Thị trường bất động sản "nhộn nhịp" nguồn vốn ngoại
Hút nguồn vốn ngoại vào Việt Nam
Cụ thể trong 2 tháng đầu năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài rót vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 312,1 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trước đó, trong năm 2017, bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (cả vốn trực tiếp FDI và góp vốn mua cổ phần), với 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đăng ký. Luỹ kế đến cuối năm 2017, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã thu hút với 53,1 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 16,7% tổng mức vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Công ty cổ phần DKRA Việt Nam cho biết, dòng vốn ngoại chảy vào thị trường bất động sản Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay chủ yếu thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Hình thức này ngày càng trở nên phổ biến, khi nó kết hợp được thế mạnh của cả hai bên.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho hay: Để có sự phát triển mạnh và bền vững, các doanh nghiệp hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn bất động sản trong nước vững mạnh lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.
Các yếu tố hỗ trợ về chính sách và pháp lý, sự phát triển của du lịch đã hỗ trợ rất nhiều trong việc nâng tầm Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư, giúp tiếp tục thu hút dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản. Trong đó, M&A sẽ còn tiếp tục đóng vai trò là một trong các kênh đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Nhật
Theo kết quả khảo sát của JETRO mới đây, có trên 65% doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam trong năm 2017 công bố có lãi, tăng 2,3% so với năm trước.
Số doanh nghiệp báo lỗ chiếm 19,4% (giảm 5,7% so với năm trước). Nếu tính theo loại hình doanh nghiệp thì trong ngành công nghiệp chế tạo, tỷ lệ các doanh nghiệp gia công xuất khẩu (EPE) thông báo có lãi là 67,5%.
Năm 2017, vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đã vượt mức kỷ lục với trên 8,6 tỷ USD. Số dự án đầu tư mới cũng ghi nhận mức tăng mạnh với 367 dự án. Bên cạnh ngành chế biến, chế tạo, dòng vốn đầu tư đã đa dạng hơn với nhiều lĩnh vực những dự án về cơ sở hạ tầng như xây dựng nhà máy phát điện, các dự án về điện tử, bất động sản, sản xuất sợi…
Với kết quả kinh doanh tích cực này, triển vọng mở rộng sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật Bản nhận định rất sáng giá với trên 70% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng trong năm 2018.
Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư phát triển các dự án lớn như Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng, Idemitsu Kosan đã hợp tác đầu tư Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa.
Đặc biệt, trong khoảng vài năm trở lại đây, đã có một số quỹ đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản đã hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam dưới các hình thức mua cổ phần, góp vốn đầu tư, hoặc cho vay để phát triển các dự án bất động sản theo tiêu chuẩn Nhật Bản và phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Thị trường BĐS, hạ tầng của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản. Điều này minh chứng bằng việc nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam thời gian gần đây tăng mạnh, vượt qua các quốc gia khác. Rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã chọn các đối tác Việt Nam để liên kết đầu tư và bước đầu đã mang lại hiệu quả khá bất ngờ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo