Thị trường sách Việt Nam: Giảm lượng, tăng chất?
Năm 2015, doanh thu toàn ngành xuất bản đạt hơn 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, số nhà xuất bản (NXB) thực sự có lãi cao chỉ đếm được trên đầu ngón tay như: NXB Trẻ (11,3 tỷ đồng), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật (13,6 tỷ đồng), NXB Kim Đồng (25 tỷ đồng), NXB Giáo dục Việt Nam (33,5 tỷ đồng). Cán cân lợi nhuận, gần như nghiêng hẳn về phía các đơn vị tư nhân.
Theo số liệu do Cục Xuất bản, In và Phát hành vừa công bố, năm 2015, số xuất bản phẩm được phát hành trên thị trường là hơn 76.000. Trong đó, sách giấy là hơn 29.000 tác phẩm, với hơn 363 triệu bản in. Mức hưởng thụ bình quân đạt khoảng 4,1 bản sách/người.
50 tỷ đồng/7 ngày
Rất nhiều người đã nghi ngờ khả năng kiếm lợi nhuận ở thị trường sách Việt Nam. Văn hóa đọc chưa được đề cao, người trẻ không mặn mòi với sách... là những lý do khiến những người làm sách thường được mệnh danh là doanh nhân lãng mạn. Tuy nhiên, ghi nhận từ Hội sách TP.HCM lần thứ IX vừa qua, trong 7 ngày diễn ra, doanh số bán ra là hơn 50 tỷ đồng, tăng 30% so với Hội sách lần VIII năm 2014.
"Thị trường sách hiện nay đang có những bước phát triển đáng kể. Những cố gắng để truyền bá, cổ vũ cho tinh thần đọc sách suốt những năm qua đã có phản hồi tích cực, người trẻ ngày càng mặn mà hơn với sách", bà Phan Thị Lệ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Văn hóa Phương Nam nhận định.
Hội sách TP.HCM lần thứ IX. Ảnh: Quý Hòa
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ, tín hiệu tích cực từ phía bạn đọc là có thật nhưng nhìn một cách khách quan thì bình diện chung của thị trường sách Việt Nam không có sự phát triển, thậm chí là còn có sự thu hẹp miếng bánh của sách giấy vì sự "xâm lấn" của sách điện tử".
Một số NXB năm 2014 kinh doanh thua lỗ nhưng năm 2015 đã đạt được những kết quả khả quan, như: NXB Hải Phòng (lãi 600 triệu đồng); NXB Thống kê và NXB Thanh Hóa mặc dù kinh doanh chưa có lãi nhưng đã cân đối được doanh thu.
Bên cạnh đó, vẫn còn một vài nhà xuất bản kinh doanh bị thua lỗ, như: NXB Hàng Hải (-110 triệu đồng), NXB Đại học Cần Thơ (-150 triệu đồng), NXB Đại học Kinh tế quốc dân (-1 tỷ đồng).
Đơn cử như năm 2015, NXB Trẻ đạt doanh thu hơn 85 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2014. Đây là một trong những NXB hiếm hoi hoạt động có lãi hơn 11,3 tỷ đồng. Thế nhưng, theo ông Nhựt, sự phát triển của NXB Trẻ cũng như một vài đơn vị khác không phản ánh được sự nở rộng của thị trường mà chỉ là được/ mất thị phần giữa các đơn vị.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hà Quốc Anh - Giám đốc Công ty CP In Phương Nam cho rằng, nguyên nhân của việc kém phát triển ở thị trường sách là do nhiều cán cân không cân bằng.
Thứ nhất là thị trường sách Việt Nam phát triển lệch, tỷ lệ sách nước ngoài được chuyển ngữ là chủ yếu. Việc bán bản quyền ra nước ngoài thực sự quá nhỏ. Phần lệch khác là những đơn vị sở hữu quyền ấn hành sách thì lại hoạt động kém hiệu quả hơn hẳn những đơn vị tư nhân, liên kết phát hành.
Minh chứng rõ nhất là danh sách nhóm 10 các đơn vị có doanh thu cao nhất tại Hội sách TP.HCM lần IX vừa qua, ngoài Fahasa và NXB Trẻ, các đơn vị còn lại đều là tư nhân như Tiki (7,5 tỷ đồng), Đông A (2,3 tỷ đồng), Phương Nam, (2,1 tỷ đồng), Vinabook (1,9 tỷ đồng), Nhã Nam (1,3 tỷ đồng)...
Bài toán của quảng bá thương hiệu
Trước Hội sách TP.HCM lần IX, người làm sách rất tự hào vì đã có hẳn một con đường Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM để kinh doanh sách. Tuy nhiên, điểm mặt, cũng chỉ có một vài thương hiệu quen trong ngành hiện diện như Trẻ, Nhã Nam, First News, Phương Nam, Kim Đồng...
Hiện chức năng lớn nhất của con đường sách đầu tiên của TP.HCM là trở thành nơi diễn ra các hoạt động liên quan đến sách.
"Sách, cũng cần phải được đầu tư, chăm chút về mặt truyền thông như các sản phẩm tiêu dùng. Trong thời buổi mà sách xuất bản nhiều và tràn lan hơn hẳn thời gian trước thì người đọc càng khó chọn lựa. Đơn vị nào truyền thông tốt bên cạnh nội dung ấn tượng thì sẽ có lợi thế cạnh tranh", ông Nguyễn Hà Quốc Anh nhận định.
Không chỉ các đơn vị xuất bản phải chú trọng trong xây dựng thương hiệu, bản thân các tác giả Việt Nam hiện nay cũng nhạy hơn trong việc xây dựng hình ảnh của mình với cộng đồng mạng. Chuyện các nhà văn, nhà tư vấn... mở fanpage, lập fan club... hệt như những nghệ sĩ đã là chuyện thường ngày.
Ngay như nhà văn "best seller" nhưng ít có điều kiện tiếp cận các kênh giao tiếp hiện đại như Nguyễn Nhật Ánh... cũng tham gia tích cực vào hoạt động tương tác với fan hâm mộ. Rõ ràng, những người làm nghề đã có sự thích nghi rất tốt với bối cảnh kinh doanh hiện tại.
60 triệu: Năm 2015, Việt Nam nhập khẩu hơn 60 triệu bản sách. Trong đó, sách giáo dục (52%); khoa học xã hội (16%); khoa học - kỹ thuật (12%); y học (7%); kinh tế (13%).
Điều khó nhất của thị trường sách hiện giờ vẫn là khâu phát hành. "Tỷ lệ chiết khấu phổ biến hiện nay là 40% và là cái giá hợp lý cho công tác phát hành", ông Vũ Trọng Quân - Giám đốc Đối ngoại Công ty Sách Firstnews, đánh giá.
Theo ông Quân, chi phí đầu tư hệ thống phát hành, nhân viên... có thể lên đến hơn 25% giá bìa, lợi nhuận của đơn vị phát hành hiện nay là hợp lý.
Tuy nhiên, áp lực dòng tiền hiện nay khá lớn, buộc các đơn vị làm sách phải thường xuyên thúc đẩy việc đưa sản phẩm của mình ra thị trường để có thể thu hồi vốn, tái sản xuất.
Đó chính là lý do, rất nhiều hội sách giảm giá được các đơn vị làm sách hay phát hành tổ chức riêng lẻ hoặc kết hợp vài ba thương hiệu cùng tổ chức diễn ra quanh năm.
Động thái này để giải quyết bài toán tồn vốn trong khâu phát hành. Bởi luật phát hành chung hiện nay vẫn là gối đầu: bán hết hàng, giao đơn hàng mới, mới thanh toán nợ cũ.
Phương Quyên-Đặng Qúy Yên/Doanhnhansaigon
End of content
Không có tin nào tiếp theo