Doanh nhân

Thị trường USD trước lệnh cấm cho vay ngoại tệ

Theo Thông tư 24/2015/TT-NHNN về cho vay bằng ngoại tệ, từ ngày 31-3, các ngân hàng thương mại sẽ chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ, chuyển sang mua bán USD thuần túy.

Từ đầu năm 2016 đến nay, tỉ giá VNĐ/USD biến động không nhiều, thậm chí có thời điểm giá USD trên thị trường thấp hơn các ngân hàng (NH) 20-30 đồng làm tiêu tan hy vọng tỉ giá đi lên của giới đầu cơ ngoại tệ .

Tiền gửi ngoại tệ giảm 3,5%

Dấu hiệu cho thấy giới đầu cơ không mặn mà với ngoại tệ là tỉ lệ tiền gửi USD tại các NH đã sụt giảm. Lãnh đạo NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết huy động vốn bằng USD đã giảm nhẹ.

Một số doanh nghiệp (DN) bán ngoại tệ rồi núp bóng cá nhân gửi tiết kiệm VNĐ dài hạn với lãi suất cao. Sau đó, DN thế chấp VNĐ để vay USD theo kỳ hạn 3-6 tháng với lãi suất thấp nhằm giảm thiểu chi phí vay vốn khiến dư nợ cho vay USD vẫn còn nhiều.

Trong khi đó, do lãi suất 0% nên 100% tiền gửi USD là không kỳ hạn. NH sử dụng nguồn vốn này để cho vay USD có kỳ hạn sẽ đối mặt rủi ro. Vì thế, nhiều NH đang tính đến phương án vay USD dài hạn từ nước ngoài nhằm cân đối kỳ hạn nguồn vốn.

Thị trường USD trước khi lệnh cấm cho vay ngoại tệ được thực thi.

từ ngày 31-3, các ngân hàng thương mại sẽ chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ, chuyển sang mua bán USD thuần túy.

Theo ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc NH Á Châu (ACB), từ đầu năm đến nay, nhiều cá nhân đã rút tiền gửi USD khiến huy động vốn bằng ngoại tệ của ACB giảm 5%.

Tổng giám đốc NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng cho biết lượng tiền gửi USD đã giảm với tỉ lệ như ACB. Ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc NH Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), thông báo huy động vốn USD tại Vietcombank hiện ổn định…

Theo số liệu mới nhất của NH Nhà nước, tại thời điểm 10-3, huy động vốn ngoại tệ bình quân hệ thống NH giảm 3,5% so với thời điểm 31-12-2015, chứng tỏ tỉ lệ nắm giữ USD đi xuống, tình trạng đô la hóa chuyển biến tích cực

Diễn biến của thị trường ngoại tệ cho thấy đầu tháng 1-2016, 1 USD có giá 22.540 đồng nhưng đến ngày 26-3 xuống còn 22.340 đồng/USD, giảm 200 đồng. Giới phân tích cho rằng người dân rút dần tiền gửi USD, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm là điều dễ hiểu.

Cung cầu USD ổn định

Như vậy, trong gần 3 tháng đầu năm 2016, tỉ giá biến động trái với dự đoán vào đầu quý IV/2015. Lúc đó, tỉ giá được kỳ vọng tăng thêm 1% vào đầu năm 2016.

Vì thế, nhiều người đã ồ ạt mua USD gửi vào NH khiến 3 tháng cuối năm 2015, huy động vốn bằng ngoại tệ của hệ thống NH tăng 18% (số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia).

Sau đó, họ thế chấp USD cho NH để vay VNĐ nhằm có vốn làm ăn, đồng thời chờ tỉ giá tăng lên sẽ bán ra kiếm lời.

Thế nhưng, giữa tháng 12-2015, NH Nhà nước bất ngờ tung ra liều thuốc đặc trị đầu cơ USD. Theo đó, lãi suất tiền gửi USD giảm còn 0%, kèm theo thông điệp gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ có thể bị thu phí.

Mặt khác, từ ngày 4-1-2016, NH Nhà nước áp dụng cơ chế tỉ giá trung tâm thay đổi hằng ngày. Lập tức, thị trường ngoại tệ biến động nhưng sau đó dần ổn định, tỉ giá giảm dần. Đến cuối tháng 3-2016, giá mỗi USD tại các NH “neo” ở mức 22.300 - 22.350 đồng.

Theo các NH, do diễn biến của tỉ giá trái chiều dự đoán nên nhiều DN có nguồn thu USD bán ngay ngoại tệ cho NH khi nhận được tiền thanh toán từ nước ngoài làm cho cung USD dồi dào.

Trong khi đó, sức mua ngoại tệ của các DN nhập khẩu lại không tăng khiến cung cầu USD luôn ổn định, thậm chí có thời điểm khách hàng bán ngoại tệ nhiều hơn mua. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2016 đến nay, Việt Nam xuất siêu gần 1 tỉ USD.

Từ đó, DN, người dân và cả NH thương mại không muốn nắm giữ USD. Điều này lý giải vì sao tỉ giá VNĐ/USD trong gần 3 tháng qua đi xuống.

Tuy hoàn toàn ủng hộ chủ trương chống đô la hóa nhưng GS-TS Trần Ngọc Thơ (Trường ĐH Kinh tế TP HCM) cho rằng bên cạnh chính sách lãi suất tiền gửi USD bằng 0%, dứt khoát NH Nhà nước phải cấm NH thương mại cho vay bằng USD.

Nếu ngân hàng thương mại vẫn được cho vay ngoại tệ thì chẳng khác nào triệt tình trạng đô la hóa nửa vời.

Nhu cầu ngoại tệ được đáp ứng

Từ ngày 15 đến 25-3, tỉ giá trung tâm chỉ tăng 7 đồng, tỉ giá mua bán của NH thương mại tăng 20 đồng (chưa tới 0,1%), giao dịch trong khoảng 22.300 - 22.350 đồng/USD.

Theo TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỉ giá thường vận động do 2 nhân tố chính là nền tảng của kinh tế vĩ mô và cung cầu thị trường.

Quý I/2016, Việt Nam xuất siêu trên 1 tỉ USD, vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài tăng gần 4 tỉ USD, kiều hối cũng thu hút được cả tỉ USD nên nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào.

Trên thị trường ngoại hối, các DN xuất khẩu bán ngoại tệ cho NH thương mại ở mức ổn định. Nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu đều được các NH đáp ứng.

Cafebiz/Người Lao Động

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo