10 ĐKKT ven biển. Thái Lan bắt đầu thí điểm triển khai xây dựng 5 ĐKKT vào năm 2014 và đã phát triển thêm 5 khu khác.

 “Cây đũa thần”  cho sự phát triển

ĐKKT đã chứng minh cho thế giới về tính ưu việt, thậm chí như “cây đũa thần” biến hóa những vùng đất, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của các quốc gia.

Một trong những mô hình ĐKKT kinh điển, ví như huyền thoại trên thế giới chính là Thâm Quyến (Trung Quốc). Mở cửa vào năm 1980, Thâm Quyến lúc đó chỉ là một làng chài, không có gì khác ngoài bãi cát và thuyền gỗ đơn sơ… Sau 40 năm, nơi này đã phát triển vượt bậc, trở thành một biểu tượng của đổi mới Năm 2016, GDP của Thâm Quyến đạt 294 tỉ USD, nhiều hơn cả Bồ Đào Nha hay Ireland. Hiện Thâm Quyến là bến cảng tấp nập thứ 3 thế giới, còn sàn chứng khoán ở thành phố này lớn thứ 22 toàn cầu. Tốc độ phát triển hạ tầng cơ sở của Thâm Quyến gói gọn trong khẩu hiệu: "Mỗi ngày 1 cao ốc, 3 ngày 1 đại lộ".

Tại các nước ASEAN, đảo quốc Singapore được coi là hình mẫu đi đầu và thành công bậc nhất trong xây dựng ĐKKT, với xuất phát điểm không khác gì Thâm Quyến: một làng chài nghèo, phải nhập khẩu cả nước ngọt. 9 khu thương mại tự do gắn với phát triển cảng biển trở thành động lực đưa Singapore trở thành “con rồng” châu Á. Đến 2016 thu nhập bình quân đầu người tính theo PPP đạt gần 85.000 USD. Hiện quốc đảo đã trở thành trung tâm tài chính lớn thứ 3 trên thế giới và là một trong 5 cảng biển lớn nhất thế giới. Hay quần đảo Cayman – một lãnh địa hải ngoại tự trị thuộc Vương Quốc Anh, với chính sách thông thoáng linh hoạt về  tài chính tiền tệ, du lịch và bất động sản, Cayman đã trỗi dậy trở thành một trung tâm tài chính hàng đầu, nơi thu hút các quỹ đầu tư quốc tế. Diện tích nhỏ, dân số ít, nhưng với thu nhập bình quân khoảng 47,000 CI$ (57,316 USD), người dân Cayman có mức sống cao nhất vùng biển Caribe. …

Công cuộc “cởi trói” và thử nghiệm

Sự thành công của các mô hình ĐKKT trên thế giới có mẫu số chung là xóa các rào cản phát triển; tinh gọn bộ máy quản lý, tự do hóa trên nhiều lĩnh vực; chính sách thông thoáng, đặc biệt ưu đãi và mở cửa hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Đặc khu cũng là nơi thử nghiệm các ý tưởng mới.

Thâm Quyến chẳng hạn. Đây là nơi áp dụng nhiều chính sách cải tổ kinh tế một cách thận trọng trước khi triển khai đại trà trên toàn lãnh thổ. Thời kỳ đó, thuế thu nhập doanh nghiệp ở Thâm Quyến chỉ 15%/năm trong khi tại các khu vực khác cao gấp đôi, 33%/năm. Đây cũng là nơi đầu tiên thực hiện đấu giá quyền phát triển đất, tách hoạt động thương mại ra khỏi các cơ quan nhà nước và Chính phủ, xây dựng sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên ở Trung Quốc, cải cách hệ thống giá cả…

Với định hướng đưa ĐKKT Batam trở thành điểm đến thu hút đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương, Indonesia đưa ra hàng loạt ưu đãi như: miễn thuế xuất/nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng; giảm 30% thuế TNDN trong 6 năm liên tiếp, giảm thuế thu nhập cổ tứcTheo đó, tổng vốn đổ vào Batam tính đến hết năm 2012 đạt 15,69 tỷ USD. ĐKKT Batam hiện có 22 khu công nghiệp; 900 công ty đa quốc gia đang hoạt động. Hàng năm có khoảng trên 1,2 triệu khách nước ngoài đến Batam, đưa đặc khu trở thànhmột trung tâm du lịch lớn thứ 3 Indonesia.

Một câu chuyện thành công khác ở Châu Á là đảo Jeju -Hàn Quốc, thành lập năm 2006,  lấy giáo dục, y học, công nghiệp công nghệ cao và du lịch làm đòn bẩy.hế, Chính sách về thị thực ở Jeju cực kỳ cởi mở, khách du lịch (trừ 11 quốc gia) có thể đến đảo Jeju mà không cần visa trong vòng tối đa 30 ngày với mục đích tham quan, du lịch. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư bất động sản trị giá ít nhất 500 triệu won (450.000 USD) và duy trì trong vòng 5 năm tại đảo Jeju sẽ có được “thẻ xanh” - giấy phép thường trú tại Hàn Quốc… Nhờ đó, năm 2014, lượng khách tới Jeju đạt 14 triệu lượt, với tổng doanh thu đạt gần 7 tỷ USD. Tổng sản phẩm địa phương của Jeju hiện nay đạt hơn 12 tỷ USD.

Hầu hết các quốc gia đều xây dựng luật điều chỉnh riêng áp dụng cho một số ĐKKT hoặc áp dụng riêng chỉ cho 1 đặc khu như ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Nhật Bản...

Bài học thành công khi kiến tạo đặc khu cho thấy, điều mấu chốt khi xây dựng ĐKKT là lựa chọn đúng vùng lãnh thổ có lợi thế so sánh về vị trí địa lý, thường gần cảng biển quốc tế, các tuyến giao thông quan trọng của đất nước; có nhiều tiềm năng phát triển toàn diện kinh tế-xã hội; liền kề khu vực kinh tế phát triển, có khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài và nguồn nhân lực. Và chắc chắn, mấu chốt tạo nên sức sống cho một ĐKKT không gì khác chính là cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo ra vùng xoáy hút vốn đầu tư. Ở đó nhà đầu tư được trải thảm đỏ chứ không phải chịu áp lực về các rào cản thủ tục – như những chiếc “vòng kim cô”.

Nên đọc
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo