Thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng
“Mật độ bán lẻ ở VN đang ở mức độ vô cùng thấp so với các nước trong khu vực. TPHCM có 7,4 triệu dân nhưng chỉ có 625 nghìn mặt bằng bán lẻ, so sánh với kualalumpur hoặc Bangkok gấp chúng ta từ 5 đến 10 lần. Đó là một thách thức nhưng đồng thời cũng là một cơ hội để đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ với tư cách là các nhà phát triển hạ tầng”.
Nhận định trên được bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam chia sẻ với báo chí gần đây khi nói về tiềm năng và lợi thế của thị trường bán lẻ Việt Nam.
PV: Là chủ tịch hiệp hội bán lẻ Việt Nam, bà nhận định thế nào về thị trường bán lẻ Việt Nam trong năm 2013?
Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Trong thời gian vừa qua ngành kinh doanh điện tử, điện máy là ngành gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng trong đó có các doanh nghiệp hàng đầu như BigC, Kangaru, lotte, pico … Không chỉ có ngành kinh doanh điện tử, điện máy, trong năm 2013 bất chấp khó khăn, các trung tâm mua sắm lớn như Vincom, Tràng Tiền, Paksion … vẫn phát triển.
Mạng lưới các nhà phân phối bán lẻ trong đó có các thành viên của hiệp hội chúng tôi như Vinamilk, tôn Hoa Sen, May 10, Việt Tiến, Nhà Bè, Điện Quang … đều mở rông cả 2 kênh là bán lẻ chuyên nghiệp và thông qua hệ thống bán lẻ truyền thống của họ.
Tuy nhiên ngoài các thành tích trên thì chúng ta vẫn phải chuẩn bị sẵn sàng cho những cuộc cạnh tranh mới, đặc biệt đối mặt với những thách thức của thị trường mới.
PV: Bà đánh giá thế nào về thị trường bán lẻ của Việt Nam năm 2014 và trong tương lai?
Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Câu hỏi lớn cho năm 2014 và tương lai là tiềm năng của thị trường bán lẻ của chúng ta đến đâu. Để trả lời câu hỏi tiềm năng của chúng ta là thực hay là ảo, bao nhiêu phần trăm là ảo trong từng lĩnh vực, trong từng định dạng bán lẻ và hoạt động bán lẻ. Và câu hỏi thứ hai là người tiêu dung kỳ vọng gì ở lĩnh vực bán lẻ.
Về thuận lợi, thứ nhất, Việt Nam đang là một nước có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, đô thị hóa thường gắn liền với phát triển kinh tế, đây là thúc đẩy lớn đối với ngành bán lẻ VN.
Thứ hai là chúng ta là một nước có dân số trẻ, năng động, hội nhập và rất hiện đại, người tiêu dung Việt Nam là người tiêu dung trẻ. Lực lượng phụ nữ, người tiêu dung nữ, dân số nữ ở Việt Nam là những người quyết định việc mua sắm chiếm số lượng rất đông đảo. Lực lượng lao động nữ cũng là lực lượng lao động quan trọng của ngành bán lẻ, đặc biệt là bán lẻ truyền thống.
Mật độ bán lẻ và mặt bằng bán lẻ của Việt Nam cũng là một vấn đề. Mật độ bán lẻ ở VN đang ở mức độ vô cùng thấp so với các nước trong khu vực. TPHCM có 7,4 triệu dân nhưng chỉ có 625 nghìn mặt bằng bán lẻ, so sánh với kualalumpur hoặc Bangkok gấp chúng ta từ 5 đến 10 lần. Đó là một thách thức nhưng đồng thời cũng là một cơ hội để đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ với tư cách là các nhà phát triển hạ tầng.
PV: Hiện nay ở Việt Nam hình thức bán lẻ trực tuyến đang phát triển nhanh chóng, bà đánh giá thế nào về tiềm năng của hình thức bán lẻ này tại Việt Nam?Khi bán lẻ online phát triển thì hình thức bán lẻ truyền thống sẽ ra sao?
Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Ở nước ta hiện nay việc mua sắm không cần đến cửa hàng bắt đầu phát triển, chúng ta có tiềm năng nhưng còn rất nhiều rào cản. Một trong các rào cản mà hiệp hội các nhà bán lẻ VN nhận định là nền kinh tế tiền mặt. Thứ hai là bán lẻ trực tuyến có bùng nổ hay không còn phụ thuộc vào lòng tin và độ an toàn của việc thanh toán, chất lượng của hàng hóa và dịch vụ cung ứng.
Hiện nay các nhà bán lẻ kết hợp rất nhiều kênh, vừa bán lẻ qua cửa hàng, vừa bán lẻ online, vừa bán qua các hình thức bán lẻ hiện đại khác. Cho nên mặc dù bán lẻ trực tuyến phát triển nhưng xu hướng bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế và sẽ vươn lên một tầm cao mới, tiếp tục thay đổi về chất dưới áp lực cạnh tranh.
PV: Hiện nay thị trường bán lẻ VN so với thị trường bán lẻ nước ngoài chưa được cân bằng, thưa bà nguyên nhân nào dẫn đến sự mất cân bằng này?
Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Chúng ta có thể thấy có những nguyên nhân rất khách quan như các DN bán lẻ nước ngoài có tiềm lực rất mạnh về tài chính, về lực lượng lao động, họ có thương hiệu, có mạng lưới và đặc biệt là kinh nghiệm hàng chục năm hoặc có những doanh nghiệp hàng trăm năm hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Vì vậy, họ có sức mạnh rất lớn để cạnh tranh.
Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua cũng đã có những nỗ lực, học hỏi rất nhanh và có những thành công bước đầu khi chúng ta mở cửa thị trường. Chúng tôi nghĩ rằng có sự cạnh tranh lớn như vậy cũng là một điều rất tốt cho thị trường. Các doanh nghiệp VN sẽ có động lực để tự vượt qua chính mình và phát triển trong thời kỳ mới.
PV: Những giải pháp hiện nay để vượt qua kho khăn của ngành bán lẻ VN?
Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Trong tình hình khó khăn như vậy thì việc đầu tiên là phải xem lại, phải rà soát lại, để có những nghiên cứu, xem xét xu hướng phát triển, từ đó đề ra những chính sách và phương án, chiến thuật phát triển trong một thời kỳ mà chúng tôi gọi là thế giới mới, NTD mới. Vì vậy các doanh nghiệp cũng phải đổi mới để có thể đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới.
PV: Sắp tới hiệp hội có dự định gì để hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam?
Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Hiệp hội trước hết sẽ phải chủ động cùng với các thành viên định vị được xem ngành bán lẻ VN đang ở đâu và tiến về phía trước như thế nào với những sự thay đổi, với những yêu cầu của tình hình mới. Hiệp hội tiếp tục đóng vai trò là cầu nối giữa cộng đồng các nhà phân phối bán lẻ với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng các chính sách có liên quan đến phát triển ngành phân phối bán lẻ. Đồng thời hiệp hội cũng là nơi kết nối giữa các doanh nghiệp bán lẻ với các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp cung ứng và kết nối với người tiêu dung để có các hoạt động hiệu quả nhất.
Hiện tại chúng tôi vẫn tham gia tích cực vào việc điều chỉnh các hoạt động của thị trường bán lẻ. Ví dụ, hiệp hội sẽ xây dựng chính sách phát triển ngành công nghiệp bán lẻ tầm cỡ quốc gia, hiện nay chúng tôi đã xây dựng đề cương và đã gửi lên bộ Công Thương.
Thứ hai, chúng tôi cũng rất mong muốn nhà nước có các chính sách hỗ trợ cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp, các nhà phân phối bán lẻ, giúp họ mở rộng hệ thống của mình. Hiện nay có nhiều bất cập như mặt bằng bán lẻ, để tăng mặt bằng bán lẻ lên đồng thời phải có một mức giá thuê mặt bằng cho các nhà bán lẻ ở mức thích hợp hơn. Cho đến những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ đi về nông thôn, hướng về mở rộng mạng lưới bán lẻ nông thôn là một trong những hướng đi sắp tới của chúng tôi.
Như Trâm (Thực hiện)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo