Góc nhìn

Thiệt cả triệu đô vì áp trần quảng cáo doanh nghiệp

Nhiều ý kiến cho rằng việc áp trần quảng cáo không quá 15% đã tạo ra cạnh tranh không lành mạnh và gây thiệt hại hàng triệu đô cho doanh nghiệp, thâm chí thu ngân sách nhà nước cũng giảm xuống.

Bộ Tài Chính đang có đề xuất lên Chính Phủ đề nghị dỡ trần quảng cáo 15% để cởi trói cho các doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề dỡ trần quảng cáo, PV đã có cuộc trao đổi ngắn với bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Quảng Cáo Việt Nam.
 
90% doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vậy thì nhu cầu về quảng cáo sản phẩm, quảng bá thương hiệu thực tế các các doanh nghiệp ra sao, thưa bà?
 
Bà Nguyễn Thanh Hà: Đúng vậy, doanh nghiệp Việt hiện chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô sản xuất, vốn nhỏ cộng với nhiều sản phẩm mới. Trên thực tế, nhu cầu quảng cáo sản phẩm, quảng bá thương hiệu mới rất lớn. Nhiều doanh nghiệp khi mới thành lập, mới cho ra một số sản phẩm mới có nhu cầu quảng cáo rất lớn, họ có thể chịu lỗ để quảng cáo. Quảng cáo, khuyến mại là kênh hấp dẫn và nhanh nhất giúp các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng và xây dựng thương hiệu bền vững.

Theo bà việc áp trần quảng cáo gây thiệt hại như thế nào đến doanh nghiệp?
 
Bà Nguyễn Thanh Hà: Không có con số thống kê chi tiết về mức độ thiệt hại, tuy nhiên, việc áp trần quảng cáo gây thiệt hại nhiều mặt cho doanh nghiệp. Về khía cạnh doanh nghiệp, khi họ cảm thấy thực sự cần xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm họ mới tìm đến quảng cáo chứ không ai rảnh rỗi bỏ cả vài trăm triệu đồng ra làm những điều không cần thiết. Như vậy, quảng cáo rất cần thiết đối với họ, tuy nhiên, nếu áp trần quảng cáo không khác gì trói chân, trói tay doanh nghiệp. Xét về khía cạnh nào đó những sản phẩm mới mà không cho doanh nghiệp thoải mái quảng cáo nghĩa là đã hạn chế khả năng tiếp cận người tiêu dùng, doanh nghiệp không xây dựng được thương hiệu, hàng hóa không bán được dẫn đến doanh nghiệp thất bại. Doanh nghiệp không bán được hàng, thu ngân sách nhà nước cũng giảm theo.
 
Xét về thiệt hại ngành quảng cáo bị thiệt hại khá lớn. Tôi có thể lấy một ví dụ đơn giản đó là các tập đoàn như Samsung, Cocacola…họ không bao giờ đầu tư quảng cáo ở Việt Nam. Mỗi clip quảng cáo của họ có khi lên tới cả triệu USD nhưng họ đều sản xuất ở nước ngoài về Việt Nam họ chỉ thuê báo, truyền hình quảng cáo. Như vậy, nếu như Việt Nam cởi mở hơn về cơ chế áp trần quảng cáo, biết đâu rằng các doanh nghiệp nước ngoài họ sẽ thuê doanh nghiệp Việt Nam làm quảng cáo. Hơn nữa, việc áp trần cũng khiến  doanh nghiệp trong nước dè dặt hơn, doanh thu từ quảng cáo cũng bị giới hạn.

PV: Bà vừa nói các doanh nghiệp FDI lách trần quảng cáo bằng cách sản xuất quảng cáo ở nước ngoài, điều này có tạo ra cạnh tranh không công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, thưa bà?
 
Bà Nguyễn Thanh Hà: Doanh nghiệp FDI có doanh thu lớn, quy mô lớn vì vậy con số 15% quy đổi ra tiền cũng vô cùng lớn trong khi doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ nên mức chi cho quảng cáo, khuyến mại rất thấp. Như đã nói ở trên, các doanh nghiệp FDI có công ty mẹ ở nước ngoài, vì vậy họ thực hiện quảng cáo ở nước ngoài nên không phải tính theo quy định áp trần quảng cáo ở Việt Nam. Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, chi phí quảng cáo 15% không chỉ bao gồm quảng cáo, khuyến mại mà còn bao gồm chi phí cho hội nghị, tọa đàm, tiếp tân… Như vậy, nói về việc cạnh tranh quảng cáo xây dựng thương hiệu các doanh nghiệp Việt chắc chắn thua các khối FDI.
 
PV: Nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp FDI sản xuất quảng cáo trong nước bởi các nhà quảng cáo thiếu sáng tạo và phát triển manh mún, bà nghĩ sao về điều này?
 
Bà Nguyễn Thanh Hà: Tôi thừa nhận vẫn doanh nghiệp quảng cáo trong nước còn nhiều thiếu sót nhưng cũng vì áp trần quảng cáo mà chúng tôi không dám đầu tư, phát triển hết tiềm năng. Việt Nam có lợi thế chi phí rẻ, nhân công rẻ…nếu như quy định áp trần quảng cáo được dỡ bỏ, ngành được đầu tư hơn tôi tin rằng trình độ quảng cáo không kém bất cứ nước nào. Ví dụ, cocacola họ thuê nước ngoài 1 triệu USD sản xuất 1 clip quảng cáo thì chúng tôi có thể làm chỉ với giá 800.000 USD.

PV: Mong muốn thực sự của doanh nghiệp cũng như các nhà bán lẻ hiện nay là dỡ trần quảng cáo?
 
Bà Nguyễn Thanh Hà: Quy định áp trần quảng cáo ban đầu được cho là bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, vào thời kỳ hội nhập nó đã bộc lộ những hạn chế rõ rệt: người tiêu dùng không có quyền lựa chọn các thương hiệu mình thích, doanh nghiệp bị trói tay do không thể tiếp cận khách hàng, xây dựng thương hiệu, tạo ra sự mất cân bằng trong cạnh tranh, thu ngân sách giảm… Chúng tôi rất mong quy định này sớm được dỡ bỏ để doanh nghiệp Việt được tự do xây dựng thương hiệu cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, tăng sức mạnh kinh tế.
 
Xin cám ơn bà!
Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo