Góc nhìn

Thay đổi về chính sách thuế: Cán bộ cũng bị "sốc"

Việc cải cách thủ tục hành chính, thay đổi chính sách thuế một cách đáng kể trong một thời gian ngắn khiến các cơ quan thuế địa phương, đặc biệt là cán bộ thuế không nắm bắt kịp, còn loay hoay chưa biết việc quản lý thuế doanh nghiệp như thế nào…

Bà Hương Vũ, Phó Tổng Giám đốc phụ trách dịch vụ thuế và tư vấn Ernst & Young Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Ernst & Young Việt Nam và Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (CFO) đã tổ chức Hội thảo Thuế 2014. Hội thảo cập nhật các văn bản, thủ tục mới về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và hóa đơn, thuế nhà thầu, hóa đơn thuế... cho các doanh nghiệp.

Bên lề hội thảo, PV đã có cuộc trao đổi với bà Hương Vũ, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ thuế và tư vấn Ernst & Young Việt Nam

PV: Bà có thể đưa ra những nhận định của mình về thay đổi của chính sách thuế trong thời gian gần đây?

Hương Vũ: Tất cả chúng ta đều phải thừa nhận là chính sách thuế thay đổi một cách đáng kể, tiếp theo Quyết định 63 của Chính phủ về đưa ra các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là Nghị định 91 và Thông tư 151, cả chính sách thuế cũng như thủ tục hành chính được cải tổ, ví dụ doanh nghiệp không phải kê khai theo quý mà chỉ kê khai theo năm, ngay tại biểu mẫu kê khai thuế các cột, hàng cũng đã đơn giản hóa rất nhiều. Như vậy thể hiện Chính phủ, thậm chí Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc cùng các bộ trưởng giảm thiểu khó khăn về thủ tục thuế một cách đáng kể.

Còn về chính sách thuế, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước thừa nhận Chính phủ đã nhìn nhận được vấn đề đầu tư mở rộng suốt từ năm 2009 tới năm 2013 không được ưu đãi thuế, cho nên bây giờ cũng tìm mọi cách để doanh nghiệp đầu tư cảm thấy tự tin trong vấn đề đầu tư mở rộng, đầu tư vào các khu công nghiệp, thì cũng đưa ra ưu đãi thuế cho các lĩnh vực đó.

PV: Theo bà, vấn đề khó khăn nhất doanh nghiệp phải đối mặt là gì?

Hương Vũ: Thực chất tham vọng của Chính phủ và các bộ ngành là rất lớn, nhưng rõ ràng chúng ta phải thừa nhận để cải cách thủ tục hành chính, thay đổi chính sách thuế một cách đáng kể trong thời gian ngắn như thế, thì các cơ quan thuế địa phương đặc biệt là cán bộ thu thuế cảm thấy sốc, vì trước đây thói quen bao nhiêu năm nay quản lý doanh nghiệp bằng tất cả các thông tin, giấy tờ, thậm chí chi tiết, kiểm tra sổ sách doanh nghiệp, được hỏi doanh nghiệp những câu hỏi khác nhau, doanh nghiệp chưa bao giờ nghĩ đến, thì bây giờ cứ hết quý người ta cũng không bảo kê khai, doanh nghiệp nộp thuế hay chưa cán bộ thuế cũng không hay biết. tự bản thân cán bộ thuế còn đang loay hoay không biết quản lý doanh nghiệp theo kiểu gì, thì đó cũng là khó khăn của Chính phủ khi thực hiện ý tưởng của mình.

Cho nên khó khăn lớn nhất là con người, là cán bộ cục thuế liệu họ có đặt mình vào hệ thống tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không. Mặt khác họ cũng lo một ngày kiểm toán nhà nước, công an vào kiểm tra thì lúc đó trách nhiệm của họ đến đâu. Cho nên họ đã đưa ra các yêu cầu, thậm chí với người nộp thuế như thế là không cần thiết, nhưng bản thân cán bộ thuế nghĩ rằng đó là cách gì đó giảm thiểu rủi ro cá nhân. Và người ta cũng không nghĩ rằng đã vô tình gây ra lỗi lớn cho hệ thống, cho nên tôi không muốn nói cán bộ thu thuế gây khó khăn cho doanh nghiệp mà vấn đề là họ muốn việc thu thuế được hơp lý nhất và đảm bảo an toàn nhất.

PV: Bà có thể chỉ ra các lỗi của doanh nghiệp mà cơ quan thuế vào kiểm tra và phạt nhiều nhất?

Hương Vũ: Khi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, có nhiều form khác nhau, từ ngữ trong form mẫu nhiều khi khó phân biệt được, với những kế toán có kinh nghiệm thì điền rất đúng, nhưng với kế toán ít kinh nghiệm thì sẽ điền nhầm, và ngay lập tức cơ quan thuế yêu cầu điền lại, phạt vi phạm hành chính thì liệu rằng phạt đấy có hợp lý hay không?

Tôi thấy có những doanh nghiệp mặc dù được truyền thông rất nhiều là hiện toàn bộ đất nước vào cuộc để cắt giảm thời lượng kê khai thuế, thủ tục hành chính trong khi đó cán bộ thuế vẫn yêu cầu biểu mẫu văn bản pháp quy không yêu cầu.
Thế nhưng khi hỏi đến bản thân cục thuế cũng nói rằng đấy là cái để họ kiểm tra đúng đối tượng nộp thuế. Hầu hết phạt vi phạm hành chính là xảy ra khá nhiều, có lẽ cán bộ thuế cần xem xét lại vi phạm hành chính đó có cần thiết hay không.

PV: Chủ trương của Chính phủ là cắt giảm xuống mức 171 giờ vào năm 2015, theo bà liệu các thủ tục cải cách này có giảm, chấn chỉnh được để giúp doanh nghiệp không?

Hương Vũ: Tại thời điểm này, tôi cũng không thể nói có có thể đạt được hay không, một mặt nào đó tôi nhìn thấy cơ sở để đạt được, vì rõ ràng Thủ tướng, các bộ ngành sẵn sang đối thoại với doanh nghiệp, tới tận cục thuế địa phương để đưa ra thông điệp này thì đó là cơ sở rất thuận tiện để đạt được mong đợi.

Thế nhưng bên cạnh đó, đây là vấn đề hệ thống, quản lý về con người cho nên khó có thể đạt được, nếu mỗi cán bộ thuế không có ý thức mỗi lần giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp dựa trên tinh thần tháo gỡ cho doanh nghiệp.

PV: Một số doanh nghiệp trong ngành dệt may và một số lĩnh vực khác do trước đây tham gia WTO có một số quy định, rào cản không được ưu đãi. Thông tư 151 đã hướng dẫn nhưng doanh nghiệp chưa hiểu rõ các quy trình. Bà có thể nói rõ hơn?

Hương Vũ: Thông tư 151 đưa ra rất mở về quyền lợi cho doanh nghiệp bị hạn chế về ưu đãi thuế khi gia nhập WTO năm 2007, ví dụ như doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp khác nữa hết 2012 không còn ưu đãi nữa.
Trước đây có đưa ra quy định có thể chọn ưu đãi theo các văn bản pháp quy khác nhau nhưng phải chọn đồng bộ, đồng thời, nghĩa là nếu chọn địa bàn thì không được chọn theo ngành nghề nhưng Thông tư 151 cho phép có thể kết hợp ưu đãi đồng bộ cả theo địa bàn, ngành nghề.

Thông tư 151 còn quy định trong trường hợp chọn không đồng bộ, không đồng thời mà đã quyết toán rồi thì hoàn toàn có thể quyết toán lại thay vì sửa đổi tờ khai, trong trường hợp lựa chọn ưu đãi tốt hơn thì được hoàn lại số thuế đã trả quá. Tôi nghĩ đó là khích lệ thực sự đối với doanh nghiệp dệt may nhưng vì khi gia nhập WTO mà bị hạn chế.

PV: Với quy định mở như thế thì ưu đãi tương tự với ngành nghề đầu tư máy móc công nghệ cao là như thế nào, thưa bà?

Hương Vũ: Đối với doanh nghiệp đầu tư lớn và có công nghệ cao có thể trả được ưu đãi 10% đến 30 năm, nhưng thực chất định nghĩa công nghệ cao khó có thể đạt được với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn.

Vì một trong các tiêu chí của công nghệ cao là cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ từ đai học trỏ lên phải chiếm 5% tổng số cán bộ công nhân viên, thì có những doanh nghiệp rất lớn, cán bộ công nhân viên lên tới hàng 40-50 nghìn người, thì 5% là hiếm, thực hiện công nghệ cao để đạt được ưu đãi thuế là rất khó.

Ngày 26/11 là ngày bấm nút của Quốc hội, doanh nghiệp lớn đang nín thở, khi doanh nghiệp đã đầu tư lên tới 12 nghìn tỷ thì doanh nghiệp chỉ cần Bộ Khoa học Công nghệ xác nhận công nghệ doanh nghiệp sử dụng là hợp lý để phù hợp với sản phẩm, thị trường là đã được hưởng ưu đãi thuế thu nhập 10% đến 30 năm

Tôi nghĩ đó là điều đáng khích lệ với doanh nghiệp đầu tư lớn, cơ hội để chúng ta gọi rất nhiều nhà đầu tư vào trong nước.

PV: Thông tư 78, Thông tư 39 của Bộ tài chính quy định doanh nghiệp khi nhận tiền tạm ứng trên hợp đồng thì phải nộp thuế giá trị gia tăng thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo bà, quy định đó tạo rào cản gì với doanh nghiệp tư vấn dịch vụ?

Hương Vũ: Phải đọc lại Thông tư 78, 39 một cách kỹ lưỡng hơn, cái gì cũng có đạo lý chứ không cứ là công ty dịch vụ hay công ty sản xuất. Theo tôi phải định nghĩa tiền tạm ứng là gì? Phải nhìn xem nếu tạm ứng và không bồi hoàn thì trong hoàn cảnh nào doanh nghiệp cũng mất tiền tạm ứng, và lúc đó sẽ trở thành doanh thu của công ty nhận tạm ứng, mà đã vậy thì phải ghi nhận là doanh số và phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp, trả thuế giá trị gia tăng.

Thế nhưng trong trường hợp phần tiền tạm ứng đó không phải doanh số, gọi là ghi trên bảng tổng kết tài sản thì chưa phải là doanh số, còn khi nào thực hiện dịch vụ mới coi là doanh số thì lúc bấy giờ chúng tôi mới trả thuế. Khi tạm ứng không phải trả thuế, cái đó rất rõ rồi.

PV: Tuy nhiên hiện nay cũng vì nhiều lý do doanh nghiệp không nắm bắt được và không lấy lại được số tiền đó, bà đánh giá ra sao?

Hương Vũ: Tiền tạm ứng nhiều khi là tạm ứng để thực hiện hợp đồng, khi hợp đồng không thực hiện được thì phải trả lại tiền đó, nếu cơ quan thuế cứ coi tiền tạm ứng là phải trả thuế thì theo đạo lý thuế là không hợp lý.

Tôi cho rằng nếu doanh nghiệp nào ở vào tình trạng đó phải trình bày rõ hơn để cơ quan thuế hiểu rõ vì nhiều khi người trả thuế cũng không làm cho cơ quan thuế hiểu được bản chất của hợp đồng nên cơ quan thuế không thể đưa ra nghĩa vụ thuế xác đáng.

Theo tôi ở đây là lỗi của cả 2 bên, trong trường hợp cơ quan thuế chưa đúng thì doanh nghiệp tìm đến chính sách của Bộ tài chính, Tổng cục thuế để tham vấn thêm. Hiện nay hai đơn vị này có những chính sách rất mở để doanh nghiệp tham vấn và giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn bà!

Đoàn Huế (ghi)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo