Góc nhìn

Thị trường đồ gỗ hàng tỷ đô đang chờ doanh nghiệp Việt Nam

Việt Nam và EU vừa có phiên làm việc thứ 4 về Hiệp định Đối tác tự nguyện- VPA trong Chương trình Thực thi Lâm luật, Quản trị Rừng và Thương mại Lâm sản- FLEGT. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ với Doanh Nghiệp Việt Nam các cơ hội cũng như rào cản khi tham gia Hiệp định này
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam
 

 EU và 90 tỷ mét khối gỗ mỗi năm

- PV: Thưa ông, quá trình đàm phán giữa Việt Nam và EU, điểm đáng chú ý liên quan đến các quy định về mặt pháp lý là gì?


+Ông Nguyễn Tôn Quyền: Theo tôi có mấy vấn đề quan trọng sau khi ký kết. Thứ nhất, chính phủ sẽ ban hành nghị định mới quy định việc thực hiện trong tương lai như thế nào, trong đó quy định rất rõ, các doanh nghiệp phải tuân thủ nghị định này, nếu trái nghị định coi như là trái pháp luật.

Thứ hai, chúng ta phải có giấy phép FLEGT thì sản phẩm  mới xuất sang được EU. Muốn có giấy phép trước hết doanh nghiệp phải tuân thủ những quy định tính hợp pháp mà trong VPA quy định trong đó phải có quá trình xác minh, truy xuất nguồn gỗ và phải có đánh giá độc lập, đánh giá tác động môi trường.


Đấy là những điểm mới chúng ta phải thực thi sau khi ký kết hiệp định. Điều đó có nghĩa sau khi chúng ta ký kết hiệp định VPA , chưa hẳn đã có giấy phép ngay bởi  đó mới ký kết trên văn bản. Còn để  doanh nghiệp thực thi việc này, chúng ta hiểu những nội dung đó như thế nào còn cả một quá trình tập huấn, đánh giá, bồi dưỡng, đào tạo. Sau khi ký kết ít nhất cũng phải mất 3 năm chúng ta mới có giấy phép. Nhưng trước mắt cần phải có ngay nghị định của chính phủ để cụ thể hóa, luật hóa hiệp định VPA


PV: Các doanh nghiệp quan tâm đến những cơ hội và đương nhiên cả những khó khăn mà họ phải giải quyết khi tham gia Hiệp định, ông có thể chia sẻ điều gì?


+Ông Nguyễn Tôn Quyền: Theo tôi đánh giá thì những thuận lợi và cơ hội nhiều hơn, bởi hiện này EU là một trong những thị trường trọng điểm của Việt Nam. Từ năm 2000 cho đến nay, Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn là ba thị trường trọng điểm và kim ngạch xuất khẩu vào ba thị trường này đều lớn. Riêng EU khoảng 800 triệu đô la/năm. Nhưng nếu chúng ta ký hiệp định này thì tỷ trọng và thị phần sẽ tăng lên gấp đôi. Trước đây chúng ta chỉ xuất khẩu vào 5 nước chính của EU là Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Ý.


Nhưng bây giờ theo hiệp định VPA, chúng ta trực tiếp xuất khẩu vào 28 nước EU, như vậy thị phần tăng lên rất mạnh.


Cơ hội thứ hai, hiện nay các nước EU tiêu thụ khoảng 90 tỷ mét khối gỗ mỗi năm, trong khi chúng ta xuất khẩu  1 tỷ  mét khối gỗ sang thị trường Châu Âu. Cho nên đây là thị trường rất rộng mở để chúng ta xuất khẩu vào EU. Nếu chúng ta tuân thủ hiệp định này thì chắc chắn tỷ phần sẽ tăng lên.


Cơ hội thứ ba tôi đánh giá là nếu chúng ta thực thi hiệp định này thì tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp, trình độ quản trị kinh doanh của doanh nghiệp sẽ nâng lên rất cao. Bởi doanh nghiệp phải thay đổi lại tất cả cung cách làm ăn từ trước đến nay. Từ giám đốc doanh nghiệp cho đến các giám đốc phân xưởng và các công nhân phải học tập rất nhiều, nâng cao rất nhiều kể cả chính sách thương mại quốc tế. Cho nên tính chuyên nghiệp rất tốt.


Thứ tư, bắt buộc chúng ta trong nước phải thay đổi những cái cơ bản, văn bản pháp lý, những hệ thống, cơ chế chính sách để làm sao chúng ta có nguồn gỗ trong nước ngày càng nhiều hơn, tốt hơn để chúng ta xuất khẩu sang EU, tôi cho đấy là những thuận lợi rất cơ bản.


Nhưng thách thức cũng vô cùng lớn. Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất sẽ có những rủi ro tổn thương cho rất nhiều tác nhân tham gia. Thực thi hiệp định này có rất nhiều đối tượng. Đó là các doanh nghiệp chế biến gỗ, các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp thương mại, các doanh nghiệp buôn bán và hộ trồng rừng, đặc biệt quyền trồng rừng hiện nay là vấn đề rất lớn.


 Theo chính sách giao đất trồng rừng của chính phủ Việt Nam, đến giờ phút này chúng ta có 1,4 triệu hộ gia đình trồng trên 2,2 triệu ha rừng trồng. Rừng này cũng cấp cho chúng ta để xuất khẩu sang EU, nhưng trình độ người dân rất lạc hậu, vốn ít, cơ sở hạ tầng kém cho nên để tiếp cận với chính sách mới đối với họ rất hạn chế.

Thế nào là gỗ hợp pháp?

PV: Khái niệm gỗ bất hợp pháp hiểu theo Hiệp định mới cụ thể là như thế nào?


+Ông Nguyễn Tôn Quyền: Trước đây chúng ta quan niệm về bất hợp pháp chưa đầy đủ. Nếu khai thác gỗ trái phép là bất hợp pháp thì không phải đâu. Bây giờ có rất nhiều yếu tố để chứng minh được bất hợp pháp là gì. Trước hết, chúng ta phải có quyền chứng nhận sử dụng đất. Thứ hai, thiết kế khai thác rừng tự nhiên phải có giấy phép thiết kế khai thác, đối với rừng trồng phải có xác nhận của cơ quan địa phương.

Còn vấn đề thuế phải nộp thuế như thế nào. Hay vấn đề sử dụng lao động như thế nào, vấn đề bảo vệ môi trường cam kết như thế nào ..v..v..rất nhiều. Tức là bảy nguyên tắc và hàng trăm tiêu chí và rất nhiều chỉ số để chúng ta chứng minh rằng nguồn gốc gỗ đó hợp pháp.


Các doanh nghiệp, các hộ gia đình trồng rừng làm sao phải hiểu được tất cả những cái này. Chúng ta phải có trách nhiệm giúp cho họ hiểu. Nếu không hiểu cái này họ sẽ bị tổn thương, gỗ không bán được họ sẽ không có gì mà sinh sống.
 Hiện nay trong quá trình đàm phán, chúng ta chưa có nghiên cứu đánh giá tác động về rủi ro, cũng như những tổn thương của các thành phần này.


Rủi ro thứ hai, chúng ta phải nhập khẩu gỗ. Hiện nay, nhập khẩu gỗ từ 67 quốc gia trên thế giới. Làm sao biết được trong 67 nước đấy nước nào xuất khẩu gỗ hợp pháp, nước nào xuất khẩu gỗ bất hợp pháp. Xuất xứ của gỗ rất quan trọng. Nên chúng ta phải lựa chọn nước nào có bộ chứng chỉ gỗ hợp pháp, đấy là vấn đề lớn của doanh nghiệp.


Hiện nay chúng ta cũng chưa có kênh thông tin để giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có được những danh mục ở quốc gia nào có  loại gỗ nào là hợp pháp, ít rủi ro.


Thách thức thứ ba đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đó là chi phí tăng lên rất mạnh, chi phí tăng cao. Bởi vì mua gỗ FSC sẽ cao hơn rất nhiều so với gỗ không có FSC. Nếu mua gỗ ở quốc gia anh phải thu gom từ rất nhiều điểm về một nơi để chờ tàu tập kết về, tăng chi phí vận tải lên rất lớn. Ngoài ra gỗ đem về Việt Nam bán phải qua rất nhiều khâu như kiểm tra như tôi vừa nói, xác minh, truy xuất, giấy phép đủ thứ. Cho nên chi phí tăng lên rất mạnh.


Đấy là những rủi ro, thách thức rất lớn mà doanh nghiệp phải vượt qua. Tôi tin rằng trong thời gian tới, cơ quan nhà nước chúng ta sẽ có những chính sách, những hỗ trợ cần thiết để vượt qua những khó khăn để doanh nghiệp chúng ta tự tin, việc chúng ta tuân thủ hiệp định này.


PV: Ông nói kết thúc đàm phán thì cũng phải ba năm nữa may ra mới có giấy phép, vậy trong khoảng thời gian này chúng ta có phải chuẩn bị gì cho thời điểm đó?


+Ông Nguyễn Tôn Quyền: Sau mỗi cuộc đàm phán thì cần thông tin luôn cho các doanh nghiệp biết được hiện nay quá trình đàm phán thế nào, nội dung đàm phán thế nào.Với các cuộc đàm phán trước đây chúng ta đã làm thì các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ lớn và vừa họ đều tiếp cận được thông tin. Nhưng đối với hộ trồng rừng, hộ chế biến nhỏ thì hiện nay chúng ta chưa làm được.


Cơ chế thứ hai mà chúng tôi nói hiện nay đang làm, đang chuẩn bị xây dựng bộ tài liệu để hướng dẫn, chi tiết hóa để người dân đọc được và hiểu được. Bởi vì tất cả có bảy nguyên tắc bên trong tiêu chí và mấy trăm chỉ số, bây giờ phải cụ thể hóa nó ra từng mục một để người ta đọc hiểu được ngay. Hiện nay đã có một số sách báo đã phát hành rồi nhưng chưa đầy đủ. Trong tương lai sẽ có đầy đủ, đặc biệt là có rất nhiều dự án hiện nay như dự án tăng cường năng lực của các tổ chức dân sự và doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm đáp ứng các yêu cầu của FLEGT do EU tài trợ và được thực hiện bởi NEPCon và SFMI hay rất nhiều dự án khác đang giúp việc này để cho doanh nghiệp họ nắm được.


Cái thứ ba quan trọng hơn cả, hiện nay chúng tôi đang xây dựng một kế hoạch, sau khi kết thúc ký kết này, chúng tôi mở rất nhiều các lớp đào tạo cho các doanh nghiệp, đào tạo giáo viên, từ giáo viên sẽ đào tạo lại tất cả các doanh nghiệp trong vòng ít nhất từ 2-3 năm. Tôi nghĩ việc đấy là ban đầu còn kế hoạch trong tương lại phải có nhiều chính sách khác nữa.
 

Xin ảm ơn ông!

Hồng Trang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo