Doanh nhân

Thế kỷ 21: Con vua sẽ lại làm vua?

Những người chỉ đơn thuần kiếm sống bằng sức lao động, có nguy cơ sẽ bị phần còn lại ngày càng bỏ xa trên bảng so sánh thu nhập.

 

Ông sếp đi xe gì?

Có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi thế này: vì sao ông sếp của bạn có thể đi chiếc xe hơi mà với thu nhập suốt đời của mình, bạn sẽ chẳng thể nào mua được?

Nếu người khác nói với bạn, sếp là người giàu có còn bạn thì không là bởi ông ấy tài giỏi hơn, ở vị trí cấp cao hơn và năng suất lao động cao hơn. Điều đó có thể đúng, nhưng trên thực tế nhiều ông sếp còn không tài giỏi bằng chính nhân viên của mình. 

Vì vậy, có lẽ câu trả lời trên sẽ khó thuyết phục được bạn. Nhưng giả sử, một đồng nghiệp lâu năm nói cho nhân viên mới như bạn một sự thật rằng: ông sếp của bạn chính là con trai của Tổng Giám đốc, vợ của ông ta là Giám đốc của một chi nhánh khác thuộc công ty và còn chi chít những mối quan hệ khác nữa. Giờ thì bạn đã tự tìm được ra câu trả lời cho mình nhưng có lẽ, đó là một cách hiểu cảm tính, như người nghèo vốn thường không thích kẻ giàu có.

"Tư bản trong thế kỷ 21" - một góc nhìn sâu sắc về bất bình đẳng thu nhập

 

Vượt lên cái cảm tính thông thường để nói cho thuyết phục về chuyện giàu-nghèo, về bất bình đẳng thu nhập trong xã hội, xưa nay giới nghiên cứu vẫn luôn cố gắng giải thích những bất mãn ấy của con người một cách khoa học nhất, mà chỉ số Gini hay đường cong Lorenz là những công trình tiêu biểu.

Nhưng cuốn sách mới nổi gần đây "Tư bản trong thế kỷ 21" đã tìm cách tìm câu trả lời cho vẫn đề bất bình đẳng trong thu nhập một cách tỉ mỉ nhất.

Tác giả của nó - Thomas Piketty không nói về mức lương "trên trời" của các CEO hàng đầu thế giới, trong khi những nhân viên phục vụ tại các cửa hàng ăn nhanh tại Mỹ đang còn vất vả đấu tranh cho một mức lương tối thiểu cao hơn. Piketty đã đi sâu hơn vào bất bình đẳng thu nhập - một vấn đề lớn mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng phải đối mặt và câu chuyện "ông sếp đi xe gì" vừa nói ở trên có lẽ chỉ đủ như một lớp vỏ bên ngoài.


Bằng công trình với những mô hình và số liệu được thu thập kỳ công, tác giả của "Tư bản trong thế kỷ 21" giáo sư người Pháp Thomas Piketty đã chứng minh được rằng, thu nhập từ tư bản tăng nhanh hơn nhiều so với thu nhập từ sức lao động đơn thuần. Cũng vì vậy, vai trò của tích lũy tư bản, chẳng hạn thông qua việc cho nhận lượng tài sản thừa kế khổng lồ có thể làm trầm trọng hơn bất bình đẳng trong xã hội.

Đó từng là vấn đề đã xảy ra trong quá khứ và trở thành bài học. Còn trong hiện tại thế kỷ 21, nếu không được cải thiện, bất bình đẳng sẽ làm cho thế giới không còn hòa bình như giống như thế kỷ 20 với những cuộc Thế chiến.

Theo Piketty, kể từ năm 1987, khối tài sản trên 100 triệu, 500 triệu và 1 tỷ euro trong nền kinh tế toàn cầu có tỷ suất sinh lợi khoảng 6-8%/năm, trong khi thu nhập quốc dân chỉ tăng trung bình 1,4%/năm (tỷ lệ tăng trong thu nhập từ lao động thường thấp hơn tăng trưởng kinh tế nói chung).

Có nghĩa, tỷ lệ tăng lợi nhuận từ tư bản cao gấp khoảng 5 lần tỷ lệ tăng trưởng thu nhập nói chung và như vậy, bất bình đẳng thu nhập sẽ ngày càng giãn rộng mà không có bất kỳ một hệ thống bảo hiểm, trợ cấp xã hội nào có thể khỏa lấp nổi.

Trong khi những bài học lịch sử của những cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20 là hệ quả không thể tránh khỏi từ bất bình đẳng nghiêm trọng trong thế kỷ 19 thì nhiều khả năng, thế kỷ 21 này đang lặp lại những gì đã xảy ra trong thế kỷ 19. Cụ thể, về thời điểm bất bình đẳng trở nên nghiêm trọng trong thế kỷ này, Piketty cho rằng, nếu tình trạng bất bình đẳng hiện nay tiếp diễn thì đến những năm 2040 hoặc 2050, bất bình đẳng thu nhập sẽ lên đến mức không thể chấp nhận được.

 

 

Nếu dự báo của Piketty đúng, thì chúng ta còn khoảng 26-36 năm nữa bất bình đẳng trong thế kỷ này sẽ lên đến đỉnh điểm. Còn sau đó, chắc chắn sẽ là thời kỳ đen tối nhất mà xã hội phương Tây đã từng trải như những gì được miêu tả trong cuốn "Le Père Goriot'' (được chuyển thể sang tiếng Việt với nhan đề "Lão Goriot" - NXB Hội Nhà Văn) của đại văn hào người Pháp - Balzac. Đó là thời kỳ mà "có người cố gắng, có người đánh đổi, có người còn chà đạp lên người khác và lên chính bản ngã của mình để hy vọng trở thành người thượng lưu". Đó là hiện thực tối tăm, giả dối và bị chi phối mạnh mẽ bởi đồng tiền.


Không riêng gì tiểu thuyết của Balzac, những câu chuyện xưa được kể bởi những Jane Austen, Henry James cũng được đưa vào trong "Tư bản trong thế kỷ 21", để kể về những bức bách của con người trong một xã hội bất bình đẳng cao độ và cũng để khéo léo khỏa lấp những thiếu sót về số liệu khó thu thập trong thế kỷ 19.


Nhưng vấn đề nào đi chăng nữa, con người đều phải tìm cách vượt qua. Trong rất nhiều lần bàn về bất bình đẳng, Piketty thường không quên viện dẫn những cuộc chiến - từ Cách mạng Pháp 1789 cho đến Thế chiến thứ nhất, Thế chiến thứ hai,... Nhưng Piketty không coi chiến tranh là giải pháp, mà đó là hệ quả. Đúng là sau những cuộc chiến, đã xuất hiện những thời kỳ "dị biệt" khi tích lũy tư bản giảm xuống do làn sóng quốc hữu hóa.

Giải pháp tối ưu: Đánh thuế tư bản trên quy mô toàn cầu?


Dĩ nhiên, chẳng ai muốn ngồi đợi một kịch bản tồi tệ xảy ra trong thế kỷ 21 này. Để chống lại xu hướng bất bình đẳng đang ngày càng nghiêm trọng, Piketty đã đề xuất một giải pháp chính là đánh thuế thật cao đối với tư bản và trên quy mô toàn cầu. Và tư bản được định nghĩa rộng dưới cả hai dạng vật chất và phi vật chất bao gồm: bất động sản, vốn kinh doanh, nhà xưởng, máy móc và quyền sở hữu trí tuệ.

Để chống lại xu hướng bất bình đẳng đang ngày càng trầm trọng trong thế kỷ 21, Piketty đề xuất giải pháp: đánh thuế thật cao đối với tư bản và trên quy mô toàn cầu. Tư bản được định nghĩa rộng dưới cả hai dạng vật chất và phi vật chất bao gồm: bất động sản, vốn kinh doanh, nhà xưởng, máy móc và quyền sở hữu trí tuệ.

Giải pháp đánh thuế tư bản được Paul Krugman - chủ nhân Nobel Kinh tế năm 2008 nhiệt liệt ủng hộ, trong khi nhiều ý kiến phê phán đề xuất này "ngây thơ" về mặt hoạch định chính sách, bởi chẳng dại gì một quốc gia đơn phương áp dụng để tài sản "chạy" sang các quốc gia khác, hay áp dụng biện pháp trên quy mô toàn cầu có vẻ là một nhiệm vụ bất khả thi.

Tuy nhiên, xu hướng giảm thuế khóa đang diễn ra trên diện rộng, đã làm suy yếu hệ thống thuế lũy tiến đã được kiên nhẫn xây dựng trong thế kỷ 20. Hệ thống thuế có nguy cơ sẽ suy giảm bằng cách đơn giản là bãi bỏ mọi hình thức đánh thuế lên tư bản và thu nhập. Và như vậy, sẽ chẳng còn điều gì có thể ngăn cản chủ nghĩa tư bản quay lại thời kỳ đỉnh điểm của bất bình đẳng như trong thế kỷ 19 với một số gia đình quyền lực thâu tóm của cải.

Nếu không hành động một cách quyết liệt, xu hướng gia đình dòng tộc như thế kỷ 19 tại châu Âu sẽ quay trở lại và "Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa lại quét lá đa". Người nông dân cứ vất vả làm việc còn giới địa chủ - theo cách nói của Piketty - cứ ngồi ôm "bụng phệ" và chẳng phải làm gì cả.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo