Thầy thuốc gần dân
Cách đây đúng 60 năm, ngày 27-2 năm 1955, Bác Hồ kính yêu đã viết thư gửi Hội nghị Cán bộ ngành y tế dành cho những lời dạy quý báu và kể từ đó 27-2 trở thành "Ngày Thầy thuốc Việt Nam”, ngày tôn vinh các y, bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành y tế.
Đây là dịp để nhiều vị lãnh đạo và nhân dân cả nước bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn, gửi lời chúc mừng nồng nhiệt, thắm thiết nhất của mình đến những y, bác sĩ, những người phục vụ trong ngành y tế đã giữ gìn truyền thống như lời Bác Hồ dạy: "Thầy thuốc như mẹ hiền", góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Gần một phần ba bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị Cán bộ y tế năm 1955 dành để nói về lòng thương yêu người bệnh. "Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. "Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng” - Bác viết.
Chính lòng thương yêu người bệnh như lời Bác dạy là một trong những lý do cốt yếu mà nghề thầy thuốc được xã hội đặc biệt coi trọng, tôn vinh. Và đứng sau các bác sĩ, âm thầm góp phần cứu sống hàng nghìn bệnh nhân trong cơn hoạn nạn là lực lượng Y xã hội, được ví như nhịp cầu yêu thương nối lòng từ bi của cộng đồng với những bệnh nhân nghèo khó bất hạnh, quyết gắng không để bệnh nhân đầu hàng số phận chỉ vì nghèo.
Đúng như Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói khi tới thăm chúc mừng lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Bộ Y tế, Cục Quân y – Bộ Quốc phòng, là trong thành công của đất nước ngày hôm nay có đóng góp vô cùng to lớn của đội ngũ cán bộ ngành y tế, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực.
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển ngành y tế cách mạng Việt Nam và 60 năm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, ngành y tế nước ta đã không ngừng phát triển, ngày càng lớn mạnh, được Liên Hợp Quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ về y tế. Đội ngũ thầy thuốc nước ta phát triển không ngừng, năng lực ngày một nâng cao, trình độ của nhiều chuyên gia trong nước đã sánh ngang khu vực và vươn tầm ra thế giới. Và đội ngũ cán bộ quản lý, y bác sĩ ngành y tế vẫn đang nỗ lực để tìm kiếm nhiều giải pháp hoàn thiện mình cả về chất lượng chuyên môn và y đức.
Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết Nguyên đán và các đợt nghỉ lễ dài ngày, các y bác sĩ ở Khoa chấn thương chỉnh hình, nhiều bệnh viện lại có những ngày làm việc căng thẳng để cứu chữa các nạn nhân bị tai nạn thương tích. Năm nay cũng vậy, 9 ngày nghỉ Tết là 9 ngày làm việc hết mình không ngơi nghỉ của các bác sĩ trong Khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc, khi số người bị tai nạn giao thông gia tăng đáng kể.
Càng không thể không nói tới sự đóng góp thầm lặng của những chiến sĩ áo trắng nơi đảo xa đang góp phần hiện thực hoá Đề án "Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” đạt mục tiêu đề ra. Công tác xa đất liền đối mặt với bao khó khăn nhưng tập thể y, bác sĩ, Trung tâm Y tế Quân - Dân y Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi luôn hoàn thành nhiệm vụ chăm lo tốt sức khoẻ cho quân và dân trên đảo. Ở đây có bác sĩ Phạm Công Danh sinh ra và lớn lên trên đảo Lý Sơn, tốt nghiệp trường Y anh trở về quê hương công tác đến nay đã có hơn 22 năm gắn bó với Trung tâm Y tế Quân - Dân y trên đảo. "Ngay từ bé tôi mơ ước lớn trở thành người thầy thuốc. Ngày xưa cha ông ta có những người đã đi ra Hoàng Sa cắm mốc biên cương, giữ đảo, còn mình là những người con thế hệ sau này, không ra biển khơi được thì mình nguyện ở đây bảo vệ sức khoẻ, chăm lo cứu giúp những con người giữ đảo, những người nơi đầu sóng, ngọn gió vất vả như thế này” - bác sĩ Danh nói.
Đúng là phải có lòng yêu nghề tha thiết mới vượt qua hết những khó khăn ở bệnh viện cũng như trong cuộc sống. Nếu điều mà nhiều thầy thuốc mong muốn người dân hiểu về ngành y, hiểu rằng đội ngũ y tế đang ngày đêm phục vụ cho người dân và chỉ như thế thôi cũng đủ tạo động lực cho họ làm việc, thì không ít người bệnh lại chỉ mong đội ngũ bác sĩ nhân viên y tế cảm thông hơn nỗi khổ trăm bề mỗi khi vào viện, đau thể xác, yếu tinh thần, có thể còn khó khăn hơn vì nghèo khó.
Xích lại gần nhau, để bác sĩ hiểu dân hơn và ngược lại, chính là phương châm cần thiết của ngành y tế đang dần mạnh lên về khoa học - công nghệ, về phương pháp hiện đại trị bệnh cứu người.
Ngành y tế với việc thiết lập đường dây nóng ở các cơ sở y tế, đổi mới công tác truyền thông, đang nỗ lực để tìm kiếm cơ hội lắng nghe tiếng nói của người dân, người bệnh nhiều hơn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa chia sẻ thành tựu đáng ghi nhớ nhất năm qua của ngành là những nỗ lực giảm tải bệnh viện và đẩy mạnh hoạt động của đường dây nóng với ba cấp: cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương, để lắng nghe, ghi nhận, giải quyết những thắc mắc, phàn nàn của người dân kịp thời hơn, đa dạng hơn, từ thái độ quy trình khám chữa bệnh tới những bức xúc của người dân, lời ngợi khen của dân với ngành.
Hơn bao giờ hết, các cơ sở y tế trong cơ chế thị trường và hội nhập, nếu lơ đãng bỏ quên y đức, buông lỏng kiểm tra giám sát, sẽ trở thành một doanh nghiệp lạnh lùng tính toán lãnh đủ mặt trái của thị trường, như liên doanh liên kết máy móc trang thiết bị y tế không tốt, gian lận thương mại… Điều này tạo nên sự quá tải mất lòng tin rất lớn trong tâm lý người bệnh. Đó là một thách thức không nhỏ, và chỉ khi Bộ Y tế chủ động cung cấp thông tin với báo chí như thời gian gần đây, không những Bộ nhận được sự đồng lòng, đồng cảm, mà ý thức giám sát của xã hội cũng nâng lên rõ rệt.
Những giao lưu trực tuyến với ngành ở nhiều cấp độ, cũng khiến cộng đồng có thêm cơ hội biết và hiểu hơn những khó khăn, những chuyển biến không ngừng của ngành đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao, ngày càng đa dạng về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Chính tinh thần cởi mở, cầu thị đầy thiện chí xây dựng đó từ cấp lãnh đạo, đang có sức lan tỏa lớn tới toàn ngành, tới ý thức của mỗi y bác sĩ nhân viên y tế, hãy gần dân hơn, chia sẻ và cảm thông nhiều hơn. Tốc độ cải cách quy trình khám chữa bệnh nhanh gọn giản tiện đang tăng lên.
Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp, phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ, mỗi bên bệnh nhân – thầy thuốc đều có những tâm tư riêng, những nhu cầu sống còn và cả những định nghĩa về y đức, một sự hiểu biết để gần với nhau, chia sẻ quan điểm của nhau luôn là tối cần thiết, sẽ lành mạnh hơn lên hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, mang lại sự hài lòng cho người dân, góp phần làm cho đất nước ta trở thành nơi đáng sống hơn.
Theo Đại đoàn kết
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo